| Hotline: 0983.970.780

Băn khoăn chuyện chăm sóc, chi viện chống dịch Covid-19

Thứ Năm 12/08/2021 , 16:30 (GMT+7)

Cháu có cảm giác mọi chăm sóc, chi viện đều cho Sài Gòn, trong khi Bình Dương thì ở ngoài rìa vậy cô?

Thưa cô Dạ Hương,

Cháu là một cô giáo trẻ ở một tỉnh bấy lâu nay gần như là “vô danh” trên bản đồ Covid-19 của cả nước. Lá thư này cháu không nói chuyện tâm tình chi cả, bởi cháu nghĩ, bây giờ ai bí bách lắm chuyện riêng tư thì mới viết cho cô. Cháu nói chuyện Covid cô ạ.

Thưa cô, cháu dạy cấp thấp, trường lớp như đang ngủ đông, còn độc thân nên sống cùng ba má. Nhà của ông bà, vườn đất bao nhiêu năm tằng tằng yên ổn, ba mẹ đều là thầy cô giáo về hưu, lương hưu ở đây như miền quê hương đồng gió nội khá là thảnh thơi cô ạ. Ba mẹ cũng chỉ có hai con gái, chị của cháu lấy chồng trên thị xã, không gặp phải vấn đề kinh tế gì. Ba mẹ cưới nhau muộn, mẹ lại chậm con, nên cháu còn trẻ như vầy.

Chị cháu cũng gien chậm con của mẹ hay sao ấy, cưới 5 năm rồi, cũng định lên Sài Gòn khám kỹ và nếu phải làm hiếm muộn thì làm, nhưng dịch bệnh thế này, mọi chuyện dù là quan trọng nhất cũng gác lại.

Cô ơi, theo dõi tình hình cháu thấy Sài Gòn là một thành phố xưa là thủ đô của một thể chế, sau này là đầu tàu kinh tế của cả phía Nam. Nhưng sao dịch bệnh đã năm thứ hai rồi mà lại dễ bùng phát như vậy? Là do mình hay tại con virus Delta này nó hung hăng quá?

Lại nữa, vì sao tỷ lệ tử vong ở Sài Gòn cao hơn những nơi từng gây hãi hùng như Ấn Độ nữa cô? Một việc khác nữa là Bình Dương, là tỉnh nhỏ như Bình Phước nhưng tốc độ lây nhiễm thần tốc là do đâu, cô? Thần tốc không hiểu nổi ấy? Nhưng người chết thì không nghe nói nhiều, không rõ như Sài Gòn, là sao cô?

Cháu có cảm giác mọi chăm sóc, chi viện đều cho Sài Gòn, trong khi Bình Dương thì ở ngoài rìa vậy cô? Có phải vì Sài Gòn giàu, vì Sài Gòn đầu tàu mà cái gì cũng ưu tiên cho Sài Gòn? Có đúng như vậy không cô? Vậy các tỉnh khác nhìn vào, có thấy chạnh lòng rồi sinh ra tâm lý phân biệt đối xử hay là không, cô?

---------------------

Cháu thân mến!

Vấn đề dịch bệnh ở Sài Gòn theo cô, là do một phần chúng ta có chủ quan. Trong khi Ấn Độ và một số nơi quay cuồng như thế, ta vẫn nghĩ chúng ta chống dịch tốt. Thế rồi ngày nghỉ Lễ 30 tháng Tư và 1 tháng 5, ùn ùn xả cảng, đi chơi vi vu. Bởi vì không nghĩ rằng lần này là con virus Delta nó nguy hiểm rất nhiều (độ lây của nó tình bằng giây), cách xa nhau 2 mét như 5K là đã không còn phù hợp.Từ đó mà dẫn tới tụ tập, bình thường.

Như vụ một sinh hoạt tôn giáo ở Gò Vấp như cháu biết. Nó lây thần tốc. Khi có một F0 trong một gia đình công nhân thì thôi rồi, như khu Tân Thuận là 30.000 công nhân, như quận Bình Tân điểm nóng vẫn nóng, đơn cử 1 doanh nghiệp thôi, đã có 45.000 công nhân. Từ đó nó lây vào đường công nhân xuống Bình Chánh và Long An...

Những người lao động nhập cư vào Sài Gòn có thể là 2 triệu – 3 triệu, và đó là con đường để Covid nó phát tán. Họ buôn bán nhỏ, họ bán vé số dạo, họ thợ hồ, họ giúp việc, họ làm hàng trăm việc không phải công nhân. Và khi đã nhiễm thì những nhà trọ chật hẹp của họ là ổ dịch.

Sài Gòn 12 triệu dân thực tế. Sài Gòn là đầu mối, không những vậy, là nền kinh tế địa phương đóng góp vào quốc gia nhiều nhất, nặng nhất. Nay nó bị trọng thương, mới thấy y tế Sài Gòn ngày thường gánh bệnh cho cả nửa nước nhưng không đủ lực để giải quyết đại dịch. Vì người bệnh đã và đang khiến Sài Gòn đã quá tải, vẫn vậy, thêm bệnh nhân Covid nữa, thực sự y tế không kham nổi. Cả nước giúp Sài Gòn là vì vậy. Có lẽ không ai nỡ ganh tỵ và rồi sẽ giữ tâm lý phân biệt đâu.

Trong khi đó cháu ạ, Bình Dương là khu công nghiệp có số công nhân đông nhất nước. Tính ra phải là hàng triệu. Một tỉnh nhỏ, hàng triệu công nhân thì cháu hình dung đi, ngày thường đã ngột, ngày dịch bệnh ngột đến thế nào. Vậy nên tốc độ lây ở Bình Dương nhanh hơn so với Sài Gòn và y tế càng yếu hơn.

Bình Dương sẽ là điểm nóng và đang cần quan tâm giúp. Biết làm sao được. Nước giàu còn liêu xiêu, cháu thấy năm ngoái không, cả nước Ý chìm trong tang thương, cả New York Mỹ chìm trong bối rối. Không ai nói tài với đại dịch cả. Nên nghĩ là đại dịch thì mọi con số vẫn chưa dừng lại.

Con người đông quá, có lẽ Trời bắt phải chọn lọc tự nhiên. Có lẽ môi trường bị tàn phá quá, Mẹ thiên nhiên đang nổi giận. Có lẽ con người phải thay đổi cháu ạ. Công nghiệp không thể cả một khu đông nghẹt như thế. Công nghiệp không thể nhét công nhân vào Sài Gòn để khi có sự cố, là không xoay xở nổi như chúng ta thấy.

Vậy nhé, cẩn trọng, virus nó ở trong không khí, mà đã ai ngăn được không khí bao giờ. 

Xem thêm
Người lao động làm sao ứng phó với sếp tồi ở công sở?

Người lao động trong môi trường công sở luôn đối mặt nhiều áp lực, mà tương đối khó chịu nhất là không biết cách nào ứng phó với sếp tồi.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.