| Hotline: 0983.970.780

Chông chênh những ngôi làng tái định cư thủy điện

[Bài cuối]: Những 'cục sạn' vẫn chềnh ềnh quanh hồ Đắk R’tih

Thứ Tư 23/08/2023 , 09:52 (GMT+7)

Không chỉ 'tắc trách' trong giải quyết tái định cư cho người dân có nhà, đất bị thu hồi, mà việc quản lý công trình thủy điện Đắk R’tih cũng tồn tại nhiều bất cập.

Từ có nhà, có đất thành... trắng tay

Qua ông tài xế xe ôm, tôi tìm gặp được anh Nông Trọng Hùng, hiện đang tá túc nhờ nhà người anh bà con ở xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp, nơi có một phần diện tích đất, rừng phòng hộ công trình thủy điện Đắk R’tih. Lúc tôi đến, anh Hùng đang loay hoay sửa chiếc máy cày nơi góc vườn.

“Tôi về đây gần chục năm nay, thành quê hương thứ 2 rồi. Năm 2009, khi mới bị thu hồi đất làm thủy điện, gia đình tôi cũng cất nhà ở tạm ngay gần khu tái định cư, vì nghĩ bên dự án chắc sẽ sớm giải quyết nền tái định cư cho chúng tôi thôi. Ai ngờ chờ hết năm này đến năm khác, cuối cùng tôi phải đưa vợ về nhà ông anh ở nhờ. Tôi có cái nghề lái máy xúc, máy ủi, phụ ông anh làm rẫy cà phê, cao su, còn vợ thì phụ chăm sóc vườn điều, hết việc cũng ra ngoài kiếm thêm, ai thuê gì làm nấy. Còn 2 đứa con gửi về ông bà ngoại ở Gia Nghĩa, vì tụi nhỏ còn đi học. Gia đình tôi thế này là còn may mắn vì không phải đi thuê nhà, chứ nhiều người tốn mỗi tháng từ 1,5 đến 3 triệu đồng tiền thuê nhà ở chứ không ít đâu”, anh Hùng kể.

Anh Nông Trọng Hùng đang làm thuê cho một người anh bà con từ gần chục năm nay sau khi bị thu hồi trắng nhà, đất nhường chỗ cho thủy điện Đắk R'tih. Ảnh: Phúc Lập.

Anh Nông Trọng Hùng đang làm thuê cho một người anh bà con từ gần chục năm nay sau khi bị thu hồi trắng nhà, đất nhường chỗ cho thủy điện Đắk R'tih. Ảnh: Phúc Lập.

Anh Hùng cho biết, gia đình anh trước ở phường Nghĩa Phú, thị xã Gia Nghĩa (nay là TP.Gia Nghĩa), có hơn 2ha vườn và một căn nhà cấp 4, cuộc sống chưa có dư, nhưng cũng khá ổn. Đến khi làm thủy điện, toàn bộ nhà, vườn của gia đình anh bị thu hồi. Quá trình kiểm kê lần đầu tiên trong 2 năm 2003 – 2004 đã xảy ra nhiều sai sót. Thời điểm này dự án thủy điện Đắk R’tih vẫn chưa được các cấp thẩm quyền phê duyệt, cũng chưa có quyết định thu hồi đất.

Bài liên quan

“Hồi đó, ban đền bù giải phóng mặt bằng họ làm nhiều cái sai lắm, nên dân khiếu nại đông người, kéo dài nhiều năm. Như nhà tôi là một ví dụ. Đất của tôi có vườn điều, gió bầu, nhiều cây ăn trái khác, diện tích này phải đền bù theo giá đất trồng cây lâu năm (loại 3) với giá đền bù 10.500 đồng/m2, đây là bảng giá đất do UBND tỉnh Đắk Nông ban hành tại thời điểm đó, nhưng họ lại ghi thành đất khai hoang (loại 4), giá đền bù có 1.200 đồng/m2. Ngoài việc kiểm kê, đền bù chưa đúng, việc cắm nền đất tái định cư cũng xảy ra đủ thứ chuyện. Vì thế, rất nhiều người không đồng ý với các phương án mà bên dự án đưa ra, nên kéo nhau đi khiếu nại đông người. Đến khi tỉnh vào cuộc, yêu cầu bên dự án thuỷ điện kiểm kê lại tài sản và áp giá đền bù sát thực tế thì mới hết khiếu nại. Sau đó, mức đền bù được điều chỉnh lên 7.000 đồng/m2. Còn về chỗ tái định cư thì đến giờ vẫn giậm châm tại chỗ”, anh Hùng chua xót.

Theo chỉ dẫn của anh Hùng, tôi tìm đến một căn nhà thuê tạm bợ nằm sâu trong một con hẻm nhỏ trên QL14, thuộc xã Nhân Cơ, huyên Đắk R’lấp, của gia đình ông Đinh Văn Tấn, một trong số hàng trăm hộ dân có đất bị thu hồi dự án thủy điện Đắk R’tih. Lúc tôi đến, ông Tấn không có nhà, chỉ có phụ nữ và trẻ em, gần chục người, đang quây quần dưới nền nhà ăn trưa.

Trước mặt họ là một nồi nước lẩu, đặt trên chiếc bếp ga mi ni, nhưng thức ăn thì không có gì ngoài một đĩa bún, đĩa rau và một ít thịt heo quay. Sau khi tôi chào, người phụ nữ giới thiệu là vợ ông Tấn, tên Bảy Hường, nói: “Ông ấy đi vào rẫy làm rồi. Nhà còn mấy sào cà phê cách đây hơn chục cây số. Ngày nào cũng vậy, sáng sớm ổng đi đến tối đêm mới về. Bình thường tui cũng đi làm, hôm nay có mấy đứa cháu ngoại đến chơi nên tôi mới ở nhà. Muốn gặp ổng phải gọi báo trước 1 ngày”.

Rất nhiều gia đình phải tứ tán bốn phương, thuê nhà ở, sau khi nhà đất bị thu hồi làm thuỷ điện mà chưa có chỗ tái định cư. Ảnh: Phúc Lập.

Rất nhiều gia đình phải tứ tán bốn phương, thuê nhà ở, sau khi nhà đất bị thu hồi làm thuỷ điện mà chưa có chỗ tái định cư. Ảnh: Phúc Lập.

Sau khi nghe tôi trình bày lý do gặp, bà Bảy than: “Vợ chồng tui rầu lắm chú ơi. Từ chỗ có nhà, có đất, mà bây giờ thành ra thế này, chú xem, nhà này là của người bà con cho ở nhờ. Nhưng tui cũng phụ gửi chút tiền cho họ, vì họ cũng không khá hơn mình bao nhiêu. Giờ chỉ mong họ giải quyết dứt khoát vụ tái định cư này để ổn định cuộc sống, chứ tiền đền bù hồi đó được mấy trăm triệu, cũng chẳng dám tiêu xài gì phung phí đâu, nhưng cũng đủ thứ phải chi, từ ăn uống hàng ngày, hiếu, hỉ, bệnh tật, đến dựng vợ gả chồng cho con cái… thì bao nhiêu cho đủ. Tôi còn cả một mẹ già nữa. Hiện giờ chỉ trông vào mấy sào cà phê, chẳng được bao nhiêu”.

Nhiều sai phạm âm ỉ quanh dự án

Trong khi việc giải quyết tái định cư cho người dân còn chưa đến đâu, thì tại công trình thủy điện Đắk R’tih, nhiều năm nay, xảy ra tình trạng xâm lấn bờ hồ, phá rừng phòng hộ, một số công trình xây dựng trái phép quy mô lớn, nhưng từ Ban quản lý dự án đến cả chính quyền địa phương, gần như đều bất lực.

Một con đường làm trái phép quy mô lớn xuống lòng hồ thủy điện Đắk R'tih. Ảnh: Phúc Lập.

Một con đường làm trái phép quy mô lớn xuống lòng hồ thủy điện Đắk R'tih. Ảnh: Phúc Lập.

Trong lúc cùng ông Tín đi quanh khu tái định cư, tôi chợt thấy một con đường mới mở, chưa hoàn tất, con đường này sau khi hoàn tất, đủ rộng cho 2 xe ô tô tránh nhau, chạy từ gần đỉnh đồi, giữa khu tái định cư, xuống ven hồ. Cho xe chạy chầm chậm hết con đường xuống sát bờ hồ, tôi ước đoạn đường dài khoảng gần 2km.

“Trước khi có hồ thuỷ điện thì con đường này đã có rồi, nhưng chỉ là con đường dân sinh, đường mòn rộng khoảng 2m, khi thủy điện Đắk R’tih hoàn thành, chủ đầu tư vẫn để lại cho người dân đi làm rẫy. Hồi đầu năm tự nhiên thấy xe múc, xe ủi vào san gạt rầm rộ, ủi đất xuống lấp nhiều vạt rừng trồng phía dưới. Họ làm rầm rộ lắm, mà nghe nói của một đại gia đầu tư làm dự án nhà hàng, tham quan du lịch dưới lòng hồ”, anh Tín cho biết.

Còn ngay tại khu vực rừng phòng hộ hồ thủy điện ở thôn 8, xã Nhân Cơ, cũng có một công trình nhà hàng, nghỉ dưỡng xây trái phép trên đất rừng, diện tích hàng ngàn m2. Anh Nông Trọng Hùng cho biết, chính quyền địa phương cũng mấy lần đến lập biên bản xử phạt, bắt ngưng, nhưng công trình thì vẫn thấy còn.

Một khu nhà yến xây dưới vùng bán ngập lòng hồ. Ảnh: Phúc Lập.

Một khu nhà yến xây dưới vùng bán ngập lòng hồ. Ảnh: Phúc Lập.

Theo anh Hùng, năm 2020, UBND xã Nhân Cơ phát hiện một công trình nghỉ dưỡng xây dựng trái phép trên đất rừng bán ngập hồ thủy điện Đắk R'Tih ở thôn 8, với tổng diện tích hơn 634m2. UBND tỉnh Đắk Nông sau đó đã lập biên bản xử phạt chủ đầu tư là ông P. số tiền 70 triệu đồng và buộc tháo dỡ công trình, khôi phục lại tình trạng ban đầu. Tuy nhiên, đến nay, công trình này vẫn còn nguyên.

Cũng tại xã Nhân Cơ, một công trình nghỉ dưỡng khác bên hồ của ông T.V.Q. cũng xây trái phép đến khi gần hoàn thiện mới bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý và buộc dừng. Ngoài ra, còn 2 trường hợp khác lấn chiếm đường vận hành số 1 công trình hồ thuỷ điện Đắk R’moan để xây nhà kiên cố từ năm 2014, nhưng đến nay, những công trình này cũng vẫn còn nguyên.

Còn tại thôn Tân An, xã Đắk R'moan, TP. Gia Nghĩa, một cá nhân khác đã cho san gạt triền đồi thành bậc thang làm móng bê tông cốt thép rộng 5m, dài 20m để xây nhà nuôi yến và đổ đất san lấp, lấn chiếm 100m2 lòng hồ. Công trình sau đó bị xử phạt 8 triệu đồng, buộc khôi phục hiện trạng. Nhưng chủ đầu tư “không nghe”.

Hồ thủy điện Đắk R'tih có cảnh quanh rất đẹp, nhưng nhiều nơi quanh hồ đang bị 'xẻ thịt'. Ảnh: Phúc Lập.

Hồ thủy điện Đắk R'tih có cảnh quanh rất đẹp, nhưng nhiều nơi quanh hồ đang bị "xẻ thịt". Ảnh: Phúc Lập.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông, công trình hồ thủy điện Đắk R'tih nằm trên ba địa phương là TP. Gia Nghĩa, huyện Đắk Song và huyện Đắk R'Lấp. Nhiều năm nay, xung quanh hồ có hàng chục điểm lấn chiếm hành lang, rừng phòng hộ, lòng hồ, đường vận hành. Riêng TP Gia Nghĩa có tới gần 10 hộ lấn chiếm hành lang, lòng hồ để xây dựng công trình kiên cố, nuôi cá. Tuy nhiên, việc xử lý chậm chạp và thiếu dứt khoát.

Trong khi lãnh đạo Công ty Cổ phần thủy điện Đắk R'tih khẳng định “doanh nghiệp khi phát hiện vi phạm thì báo cáo địa phương, đề nghị xử lý. Công ty đã cử đại diện làm việc với địa phương nhiều lần nhưng chính quyền địa phương không giải quyết dứt điểm. Quan điểm của lãnh đạo công ty là phải thu hồi đất về cho đơn vị. Tuy nhiên phải chờ sự phối hợp của chính quyền bởi phía công ty không có chức năng xử lý", thì một trong những lãnh đạo địa phương có công trình lấn chiếm hồ thuỷ điện Đắk R’moan, ông Phan Nhật Thanh, Bí thư Huyện ủy Đắk R'Lấp nói “Công ty cổ phần thủy điện Đắk R'tih là đơn vị quản lý hồ, tuy nhiên khi chính quyền mời xuống họp nhằm đưa ra phương án xử lý dứt điểm thì đơn vị này hoặc vắng mặt, hoặc cho người không có tiếng nói quyết định tham gia nên không biết xử lý thế nào. Riêng địa phương sẽ làm hết trách nhiệm của mình”.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nhiều diện tích lúa sắp thu hoạch ở Quảng Bình bị đổ rạp do mưa lớn

Hàng trăm ha lúa vụ đông-xuân đang kỳ thu hoạch tại Quảng Bình bị đổ rạp do mưa lớn…