| Hotline: 0983.970.780

Bình Thuận xây dựng 'chuỗi thanh long xanh'

Thứ Sáu 04/08/2023 , 17:15 (GMT+7)

Tỉnh Bình Thuận đang xây dựng ‘chuỗi thanh long xanh’ nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng như chứng thực thông tin từ khâu sản xuất đến tay người tiêu dùng.

Với khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, tỉnh Bình Thuận đã phát triển, trở thành “thủ phủ” thanh long của cả nước và được xác định là cây lợi thế, đặc sản của địa phương. Hiện toàn tỉnh Bình Thuận còn khoảng 26.000ha thanh long, giảm khoảng 4.000ha so với thời điểm trước dịch Covid-19, sản lượng trung bình 600.000 tấn/năm.

Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận khảo sát vườn thanh long sản xuất theo hướng 'xanh hóa'. Ảnh: KS.

Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận khảo sát vườn thanh long sản xuất theo hướng "xanh hóa". Ảnh: KS.

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thanh long, ngành nông nghiệp Bình Thuận đã và đang đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ mới vào sản xuất. Đồng thời xác định chuyển đổi số là cốt lõi trong đổi mới các mô hình tăng trưởng, có vai trò hết sức quan trọng trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay. Theo đó, cần rõ ràng, minh bạch trong các khâu sản xuất, sơ chế và chế biến nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Vấn đề thực tế đặt ra, thanh long Bình Thuận dù sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt quy trình và đạt các chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, tuy nhiên sản phẩm của người dân, HTX trước khi được doanh nghiệp thu mua đều phải thực hiện kiểm tra mẫu, gây tốn kém, lãng phí. Nguyên nhân do doanh nghiệp thu mua chưa tin tưởng đối với chất lượng sản phẩm, còn người dân, HTX không minh chứng được sản phẩm của mình là an toàn.

Nông dân được tập huấn tham gia chuỗi thanh long 'xanh'. Ảnh: KS.

Nông dân được tập huấn tham gia chuỗi thanh long "xanh". Ảnh: KS.

Trước thực trạng trên, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đã dựng chuỗi thanh long "xanh" nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chứng thực thông tin từ khâu sản xuất đến tay người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Đức Trí, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận cho biết, đến nay, đơn vị đã xây dựng thành công quy trình sản xuất thanh long theo hướng "xanh hóa". Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nhằm giảm phát thải, thích ứng biến đổi khí hậu.

Theo ông Trí, để minh chứng được sản xuất theo hướng xanh - sạch, đơn vị đã phát triển mô hình "theo dõi dấu chân carbon" gắn với ứng dụng nhật ký điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua việc tích hợp các cơ sở dữ liệu, thông tin sản xuất từ nông dân lên cổng thông tin điện tử “https://thanhlongxanhbinhthuan.vn”. Với sự minh bạch thông tin này, các doanh nghiệp thu mua có thể theo dõi, tìm hiểu và đặt hàng sản phẩm thanh long "xanh".

Bước đầu, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đã hỗ trợ 4 doanh nghiệp, HTX sản xuất thanh long gồm 128 thành viên tham gia chuỗi giá trị thanh long "xanh". Đó là HTX thanh long Thuận Tiến, xã Hàm Liêm (Hàm Thuận Bắc); HTX thanh long sạch Hòa Lệ, thị trấn Ma Lâm (Hàm Thuận Bắc); HTX Dịch vụ sản xuất thanh long Hàm Minh 30, xã Hàm Minh (Hàm Thuận Nam) và Công ty TNHH Nước ép Phúc Hà, xã Hải Ninh (Bắc Bình).

Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đã hỗ trợ 4 doanh nghiệp, HTX sản xuất thanh long truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ảnh: KS.

Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đã hỗ trợ 4 doanh nghiệp, HTX sản xuất thanh long truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ảnh: KS.

“Các doanh nghiệp, HTX trên được chúng tôi tranh thủ nguồn lực từ hoạt động của dự án UNDP để đào tạo, bồi dưỡng tập huấn về kỹ năng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số. Qua đó, các thành viên HTX sẽ thực hiện ghi chép nhật ký điện tử trong quá trình sản xuất, chế biến và đáp ứng lộ trình theo dõi dấu chân carbon”, ông Nguyễn Đức Trí chia sẻ.

Việc ghi chép nhật ký điện tử trên phần mềm này nông dân dễ dàng áp dụng. Vì vậy đáp ứng được nhu cầu của các tác nhân trong chuỗi giá trị thanh long bao gồm: Người cung cấp đầu vào, người sản xuất, người thu mua, chế biến, cơ quan hỗ trợ và quản lý nhà nước.

Cũng theo Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận, tất cả các thông tin trên phần mềm được cung cấp và tương tác 24/7 trong hệ thống HTX (từ cấp tỉnh xuống đến HTX và các thành viên HTX). Phần mềm cũng cập nhật thường xuyên các biến động trong sản xuất kinh doanh, thị trường có liên quan đến đối tượng chủ đích, truyền thông, thông tin các chủ trương, chính sách có liên quan...

Đặc biệt, phần mềm còn tự động cập nhật, thống kê, dự báo, báo cáo về tình hình sản xuất của các HTX trên địa bàn toàn tỉnh, cũng như cung cấp thông tin về sản phẩm bao gồm sản lượng, quy cách sản phẩm, quy trình sản xuất, nhật ký sản xuất cho các sàn thương mại điện tử và nền tảng tiêu dùng online nhằm nâng cao năng lực tiếp cận thị trường.

Sản phẩm thanh long được truy xuất nguồn gốc rõ ràng, minh bạch thông qua phần mềm. Ảnh: KS.

Sản phẩm thanh long được truy xuất nguồn gốc rõ ràng, minh bạch thông qua phần mềm. Ảnh: KS.

Hiện hệ thống phần mềm không chỉ đáp ứng yêu cầu của 4 HTX trong dự án mà còn đáp ứng khả năng mở rộng sự tham của các HTX trồng thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận cũng xây dựng cổng thông tin kinh doanh nông nghiệp điện tử nhằm giới thiệu và cung cấp thông tin các cơ sở sản xuất và chế biến thanh long xanh trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến các khách hàng. Nội dụng thông tin rõ ràng, đầy đủ về sản phẩm như thông tin cơ bản; dự tính sản lượng từng sản phẩm; nhật ký sản xuất cho từng lô sản phẩm; nguồn gốc sản phẩm, "dấu chân các bon" từng lô sản xuất.

Khách hàng cũng có thể đặt hàng online trên cổng thông tin nông nghiệp và tự động liên hệ đến từng cơ sở cung cấp sản phẩm bằng nền tảng điện tử thông qua ứng dụng di động. Từ đó đảm bảo liên kết đến cổng thông tin của 4 doanh nghiệp, HTX trong dự án và các doanh nghiệp, HTX khác trong trường hợp nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Theo Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận, thời gian tới, đơn vị tiếp tục phát triển ứng dụng “Chuỗi thanh long xanh” sử dụng nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản, cung cấp dịch vụ truy vết và chứng thực thông tin từ khâu sản xuất đến tay người tiêu dùng. Từ đó quản lý, giám sát tốt nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất