Sửa đổi vẫn có nhiều lỗ hổng trong quản lý xăng dầu
Bộ Công thương vừa có báo cáo đề xuất sẽ điều chỉnh giá xăng dầu vào thứ Năm hằng tuần, bỏ tổng đại lý, cho doanh nghiệp bán lẻ được lấy từ 3 nguồn khác nhau.
Bộ Công thương cho biết, đã 2 lần xin ý kiến các bộ, ngành. Trong đó, có 6 bộ (Công an, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Nội vụ, Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Công thương) ủng hộ phương án 1 được đưa ra trong dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu (sửa đổi). Cụ thể là giữ nguyên công thức giá cơ sở như hiện hành nhưng sẽ rà soát một số chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp như quy định về premium trong nước, hao hụt, chi phí dự trữ lưu thông và quy định sửa đổi về phương thức và tần suất xác định các chi phí để đảm bảo tính đủ, kịp thời trong giá cơ sở.
Phương án 1 là giữ nguyên công thức giá cơ sở như quy định hiện hành, tuy nhiên cần rà soát một số chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp nhưng chưa được tính tại công thức hiện hành về giá cơ sở (quy định về premium trong nước, hao hụt, chi phí dự trữ lưu thông) đồng thời sửa đổi quy định về phương thức và tần suất xác định các chi phí để bảo đảm tính đủ, kịp thời các chi phí trong giá cơ sở do Nhà nước công bố.
Phương án 2: Sửa đổi công thức giá và phương pháp công bố giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo hướng nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá gồm Giá thế giới (giá Platt’s Singapore), các loại thuế, mức trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá để định hướng cho việc tính và quyết định giá bán lẻ xăng dầu cụ thể của các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu. Các doanh nghiệp đầu mối căn cứ các chi phí thực tế của mình để tự xác định và công bố giá bán lẻ, thực hiện việc thông báo giá khi thay đổi về giá, báo cáo về Bộ Công thương, Bộ Tài chính giám sát (như đối với các mặt hàng bình ổn giá khác theo quy định tại Luật Giá).
Có 4 bộ (Quốc phòng, Giao thông Vận tải (GTVT), Tài nguyên và Môi trường, Văn hoá, Thể thao và Du lịch) chọn phương án 2 và 10 bộ, ngành không có ý kiến cụ thể về lựa chọn các phương án. Theo phương án 2, Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá, các loại thuế, mức trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá. Doanh nghiệp đầu mối căn cứ chi phí thực tế của mình để tự xác định và tự công bố giá bán lẻ, đồng thời báo cáo về Bộ Công thương, Bộ Tài chính để giám sát.
Từ ý kiến của các bộ, ngành, Bộ Công thương đề xuất lựa chọn điều hành xăng dầu theo phương án 1 do có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, để giá phù hợp với diễn biến thị trường, thời gian rà soát, công bố chi phí đưa vào giá xăng dầu sẽ giảm từ 6 tháng như hiện nay rút xuống còn 3 tháng. Cùng với đó, để giá xăng dầu trong nước theo sát và cập nhật kịp thời biến động của giá xăng dầu trên thế giới, thời gian điều hành giá sẽ rút từ 10 ngày còn 7 ngày và công bố cố định vào ngày thứ Năm hằng tuần.
Bộ này cũng cho biết, việc cho phép đại lý bán lẻ xăng dầu được quyền mua xăng dầu từ nhiều nguồn (tối đa 3 nguồn) sẽ tạo ra cạnh tranh về chiết khấu. Một đề xuất mới được đưa ra sẽ là bỏ loại hình tổng đại lý xăng dầu trong hệ thống kinh doanh xăng dầu hiện nay đồng thời không bổ sung loại hình thương nhân bán lẻ xăng dầu độc lập như đề xuất của nhiều doanh nghiệp.
Theo Bộ Công thương, với phương án 2 sẽ xảy ra câu chuyện sẽ có nhiều mức giá xăng dầu của các đại lý, cửa hàng khác nhau tuỳ theo vị trí và khoảng cách, thậm chí cùng trên hệ thống, cùng trên địa bàn. Các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi áp dụng phương thức tính giá mới do cần có thời gian làm quen và vận hành theo các quy định mới; có thể thương nhân có vị trí thống lĩnh thị trường tại một số địa bàn lợi dụng nâng giá bán; tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn… giá xăng dầu có thể cao hơn các vùng khác…
Nhiều bất ổn trong điều hành mặt hàng xăng dầu
Mới đây, ngày 10/10/2023, Bộ Công thương đã có báo cáo tóm tắt về nội dung Tờ trình số 678 ngày 30/8/2023 về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021 và Nghị định số 83/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Các nội dung sửa đổi, điều chỉnh gồm: công thức giá và phương thức giá điều hành xăng dầu; thời gian điều hành/công bố giá xăng dầu; vấn đề đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn; vấn đề chiết khấu cho các đại lý bán lẻ xăng dầu; vấn đề khâu trung gian trong hệ thống phân phối xăng dầu; về việc không bổ sung loại hình thương nhân bán lẻ xăng dầu độc lập…
Góp ý về Nghị định sửa đổi, ông Văn Tấn Phụng (Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Nai) cho biết, việc đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu năm 2022 và diễn biến bất thường của thị trường đầu năm 2023 vừa qua cho thấy rất nhiều bất ổn trong điều hành.
“Những bất cập chính khiến thị trường xăng dầu rối loạn do có những quy định không hợp lý trong Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu. Vì vậy, để sửa triệt để các lỗ hổng trong nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, các cơ quan quản lý cần đối thoại trực tiếp và lắng nghe những ý kiến đầy đủ từ các doanh nghiệp trong mọi tầng nấc kinh doanh xăng dầu hiện tại”, ông Phụng nói.
Về việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá, theo ông Phụng, các cơ quan quản lý phải lường được rằng, việc càng thu hẹp khoảng thời gian điều chỉnh giá không hề giúp giá bán bám sát diễn biến thị trường như kỳ vọng, mà sẽ kéo theo tình trạng đại lý lấy hàng nhỏ giọt. Việc này sẽ làm giảm quy mô kinh doanh và đặc biệt là gây khó khăn cho các đầu mối và thương nhân phân phối khi giao hàng với số lượng nhỏ ở các địa phương. Cùng với đó, giảm thời gian điều chỉnh giá chắc chắn sẽ khiến hao hụt tăng lên, tần suất giao nhận hàng gia tăng đi cùng chi phí của doanh nghiệp tăng lên, kéo theo lợi nhuận bị ảnh hưởng, thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp trên toàn quốc.
Cơ quan quản lý cần làm trong sạch thị trường, giảm bớt chi phí trung gian trong các tầng nấc kinh doanh, loại bỏ những doanh nghiệp đầu mối tư nhân được cấp phép kinh doanh xăng dầu nhưng không thực hiện đầy đủ hạn mức phân giao theo quy định;
Để tình trạng doanh nghiệp đầu mối lấy ngược xăng dầu từ các thương nhân phân phối là điều cực kỳ bất cập. Cơ quan quản lý cũng cần có quy định rõ về việc cho phép thương nhân đầu mối trực tiếp lấy xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước.
Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được khoản chi phí trung gian, phải mua lại qua đầu mối, giúp chi phí giá bán lẻ xăng dầu giảm. Khi thương nhân phân phối được mua xăng dầu trực tiếp từ các nhà máy lọc dầu sẽ giúp các nhà máy có thể lên kế hoạch sản xuất ổn định, không có xáo trộn; cơ quan quản lý cũng giám sát trực tiếp được hoạt động của các doanh nghiệp xăng dầu trong các tầng nấc thay vì chỉ nắm được doanh nghiệp đầu mối hiện nay.
Để thị trường hoạt động ổn định, cần có quy định doanh nghiệp đầu mối phải tách bạch khâu bán buôn và bán lẻ trong hoạt động. Hiện tại, các doanh nghiệp vừa có quyền nhập khẩu nhưng cũng có quyền bán lẻ trực tiếp, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.
Thời gian qua, các doanh nghiệp bán lẻ bị bó buộc chỉ được lấy từ 1 nguồn, khiến doanh nghiệp thiệt hại. Vấn đề quan trọng mà dự thảo Nghị định sửa đổi cần lưu ý, đó là tỷ lệ phân chia chi phí định mức ở các khâu một cách rõ ràng nhất.
“Đây là vấn đề cốt lõi dẫn đến việc doanh nghiệp bán lẻ luôn bị chèn ép. Thời gian qua khi doanh nghiệp đầu mối muốn cho bán lẻ chiết khấu bao nhiêu thì doanh nghiệp được hưởng bấy nhiêu. Tình trạng, bán lẻ bị ép giá chiết khấu 0 đồng lặp đi lặp lại là một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường rối loạn, doanh nghiệp bán lẻ bị lỗ kéo dài”, ông Giang Chấn Tây (Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc, tỉnh Trà Vinh) kiến nghị.
Bộ Công an đề nghị lưu ý đến tình trạng lách quy định điều kiện kho chứa xăng dầu khi nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu; đề nghị bỏ quy định về thương nhân phân phối, bởi đối tượng này chỉ đóng vai trò trung gian trong hệ thống kinh doanh, phân phối mặt hàng xăng dầu.
Nội dung này, Bộ Công thương giải thích, hiện số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện là 37 (trong đó có 4 thương nhân đầu mối chỉ kinh doanh nhiên liệu hàng không) và 314 thương nhân phân phối xăng dầu. Để đáp ứng điều kiện về kho theo quy định, các loại hình thương nhân kinh doanh xăng dầu nêu trên chỉ cần có tổng dung tích kho là 1.183.000m3 trong khi thời điểm hiện nay tổng dung tích kho của hệ thống xăng dầu là trên 5 triệu m3.