Cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi đặt chân đến vùng biển Hoài Hương (Hoài Nhơn, Bình Định) là sự thiếu vắng bóng dáng trai tráng.
>> Hai mươi năm chưa tìm thấy xác chồng, con
Xa xỉ cảnh "đầu ấp tay gối"
"Trên địa bàn xã Hoài Hương có đến 699 chiếc tàu thuyền chuyên hành nghề đánh bắt hải sản trên biển. Chiếm hơn 90% trong số đó là tàu có công suất lớn đánh bắt xa bờ với các nghề: câu cá ngừ đại dương, lưới vây rút chì và câu mực khơi. Chỉ có 49 chiếc đánh bắt gần bờ với nghề câu bả. Mỗi chiếc tàu đánh bắt xa bờ thu hút khoảng 12 thuyền viên. Xã có bao nhiêu thanh niên trai tráng đều dồn cả ra biển kiếm kế sinh nhai”, ông Mai Khương Dược, Phó chủ tịch UBND xã Hoài Hương tâm sự.
Trước đây, khi ngư trường chưa cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, cá mực còn nhiều, tàu thuyền mở cửa biển dăm bảy hôm là khẳm be, cập bờ. Bây giờ, cứ mỗi khi ra khơi là phải dong tuốt ra biển Đông với cuộc hải hành gần 300 hải lý, “lặn lội” suốt cả tháng trời chưa chắc đã làm đủ chi phí. Do vậy, càng ngày, những chuyến biển của ngư dân càng kéo dài. Đồng nghĩa với sự chờ đợi của những người vợ ngư phủ ở trong bờ càng mòn mỏi.
Đối với người dân miền biển, hình ảnh ngày ngày “đầu ấp, tay gối” là không có trong đời sống vợ chồng. Chị Mai Thị Phúc, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hoài Hương, cũng là một phụ nữ có chồng làm nghề biển bày tỏ tâm sự đầy nỗi niềm: “Mỗi khi chồng bọn tui ra biển, trong lòng những người vợ ở nhà đầy ắp nỗi lo. Lo không biết chuyến biển này có thông suốt không, chồng mình làm có thu nhập không. Bởi hầu hết cuộc sống của những hộ ngư dân đều trông chờ vào nguồn thu của chồng".
Góa phụ Nguyễn Thị Kha cô đơn trong căn nhà của mình sau khi chồng và con trai đều bị chết trên biển |
"Vào những mùa mưa bão, nỗi lo càng thêm dày bởi hiểm nguy luôn rình rập. Bây giờ lại có thêm nỗi lo chồng mình bị tàu nước ngoài bắt giữ. Vì lo lắng, vợ của những ngư dân mất ngủ hàng chục ngày trời là chuyện bình thường”, chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hoài Hương. |
Nhiều ngư dân ở Hoài Hương có khi hàng năm không nhìn thấy căn nhà của mình. Tàu đánh bắt khẳm be, cập vào những cảng cá gần nhất bán sản phẩm, xong là sắm sửa mở ngay chuyến biển mới. Chồng không về được thì vợ đi thăm. Tàu cá thường cập bờ vào những mùa trăng, do vậy, đến mùng 10 âm lịch hàng tháng là những vợ ngư phủ sắm sửa hành lý lên đường đi thăm chồng. Tàu nằm bờ bán sản phẩm, tiếp nhiên liệu và lương thực khoảng 5-7 ngày. Trong quãng thời gian này, những cặp vợ chồng ngư phủ tranh thủ bày tỏ nỗi nhớ thương, bàn bạc chuyện gia đình, con cái.
"Hàng tháng, vào mùa trăng, thời điểm tàu đánh bắt cập bờ là chị em phụ nữ ở xã Hoài Hương thuê hơn 10 chiếc xe khách, mỗi chiếc chở hơn 50 người lên đường đi thăm chồng. Xe thì ra Quảng Bình, Đà Nẵng, xe thì vào Cam Ranh, Phan Thiết, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang. Bọn tui thường hay nói đùa mùa trăng là mùa hạnh phúc của những gia đình ngư dân”, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hoài Hương tâm sự.
Ký ức người chết đầy ghe
Vào mỗi chuyến biển, người chồng ra khơi mang theo muôn vàn lời khấn cầu bình yên của người vợ. Thế nhưng rủi ro vẫn thường xuyên xảy ra, tang tóc gieo rắc khắp các vùng quê biển. Nhiều căn nhà vốn trống vắng giờ càng thêm lạnh lẽo bởi sự mất mát của người chồng, người cha.
Nói về con số thống kê những nạn nhân ở Hoài Hương mất mạng trên biển từ trước đến nay, Phó chủ tịch xã Mai Khương Dược lắc đầu nhè nhẹ: “Không thể tính xuể”!
Sau 1 hồi trầm ngâm, ông Dược nói trong tiếng thở dài: “Từ trước đến nay, số ngư dân của xã Hoài Hương bị chết trên biển là khó tính đếm. Chết vì sóng to gió lớn lật úp tàu. Chết do bị tàu lạ tông gãy đôi chìm tàu. Chết vì tai nạn trong lúc đang hành nghề trên biển. Rủi ro luôn bủa vây họ”.
Cố lắm, ông Dược cũng chỉ nhớ được những trường hợp mới xảy ra và những nạn nhân bị chết trên biển trong thời gian gần nhất, năm 2010 và 2011. “Chỉ trong quãng thời gian ngắn này mà đã có đến 11 chiếc tàu đánh bắt xa bờ với 92 thuyền viên của ngư dân xã Hoài Hương bị chìm do bão tố và bị tàu lạ đâm. Trường hợp mới xảy ra vào cuối năm 2011 là tàu BĐ 95378 TS do ông Võ Xuân Cường (SN 1977) ở thôn Thạnh Xuân Bắc làm chủ tàu, bị tàu lạ đâm chìm cùng với 12 thuyền viên. Ông Cường chết trong vụ tai nạn này, những thuyền viên còn lại may mắn được tàu bạn cứu nạn kịp thời, chứ không thì trong vụ này phải có đến hàng chục cái tang”.
Chị Mai Thị Phúc, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hoài Hương, cho biết thêm: “Cơn bão số 5 xảy ra vào năm 1997 tại miền Nam đã cướp đi cùng lúc hàng trăm mạng sống của ngư dân tại địa phương. Người chết cả ghe, cả làng. Năm ấy, Hoài Hương chịu đại tang, nhiều gia đình có đến 4-5 người chết. Từ đó đến nay, đến tháng 10 hàng năm là những bữa giỗ tưởng nhớ người chết diễn ra kín các làng chài Thạnh Xuân, Thạnh Xuân Đông, Thạnh Xuân Bắc, Ca Công, Ca Công Nam. Phụ nữ góa chồng ở độ tuổi từ hơn 30 đến 55 tuổi ở Hoài Hương nhiều lắm”.
Với ngư dân, nếu không may có người thân chết trên biển, tìm được xác để mai táng còn là điều may mắn. Nhiều trường hợp, dẫu biết là không còn hy vọng nhưng ngày ngày, người thân của họ vẫn ngóng mắt về phía biển xa trông mong chồng, con mình quay về nhà.
Người thân của 12 ngư dân vừa bị mất tích tại lễ cầu siêu |
Vào chiều tối ngày 2/3 vừa qua, không ai có thể cầm được nước mắt khi chứng kiến lễ cầu siêu của người thân của 12 ngư dân mất tích trên biển suốt nửa tháng qua diễn ra tại bờ biển Quy Nhơn (Bình Định) trên đoạn đường Xuân Diệu.
Trước đó, vào chiều ngày 18/2, tàu BĐ 91305 TS do ông Trần Niêm Mạnh (39 tuổi) ở phường Trần Phú (TP Quy Nhơn) làm thuyền trưởng, trên tàu có 11 thuyền viên đang đánh bắt cách bờ biển Nha Trang 136 hải lý thì gặp áp thấp nhiệt đới. Sóng to gió lớn liên tục đập vào làm tàu ông Mạnh bị phá nước, chìm nghỉm. Từ hôm xảy ra tai nạn đến nay đã nửa tháng trời nhưng tung tích của những thuyền viên trên tàu của ông Mạnh vẫn bặt vô âm tín. Suốt nửa tháng trời, ngày nào ông Trần Văn Chấn (73 tuổi, bố của ngư dân Trần Niêm Mạnh) cũng ngồi thẫn thờ ngồi tại hiên nhà ngóng tin con.
Vợ anh Mạnh, chị Phạm Thị Hiền và 2 đứa con, đêm nào cũng ôm nhau khóc không màng đến chuyện ăn, ngủ. Chị Trần Thị Sáu, chị ruột của anh Mạnh, cho biết: “Gia đình tôi mấy đời làm biển, cha truyền con nối. Nhà có 7 anh chị em thì 3 em trai đều nối nghiệp cha. Mạnh đi làm biển từ năm 18 tuổi đến giờ, làm ăn chăm chỉ lắm, lúc nào cũng nung nấu ý định tích góp tiền để mua tàu riêng. Bây giờ mà nó có mệnh hệ gì thì gia đình biết cậy nhờ vào ai. Vợ của Mạnh chỉ biết nội trợ làm sao nuôi 2 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học”.
Nói chưa dứt câu, chị Sáu và ông Chấn òa khóc. Những tiếng khóc thảm thương khiến tiếng sóng cũng như ứa lệ theo suốt bờ biển dài dọc đường Xuân Diệu trong màn đêm tĩnh mịch. Không ai nói với ai câu nào, nhưng hàng trăm người có mặt tại lễ cầu siêu đều góp vào biển lời nguyện cầu cho phép lạ xảy ra, cho 12 ngư dân xấu số trở về đoàn tụ với gia đình.