| Hotline: 0983.970.780

Bình Định: 150 tỷ đồng trợ lực người chăn nuôi tái đàn heo

Thứ Hai 13/07/2020 , 11:35 (GMT+7)

Bên cạnh hướng dẫn nông dân kỹ thuật tái đàn heo theo hướng an toàn, Bình Định đang nỗ lực triển khai gói hỗ trợ 150 tỷ đồng để người chăn nuôi tái đàn heo.

Do giá heo giống quá đắt nên người chăn nuôi ở Bình Định rất dè dặt tái đàn heo. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Do giá heo giống quá đắt nên người chăn nuôi ở Bình Định rất dè dặt tái đàn heo. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc tiếp tục được ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ nên dịch bệnh không phát sinh trên địa bàn.

Đó là cơ sở để Bình Định thực hiện quyết tâm khôi phục và phát triển đàn heo, tăng giá trị ngành chăn nuôi, phấn đấu đến năm 2025 tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh đạt 1,2 triệu con.

Để đạt mục tiêu nêu trên, tỉnh chi ngân sách 75 tỷ đồng ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, cộng với 75 tỷ đồng của ngân hàng này cân đối để cho các hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi heo vay vốn đầu tư mua con giống, thức ăn, thuốc thú y và mở rộng chuồng trại để tái đàn heo.

Bên cạnh đó, hướng dẫn người chăn nuôi phải tuân thủ các điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh chuồng trại theo quy định và tự nguyện cam kết chấp hành quy định phòng chống dịch bệnh. Mỗi hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi được vay tối đa không quá 100 triệu đồng với lãi suất ưu đãi.

“Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, Sở NN-PTNT phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức tham vấn cộng đồng; kiểm tra, xác định đối tượng đảm bảo điều kiện được vay vốn để tái đàn heo”, ông Hùng cho hay.

Theo ông Phan Văn Khiêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, tính đến nay huyện này đã có 233 hộ chăn nuôi vay 13,77 tỷ đồng vốn ưu đãi ngắn hạn từ gói hỗ trợ 150 tỷ đồng của tỉnh để tái đàn heo. Các hộ dân được hỗ trợ lãi vay vốn tối đa không quá 12 tháng với mức lãi suất 7,92%/năm, tương đương 0,66%/tháng, bằng lãi suất cho vay hộ cận nghèo.

Còn tại huyện Hoài Ân, nơi được mệnh danh là vựa heo lớn nhất miền Trung, nguồn vốn vay ưu đãi nói trên đã được giải quyết nhanh gọn, đáp ứng nhu cầu tái đàn heo của người chăn nuôi ở đây.

“Hiện toàn huyện Hoài Ân có 615 hộ dân đã được vay 30 tỷ đồng từ gói hỗ trợ 150 tỷ đồng của tỉnh để đầu tư phát triển chăn nuôi.

Qua kiểm tra, giám sát, phần lớn các hộ dân đều đầu tư mua heo con giống từ các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi an toàn sinh học, có uy tín, đảm bảo an toàn dịch bệnh về nuôi.

Chúng tôi sẽ tăng cường tập huấn, hướng dẫn người dân phòng chống dịch bệnh, nhằm đảm bảo an toàn cho đàn heo trong bối cảnh diễn biến của dịch tả lợn châu Phi còn phức tạp”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Hữu Khúc, cho hay.

Được vay vốn ưu đãi, người chăn nuôi bắt đầu mạnh dạn tái đàn heo. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Được vay vốn ưu đãi, người chăn nuôi bắt đầu mạnh dạn tái đàn heo. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ở TX Hoài Nhơn cũng có 586 hộ dân đã vay 23,87 tỷ đồng để mua heo giống về tái đàn. Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn, việc bình xét, lựa chọn các hộ dân đủ điều kiện vay vốn để đầu tư tái đàn thực hiện công khai, minh bạch. Người dân đều sử dụng vốn vay đúng mục đích và cam kết hoàn trả nợ vay đúng thời hạn.

Sau khi được vay 50 triệu đồng, bà Vân ở xã Ân Đức (huyện Hoài Ân) đã mua hơn 10 con heo giống về thả nuôi.

“Thời gian qua, heo giống khan hiếm và giá cao ngất ngưởng. Heo giống có nguồn gốc từ các trại nuôi theo hướng an toàn sinh học có giá hơn 3 triệu đồng/con 10kg đã khiến người chăn nuôi “nhụt chí” trong việc tái đàn.

Thêm nữa, dịch tả lợn châu Phi còn lởn vởn, chúng tôi sợ dịch bệnh phát sinh nên hết sức đắn đo việc tái đàn lắm. Nay được Nhà nước hỗ trợ vốn vay, tôi mạnh dạn mua heo giống về thả nuôi và phát triển dần.

Để tránh thất bại, tôi kiên quyết áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi”, bà Vân chia sẻ.

Trong công cuộc tái đàn heo hiện nay, người chăn nuôi lựa chọn rất kỹ về con giống. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Trong công cuộc tái đàn heo hiện nay, người chăn nuôi lựa chọn rất kỹ về con giống. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Bà Trần Thị Thanh Huyền ở xã Ân Phong (huyện Hoài Ân), người cũng vừa được vay 50 triệu đồng để tái đàn heo thì kỳ vọng khi đã mua heo giống từ các cơ sở heo giống có uy tín về thả nuôi thì đàn heo sẽ vượt được dịch bệnh.

Khoảng 3 - 4 tháng sau đàn heo xuất chuồng, bà sẽ lại tiếp tục mua đàn heo giống khác về thả nuôi. Sau thời hạn 12 tháng, với khoảng 3 lứa heo, bà vừa tích lũy được 1 số vốn vừa trả được nợ vay cho ngân hàng.

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Định, tính đến nay đã có 5.996 hộ dân tại 124 xã, phường, thị trấn đăng ký vay vốn từ gói hỗ trợ 150 tỷ đồng của tỉnh để đầu tư tái đàn heo. Đến ngày 30/6, có 2.906 hộ đã vay 142 tỷ đồng, chủ yếu để mua heo giống về thả nuôi.

Ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ tiền lãi vay vốn tối đa không quá 12 tháng với mức lãi suất vay là 7,92%/năm, tương đương 0,66%/tháng, bằng lãi suất cho vay hộ cận nghèo.

Xem thêm
Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Phân biệt rõ giữa thương lái và 'cò lúa'

CẦN THƠ Doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, nông dân bán lúa cho thương lái để lấy tiền mặt. Vì vậy, cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.