So với những chiếc trống đồng khác được phát hiện trong cả nước thì trống đồng Gia Phú được xếp vào nhóm A. |
Hiện vật này không chỉ có giá trị về nghiên cứu khoa học, lịch sử, văn hóa mà còn góp phần vào việc khẳng định sự phát triển lâu đời của cư dân Lạc Việt ở vùng biên cương phía bắc của Tổ quốc.
Khẳng định chủ quyền nơi đầu nguồn sông Hồng
Giới thiệu về chiếc trống đồng này, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Giám đốc Bảo tàng Lào Cai - kể, hồi cuối tháng 3 trong quá trình san gạt đất làm nhà, gia đình bà Hoàng Thị Vắng ở thôn Tả Thàng (xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng) đã phát hiện một trống đồng và một số di vật (xương, rìu đồng).
Sau đó, cán bộ của bảo tàng tỉnh cùng các cơ quan chuyên môn của huyện vận động gia đình giao nộp cho bảo tàng để quản lý, gìn giữ.
Chiếc trống đồng này được đặt tên là trống đồng Gia Phú, gắn với tên địa danh của xã Gia Phú, nơi phát hiện ra trống. Khi được phát hiện trống đồng Gia Phú còn tương đối nguyên vẹn có chiều cao 38cm, rộng đáy 67,5cm, mặt trống có đường kính rộng 63cm, phần tang trống cao 23cm, phần bầu và mặt trống cao 15cm.
Trống đồng Gia Phú có 4 quai được bố trí đối xứng ở hai bên cách nhau 27cm xen kẽ giữa các hoa văn hình khắc vạch, hình người cách điệu và hình chim lạc. Chính giữa mặt trống khắc họa hoa văn hình mặt trời gồm 12 cánh; xung quanh là những vòng hoa văn hình chim lạc và hình răng cưa đối xứng đều nhau…
GS.TS Trịnh Sinh, nhà khảo cổ học, nhiều lần tiếp cận với chiếc trống này, cho rằng đây là một trong những chiếc trống không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa mà còn liên quan đến nhiều vấn đề của cách đây 2.000 năm. Khi đó, các cư dân thời Hùng Vương đã đến mảnh đất mà ngày nay là Lào Cai để lập nghiệp. Họ là những cư dân của văn hóa Đông Sơn.
Giáo sư, tiến sĩ Trịnh Sinh, nhà khảo cổ học lý giải hoa văn trên trống Gia Phú. |
“Ở đây chúng ta tìm thấy hiện vật chính xác của văn hóa Đông Sơn, của cha ông chúng ta đã đúc nên chiếc trống này. Kèm theo chiếc trống khi tìm thấy còn có một số hiện vật mà chỉ người Đông Sơn mới chế tạo ra được như rìu đồng, rìu lưỡi xéo là rìu “đặc sản” của người Đông Sơn, các vùng khác không có”, giáo sư Sinh nói.
Trước khi phát hiện ra trống Gia Phú, ở Lào Cai, người ta đã hát hiện hơn 30 chiếc trống đồng cổ. Tuy nhiên, theo giáo sư Sinh thì trong số đó không có trống nào đẹp và nguyên mẫu như trống đồng Gia Phú này. Đặc biệt là việc phát hiện trống Gia Phú còn liên quan vấn đề rất quan trọng đó là cương vực tạm gọi là nước ta từ thời Đông Sơn.
Giáo sư Sinh khẳng định, “đây như một cột mốc chủ quyền có từ cách đây 2.000 năm. Qua những trống đồng đặc biệt trống Gia Phú ta thấy được những cư dân đã khai thác mảnh đất này từ cách đây hơn 2.000 năm như thế nào và nó chứng minh vấn đề lãnh thổ từ xưa đến nay của các tộc người mà sau đó hợp lại trở thành người Việt Nam ngày nay…
Bên cạnh đó còn có những trống đồng, cha ông, tổ tiên chúng ta đã mang đến tận vùng biên giới Lào Cai cho những người Việt cổ sống ở đây. Và nó có ý nghĩa lịch sử chủ quyền rất lớn”…
Khám phá bí ẩn trên trống đồng Gia Phú
Qua nghiên cứu trống đồng Gia Phú, giáo sư Sinh cho biết, đây là trống đồng Đông Sơn chuẩn mực, khác với trống đồng ở vùng Hoa Nam (Trung Quốc). Trống đồng Gia Phú được trang trí ở giữa mặt là hình ngôi sao 12 cánh nhưng thực ra là hình mặt trời. Bởi người Đông Sơn xưa có tục thờ mặt trời và người ta đem hình tượng của mặt trời lên mặt trống, đây cũng là một tín ngưỡng rất cổ của cư dân Đông Sơn.
Đo vẽ lại hoa văn, kích thước trống đồng Gia Phú. |
Quanh ngôi sao mặt trống còn có hàng chim bay rất đẹp. 8 con chim này đang dang cánh và cánh của chúng dang rộng hơn, xòe rộng hơn, rất đẹp khác với nhiều con chim trên những mặt trống đồng được phát hiện.
Trên tang trống đồng Gia Phú còn có hình người chèo thuyền. Mỗi thuyền có 4 người, trong đó có người chèo thuyền và có những người không chèo thuyền thì lại nhảy múa cho thấy người Đông Sơn có cuộc sống lãng mạn và rất phong phú, sinh động. Cũng trên hoa văn này, trong số 4 người trên thuyền thì người thứ 2 dang tay, dang chân rất giống như nhún nhảy ở các dân tộc ở Lào Cai.
Cũng theo giáo sư Sinh, điểm đặc sắc trên trống đồng Gia Phú là hình những con bò. 4 con bò trên trống được tìm thấy thể hiện một tập tục khá xưa và tồn tại đến tận bây giờ, đó là một cuộc hiến tế của bò.
Giáo sư Sinh dẫn giải, người ta buộc những con bò vào cọc tiêu và làm tục chém bò và gần đây dư ảnh của tục đó còn thể hiện rất nhiều ở tục đâm trâu, hay ăn trâu ở vùng Tây Nguyên.
Hình ảnh con bò rất đẹp, con bò còn có u. Không những thế, hình ảnh những con bò còn thể hiện sự lưỡng hợp, tính phồn thực của cư dân cổ tức là có cặp bò đực và cái - thể hiện giới tính con bò. Như thế có thể thấy là người xưa có quan niệm phải có âm, có dương và có sự phồn thực…
|
Trống đồng Gia Phú còn tương đối nguyên vẹn. |
Ngoài việc tìm thấy trống đồng Gia Phú, trong quá trình sàng lọc đất trong trống đồng các nhà nghiên cứu đã phát hiện một số răng, xương người và đặc biệt phát hiện 5 khuyên tai bằng đá có kích thước khác nhau. |
So với những chiếc trống đồng khác được phát hiện trong cả nước thì trống đồng Gia Phú được xếp vào nhóm A. Bởi về mặt kỹ thuật, trống rất hoàn chỉnh, quanh rìa mặt trống được giải các con kê rất đều đặn. Những con kê đó là dấu tích của kỹ thuật đúc đồng thời cổ xưa, ngay cả các làng nghề truyền thống ở Thanh Hóa, Bắc Ninh, Hà Nội, không có lò đúc thủ công truyền thống có thể đạt được mức độ như trống đồng này.
Về mặt khoa học, để đúc được trống đồng Gia Phú, người xưa nắm được bí quyết pha chế các chất như đồng, chì, thiếc… theo tỷ lệ. Qua phân tích hàng trăm mẫu trống đồng Đông Sơn, theo giáo sư Sinh ngoài những chất dễ phát hiện như đồng chì, thiếc thì còn có một số rất chất có tỷ lệ rất ít nhưng quan trọng như là axilic và antimon là chất dẫn chảy, để khi đổ khuôn, đồng chảy đều thân trống và mặt trống.
Theo giáo sư Sinh, trống đồng Gia Phú là báu vật quý nhất của Lào Cai mặc dù trước đó, người ta đã phát hiện ra trống đồng Pha Long và được xếp hạng là bảo vật quốc gia. Vì vậy, giáo sư cho rằng, trống Gia Phú cũng rất xứng đáng làm bảo vật quốc gia.
Khuyên tai bằng đá được tìm thấy trong trống đồng. |
Để phát huy giá trị chiếc trống này, giáo sư Sinh cho rằng, trống này cần trưng bày ở vị trí trang trọng và có thể nhân bản, làm biểu tượng của Lào Cai. Đặc biệt, đây là hiện vật quý cần ghi trong tư liệu, sách vở nhằm giáo dục cho những lớp người sau này biết rằng Lào Cai - mảnh đất hơn 2.000 năm trước đã thuộc về Hùng Vương.