Qua nhiều năm sưu tầm, chế tác và bảo tồn, anh Trần Đức Thành (tên thường gọi là Tiến 'sáo') ở Hoài Đức, Hà Nội sở hữu bộ sưu tập nhạc cụ đồ sộ với hơn 500 nhạc cụ. Với anh Tiến - một người biểu diễn chầu văn thì nhạc cụ là linh hồn, là máu thịt.
Mọi nhạc cụ đều được anh Tiến trưng bày ở trong ngôi nhà bên bờ sông Đáy, thuộc xã Đông La, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Không chỉ là nhà. Với người đàn ông này, đây còn là không gian trưng bày nhạc cụ truyền thống, được treo kín 3 tầng nhà rộng chừng 60m2.
Từ phòng khách, phòng ngủ cho đến cầu thang đều có sự hiện hữu của nhạc cụ truyền thống dân tộc. Anh Tiến nói: “Nhiều người bảo tôi nên tách bạch không gian sinh hoạt và không gian trưng bày nhưng với tôi nhạc cụ là một phần của cuộc sống nên không thể tách ra được. Đang mệt mỏi mà thấy đam mê của bản thân ngay trong nhà thì cũng được giải tỏa đi phần nào…”.
Phần lớn số nhạc cụ trong nhà anh Tiến là do các đồng nghiệp tặng, phần còn lại do anh sưu tầm hoặc tự chế tác. “Đồng nghiệp có quý thì họ mới tặng. Có đói tôi cũng không bán dẫu có là bất cứ giá nào…”, giọng anh xúc động. Đặc biệt, trong bộ sưu tập có chiếc đàn nhị với tuổi đời hơn 120 năm tuổi. Mỗi nhạc cụ là một câu chuyện, là một mảnh linh hồn của người đàn ông này.
Anh Tiến cũng gặp khó khăn trong quá trình bảo quản và giữ gìn những loại nhạc cụ dân tộc. Bởi hầu hết những nhạc cụ đều được làm từ những nguyên liệu tự nhiên như tre, nứa… nên không thể tránh khỏi mối mọt. Với mỗi nhạc cụ bị hư hỏng, anh Tiến đành phải tự sửa chữa thay thế bằng những nguyên liệu sẵn có.
Mỗi tổ hợp nhạc cụ đều được anh xếp ngay ngắn vào đúng loại hình nghệ thuật sử dụng chúng. Trải dài từ tầng 1 lên tầng 3 là những khu vực trưng bày của loại hình nghệ thuật chèo, cải lương, nghệ thuật ca trù, nghệ thuật hát xẩm, nghệ thuật chầu văn, nhạc cụ của Tây Nguyên và bộ nhạc cụ của các dân tộc thiểu số. Mỗi loại hình nghệ thuật lại có những nhạc cụ tương ứng nên anh Tiến đã khéo léo sắp xếp chúng vào đúng loại hình nghệ thuật.
Là cây đàn nguyệt chính của đoàn chầu văn nhưng sáo là nhạc cụ chiếm phần lớn trong nhà anh Tiến. Tính riêng bộ sáo phục vụ công việc hát chầu văn, anh Tiến đã có khoảng 20 - 30 chiếc. Những chiếc sáo đã cũ, hoặc không còn khả năng sử dụng được anh Tiến treo lên một khuông nhạc khổng lồ mà chính những chiếc sáo ấy là những nốt nhạc. Không chỉ sáo, anh Tiến còn sở hữu nhiều loại trống, đàn…
Tốt nghiệp bằng giỏi trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Quân đội, tuy nhiên do bị vôi hoá cột sống nên anh Tiến không thể tiếp tục ước mơ trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp. Người đàn ông đành trở về quê hương ôm giấc mộng lưu giữ những tinh hoa nhạc cụ dân tộc.
Anh Tiến lớn trong một gia đình làm nông bình thường, bố mẹ đều không hoạt động nghệ thuật. Tuy nhiên, từ nhỏ anh đã có cơ hội tham gia cùng ông ngoại ở phường bát âm của địa phương. Từ đó, niềm đam mê với âm nhạc lớn dần lên trong người đàn ông này.
Năm 1992, anh bắt đầu sưu tầm nhạc cụ. Anh Tiến cho biết: “Tôi học và chế nhạc cụ theo hướng dẫn trên mạng internet, có nhưng cái có giai điệu, nhưng cũng có những cái không ra âm. Nhưng với tôi chỉ cần đúng hình dạng là tôi vui rồi…”.
Hiện tại, nghề nghiệp chính của anh Tiến là tham gia cùng các đoàn hát chầu văn trong biểu diễn hát văn những giá chầu. Công việc này không mang lại hiệu quả kinh tế quá cao nên gia đình anh làm thêm hoa tươi phục vụ đám tang, đám hỉ và lễ hỏi. Anh Tiến luôn dành một phần thu nhập để nuôi đam mê của bản thân. Anh bộc bạch: “Mình làm được 10 thì dành cho gia đình 7, bản thân 3 để sưu tầm nhạc cụ…”.