Vươn lên từ thất bại
Trần Phú là xã thuần nông của huyện Na Rì (Bắc Kạn), người dân quanh năm chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, mạnh mún, đời sống còn nhiều khó khăn.
Trong guồng quay ấy, suốt nhiều năm, anh Phan Văn Tuân, chàng trai dân tộc Nùng ở thôn Nà Đấu (xã Trần Phú) cũng chỉ luẩn quẩn với ruộng, vườn, nương rẫy, chẳng khá hơn những hộ xung quanh là bao.
Không biết bao nhiêu đêm, Tuân trằn trọc với câu hỏi làm sao để thoát nghèo, làm sao tìm hướng đi mới để có cuộc sống tốt hơn.
Tuân khởi đầu sự thay đổi bằng việc đi buôn nông sản, bà con bán gì thì mua lại chở về các tỉnh miền xuôi kiếm chút chênh lệch.
Sau nhiều chuyến hàng, “dắt lưng” được chút vốn, Tuân chuyển sang buôn lâm sản. Thời đến, Tuân bắt đầu phất lên, mỗi chuyến gỗ kiếm được vài triệu đồng.
Nhưng nghề buôn bán tự do cũng bập bềnh như sóng nước, một thời gian sau, thị trường đi xuống, nghề buôn lâm sản cũng trở nên khó khăn nên Tuân nghĩ phải làm nghề gì bền vững trên chính mảnh đất quê hương, đó thực sự mới là hướng đi lâu dài.
Nghĩ là làm, Tuân chuyển sang mở trang trại nuôi gà. Đất đai rộng nhưng không có đường, Tuân thuê máy mở đường. Nuôi gà trên núi không có nước, Tuân lại tiếp tục khoan giếng tìm nguồn nước.
Chỉ sau một thời gian ngắn, một trang trại quy mô đã hình thành, cả ngày Tuân tất bật với vài nghìn con gà. Không chăn nuôi như người trong bản, anh chọn nuôi gà sạch, dù khó hơn nhưng lợi nhuận cao. Cứ thế, sau mỗi vụ nuôi gà, Tuân thu lãi vài chục triệu đồng, cuộc sống bắt đầu khấm khá.
Những tưởng con gà sẽ giúp Tuân gây dựng nên cơ nghiệp thì khó khăn ập đến. Năm 2019, dịch Covid-19 bùng phát, giá gà xuống thấp, bán không ai mua, Tuân lỗ nặng, vốn liếng cạn kiệt.
Không từ bỏ giấc mơ làm giàu, cuối năm 2020, Tuân vay vốn chuyển sang nuôi lợn. Nhưng đen đủi vẫn bám lấy chàng trai người Nùng này, đến năm 2021, dịch tả lợn châu Phi bùng phát, lợn không bán được, Tuân lỗ hàng tỷ đồng. Lúc này bỏ cuộc thì trở về con số không, Tuân trăn trở rất nhiều nên quyết định bán xe ô tô tải và máy xúc tiếp tục đầu tư.
Nhưng Tuân không nuôi lợn theo kiểu cũ nữa mà chuyển sang chăn nuôi lợn đen bản địa theo hướng bán hoang dã. Loại lợn này có sức đề kháng tốt, thức ăn rẻ lại có sẵn nên lợi nhuận cao.Chỉ sau thời gian ngắn, việc chăn nuôi thuận lợi, Tuân gây dựng lại cơ nghiệp, dần có của ăn, của để.
“Nghĩ lại lúc đó mình cũng liều. Ô tô tải, máy xúc là vốn để đi làm thuê giúp mình có dòng vốn lưu động để chi thường xuyên cho trang trại, nay phải bán đi, nếu không thành công mình sẽ sạt nghiệp. Nhưng cũng nhờ có quyết định táo bạo đó mình mới có cơ ngơi như hôm nay”, anh Tuân nhớ lại.
Đồng hành cùng bà con làm giàu
Sau nhiều năm trở lại thăm trang trại của Tuân, con đường dẫn vào khu chăn nuôi đã được sửa chữa, ô tô đến tận nơi.
Khu chuồng trại ngày nào còn nhỏ hẹp giờ đã khang trang, quy mô lớn hơn xưa rất nhiều, từng khu vực chăn nuôi được quy hoạch khá bài bản.
Vừa chăn lợn, Tuân vừa kể, 2 năm trước mọi thứ còn ngổn ngang lắm, bây giờ mọi thứ đã ổn, gần 2 năm nay chăn nuôi cũng rất thuận lợi. Tuân cho biết, hiện trang trại có hơn 50 con lợn nái và trên 100 con lợn thương phẩm. Trang trại chủ yếu bán lợn con cho người chăn nuôi trong khu vực.
“Nuôi lợn đen bản địa có cái hay là lợn rất ít khi bị bệnh, thức ăn có thể tận dụng được tại chỗ như rau, bã đậu, bã bia nên giảm được chi phí, nhờ đó lợi nhuận cao hơn nhiều so với nuôi lợn lai trắng”, anh Tuân cho biết.
Mỗi năm lợn mẹ đẻ 2 lứa, mỗi lứa khoảng 8 con, hiện mỗi con lợn con anh bán giá từ 1 đến 1,2 triệu đồng, nguồn thu từ bán lợn con thấp nhất cũng đạt 800 triệu đồng/năm. Nếu lợn con để nuôi thành lợn thương phẩm thì sau 8 tháng, mỗi con sẽ lãi ít nhất 800.000 đồng.
“Không giống như nuôi lợn lai trắng, giá bán lợn đen bản địa luôn ở mức cao. Khi lợn lai trắng giá giảm chỉ còn 40.000 đồng/kg thì giá lợn hơi đen bản địa vẫn ở mức trên 80.000 đồng/kg, đến dịp Tết giá có thể lên đến 120.000 đồng/kg. Vì thế chăn nuôi lợn đen bản địa không lo về giá”, anh Tuân cho biết thêm.
Về thị trường tiêu thụ, lợn đen bản địa chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng, lò mổ ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Thái Nguyên. Hiện nay, anh Tuân cũng đã xây dựng lò mổ để chủ động nguồn hàng cung cấp cho đối tác. Sản phẩm thịt lợn của anh cũng đã có mặt tại một số siêu thị.
Không chỉ phát triển trang trại của mình, hiện anh Tuân đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Trần Phúc với 9 thành viên chuyên về chăn nuôi và cung cấp dịch vụ cho bà con. Hiện trang trại của anh Tuân không nuôi quá nhiều, mà chủ yếu nuôi lợn nái để cung cấp lợn con cho các hộ tham gia liên kết.
Hiện nay, HTX Trần Phú do Tuân làm giám đốc đã liên kết với người chăn nuôi ở các xã Dương Sơn, Quang Phong, Kim Hỷ, Lương Thượng, Văn Vũ (huyện Na Rì) để chăn nuôi lợn đen bản địa. Số lượng tham gia liên kết trên 300 hộ, ngoài ra HTX Trần Phú còn liên kết với 3 HTX trên địa bàn tỉnh.
Tham gia liên kết, người chăn nuôi được cung ứng lợn giống, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, toàn bộ sản phẩm được HTX Trần Phú bao tiêu.
Để thấy được hiệu quả của chuỗi liên kết này, chúng tôi đến thăm gia đình anh Hoàng Văn Tuyển, thôn Khuổi A, xã Trần Phú (Na Rì).
Anh Tuyển cho biết, gia đình trước đây chỉ nuôi vài con lợn để tận dụng thức ăn thừa, thu nhập từ chăn nuôi không đáng kể. Từ khi HTX Trần Phú thực hiện liên kết, anh Tuyển được mua con giống và một số vật tư trước, khi bán lợn thương phẩm HTX mới thu lại tiền gốc nên có điều kiện để nuôi nhiều hơn.
“Tham gia liên kết, mình đã xuất được 2 lứa lợn, bước đầu lãi được hơn 20 triệu đồng, hiện gia đình luôn nuôi khoảng 20 con, dự định sẽ mở rộng thêm quy mô vì thấy chăn nuôi kiểu này đảm bảo an toàn, tốn ít tiền thức ăn nên lợi nhuận tương đối cao”, anh Tuyển đánh giá.
Ông Hoàng Văn Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Trần Phú cho biết, chăn nuôi lợn trên địa bàn xã hiện nay khá phát triển. Trong đó, mô hình liên kết của anh Phan Văn Tuân rất phù hợp với địa phương.
Nhiều hộ muốn chăn nuôi nhưng không có vốn để đầu tư có thể được HTX Trần Phú cung ứng trước, sau đó bán lợn mới thu lại tiền gốc. Ngoài ra, chuỗi liên kết HTX cũng chủ động bao tiêu sản phẩm cho bà con, trường hợp giá bán biến động lớn bà con chăn nuôi cũng không bị ảnh hưởng nhiều.
Chuỗi liên kết cũng sẽ giúp tạo tương hiệu cho lợn bản địa của địa phương, từ đó giúp người dân có thêm thu nhập, giảm nghèo bền vững.