| Hotline: 0983.970.780

Bộ GTVT và hàng loạt sai phạm tại dự án BOT Việt Trì

Thứ Năm 11/04/2019 , 20:40 (GMT+7)

Thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật đối với một số dự án đầu tư, xây dựng có liên quan đến Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P, Thanh tra Chính phủ phát hiện hàng loạt sai phạm, trong đó có những sai phạm nghiêm trọng tại dự án BOT cầu Việt Trì.

Dấu hiệu giả mạo hồ sơ...

Tại Dự án đầu tư xây dựng cầu Việt Trì theo hình thức Hợp đồng BOT được phê duyệt ngày 25/9/2013 của Bộ GTVT với tổng mức đầu tư là 1.900.548 triệu đồng; thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 20 năm 8 tháng.

Bộ GTVT đã quyết định lựa chọn Nhà đầu tư thực hiện dự án là Liên  danh Cienco 1 - Thái Sơn - Yên Khánh với vốn đầu tư là 1.745.111 triệu đồng.

Hàng loạt sai phạm tại BOT Việt Trì

Dự án được khởi công ngày 30/11/2013, hoàn thành thông xe kỹ thuật ngày 19/5/2015, Chủ đầu tư đề nghị và được Bộ trưởng Bộ GTVT chấp thuận cho thu phí từ 0 giờ ngày 07/12/2015 tại Quyết định số 4245/QĐ-BGTVT ngày 30/11/2015.

Qua kiểm toán năm 2016 của Kiểm toán Nhà nước và kết quả thanh tra một số nội dung liên quan đến Công ty Thái Sơn Bộ Q.P (công ty liên quan đến Đinh Ngọc Hệ, tức Út “trọc”) cho thấy: Hồ sơ yêu cầu mời thầu do Ban Quản lý dự án Thăng Long lập, Bộ GTVT thẩm định và phê duyệt lại chỉ yêu cầu “có Báo cáo tài chính năm 2012 và Báo cáo tài chính tại thời điểm gần nhất được kiểm toán” là không đúng quy định tại Khoản 2, Điều 10, Thông tư số 166/2011/TT-BTC ngày 17/11/2011 của Bộ Tài chính quy định các nhà đầu tư khi tham gia dự thầu phải có hồ sơ chứng minh về năng lực tài chính, trong đó, “Vốn chủ sở hữu (CSH) được xác định trên cơ sở báo cáo tài chính năm gần nhất đã được kiểm toán độc lập kiểm toán”. Dẫn đến, việc đánh giá tiêu chí về Vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính của Liên danh tham gia dự thầu thiếu chính xác, cụ thể như: tại thời điểm nộp hồ sơ tham gia dự thầu, Cienco 1 là Doanh nghiệp 100% vốn của Nhà nước chưa được Bộ GTVT chấp thuận cho phép tham gia dự thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án, vi phạm quy định tại Khoản 3, Điều 4, Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11/07/2013 của Chính phủ; nguồn vốn chủ sở hữu của Cienco 1 không đạt yêu cầu phải lớn hơn 20% vốn điều lệ theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27/11/2009 của Chính phủ; Công ty Thái Sơn Bộ Q.P là thành viên Liên danh cũng không đủ năng lực về tài chính và kinh nghiệm…

Nhà đầu tư đã đề xuất và được Bộ GTVT chấp thuận "Mức thu phí từ năm 2016 bằng 3,5 lần mức thu phí đường bộ được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước" nhưng vẫn được đánh giá “Đạt”, vi phạm quy định tại Khoản 1, Mục IV, Phần 2 Thông tư số 90/2004/TT-BTC ngày 07/9/2004 của Bộ Tài chính.

Như vậy, mặc dù các điều kiện về năng lực, hồ sơ của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P và các thành viên trong liên danh chưa đáp ứng yêu cầu mời thầu theo quy định nhưng vẫn được Ban Quản lý dự án Thăng Long chấp thuận và trình Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt chỉ định lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng Cầu Việt Trì theo hình thức BOT tại Quyết định 3567/QĐ-BGTVT ngày 7/12/2013.

Theo Biên bản đàm phán hợp đồng ngày 22/11/2013 đã được Bộ GTVT ký kết với Nhà đầu tư quy định về tiến độ góp vốn: “nhà đầu tư góp 20% giá trị vốn chủ sở hữu trong 02 tháng đầu tiên; 40% giá trị vốn chủ sở hữu trong vòng 6 tháng kể từ ngày ký tắt Hợp đồng, đồng thời đáp ứng chi phí phục vụ công tác giải phóng mặt bằng trong trường hợp chưa ký được hợp đồng tín dụng”. 

Tuy nhiên, sau 90 ngày kể từ khi thành lập (ngày 22/11/2013 - ngày 20/02/2014), Nhà đầu tư mới chỉ góp được tổng số 39.900 triệu đồng, đạt 15,06% (Trong đó: Công ty Yên Khánh 14.650 triệu đồng, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P 14.650 triệu đồng, Cienco 1 là 10.600 triệu đồng); đến ngày 21/7/2016, tổng vốn góp được 212.737,40 triệu đồng, đạt 80,28%; kể từ đó các nhà đầu tư không thực hiện góp vốn như đã đăng ký tại Phụ lục 2, Hợp đồng BOT ký tắt số 12799/ĐC.BOT-BGTVT ngày 27/11/2013 và Hợp đồng BOT số 45/BOT-BGTVT ngày 29/8/2014. Các vi phạm trong việc lựa chọn nhà thầu, nghiệm thu, thanh toán khối lượng thi công xây lắp đã được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán, trong đó: không chấp nhận quyết toán tại các gói thầu XL.01-1, XL.01-2 và XL.01-3 với tổng số tiền 74.737triệu đồng.

Qua kiểm tra hồ sơ, tài liệu hiện có của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P cho thấy, hầu hết các báo cáo tài chính từ khi thành lập năm 2009 đến năm 2017 được sử dụng để kê khai quyết toán thuế hằng năm với các cơ quan Thuế nhưng không được kiểm toán. Nhưng trong các hồ sơ xin vay vốn của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P tại các chi nhánh của Ngân hàng BIDV (Thành Đô, Bà Chiểu…); hồ sơ tham gia liên danh nhà đầu tư các dự án BOT, BT (Cầu Việt Trì mới, Quốc lộ 20 đoạn Km123-Km268) và hồ sơ dự thầu một số gói thầu xây lắp thấy: các báo cáo tài chính có đóng dấu, ký xác nhận của một số công ty kiểm toán (như: FAC, HDT, VNASC, SG-VN, Đệ Nhất ...). Tuy nhiên, qua xác minh, một số đơn vị tư vấn đã xác nhận không thực hiện kiểm toán các báo cáo tài chính của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P.

Về số liệu tại các báo cáo tài chính “được cho là đã kiểm toán” để xin vay vốn, dự thầu đều phản ánh Công ty Thái Sơn Bộ Q.P có đủ năng lực; nhưng so với báo cáo tài chính để quyết toán thuế hàng năm có nhiều sai khác, không đúng thực tế, tình hình tài chính rất yếu kém, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu luôn âm, lỗ (năm 2015 lỗ 4,21 tỷ đồng; năm 2016 lỗ 5,975 tỷ đồng, năm 2017 lỗ 628 triệu đồng).

“Những việc làm trên của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P, các đơn vị, cá nhân liên quan có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, số liệu báo cáo tài chính trong việc xin vay vốn ngân hàng và tham gia dự thầu các dự án”, TTCP kết luận.
 

Bộ GTVT lựa chọn nhà thầu không đúng quy định

Cũng tại Dự án Cầu Việt Trì mới, Ngân hàng BIDV đã dựa trên hồ sơ do Công ty Thái Sơn Bộ Q.P cung cấp để đánh giá năng lực về tài chính “Đạt” là không đúng thực tế do: các số liệu trên Báo cáo tài chính sai lệch so với thực tế nhiều lần; điều chuyển cân đối qua lại giữa các chỉ số về tài sản và nguồn vốn không chính xác. Hậu quả là, dự án đã không trả nợ đúng cam kết, không bố trí đủ vốn để trả nợ, thiếu tài sản đảm bảo an toàn vốn vay.

Các Ban Quản lý dự án phê duyệt yêu cầu hồ sơ mời thầu, Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư không đúng quy định về vốn chủ sở hữu, dẫn đến, đánh giá năng lực tài chính không chính xác nhưng vẫn được Bộ GTVT thẩm định, nhận xét, đánh giá đạt và quyết định lựa chọn Công ty Thái Sơn Bộ Q.P là Nhà đầu tư dự án trong liên danh, nhưng sau đó Công ty Thái Sơn Bộ Q.P lại chuyển nhượng thầu; Nhà đầu tư đề xuất mức thu phí không đúng quy định nhưng vẫn được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận là vi phạm quy định.

4 nội dung Bộ Công an điều tra

Từ kết quả thanh tra với hàng loạt sai phạm tại nhiều dự án ở nhiều địa phương của Công ty Thái Sơn, Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ sang cơ quan Điều tra của Bộ Công an để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định đối với các nội dung sau:

1. Việc giả mạo hồ sơ, tài liệu như: Báo cáo tài chính, hồ sơ kê khai về máy móc thiết bị, nhân công, kinh nghiệm, hóa đơn Gía trị gia tăng …không đúng thực tế để tham gia dự thầu tại các dự án mà Công ty Thái Sơn Bộ Q.P đã trúng thầu với vai trò là nhà đầu tư và nhà thầu xây lắp.

2. Việc thực hiện chuyển nhượng thầu sai quy định tại các dự án được lựa chọn, trúng thầu, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của dự án, trong đó, có dấu hiệu thanh toán khống khối lượng tại gói thầu số 6 thuộc Dự án kéo dài và nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đỗ máy bay - Cảng hàng không Pleiku.

3. Việc vi phạm các quy định về vay vốn ngân hàng: kê khai, giả mạo hồ sơ về Báo cáo tài chính, năng lực, kinh nghiệm; sử dụng tài sản đảm bảo không đủ căn cứ pháp lý để vay vốn tại các ngân hàng.

4. Dấu hiệu trốn thuế, Bảo hiểm: hạch toán thiếu doanh thu trên 135 tỷ đồng và không đóng bảo hiểm 205 triệu đồng.

Thanh tra Chính phủ cũng Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng tiếp nhận hồ sơ để xem xét, điều tra, xử lý theo quy định đối với các vi phạm trong việc góp, chuyển nhượng và quản lý vốn chủ sở hữu của Tổng công ty Thái Sơn tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.