| Hotline: 0983.970.780

Bơm thuốc trừ sâu và hệ lụy: Nghề rước họa vào thân

Thứ Ba 30/06/2020 , 09:10 (GMT+7)

Nhiều nông dân ngại tiếp xúc với thuốc trừ sâu, khi cây trồng bị bệnh là thuê người bơm thuốc, từ đó sinh ra nghề bơm thuốc thuê. Đây là nghề rước bệnh vào người.

Chiếc bình bơm này theo ông Hương mấy chục năm với nghề bơm thuốc thuốc trừ sâu thuê, nay ông Hương đã bỏ nghề, chiếc bình vẫn treo ở góc vườn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Chiếc bình bơm này theo ông Hương mấy chục năm với nghề bơm thuốc thuốc trừ sâu thuê, nay ông Hương đã bỏ nghề, chiếc bình vẫn treo ở góc vườn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nỗi ám ảnh kinh hoàng

Bây giờ, ngồi nhớ lại quãng đời mà phần lớn thời gian tấm lưng thường xuyên gắn với chiếc bình phun thuốc trừ sâu, ông Trần Văn Hương (65 tuổi) vẫn còn rùng mình.

Đó là quãng thời gian mới thành lập hợp tác xã nông nghiệp, ông được chọn vào làm trong tổ bảo vệ thực vật của đội sản xuất.

Công việc của ông là mỗi khi ruộng lúa của đội sản xuất bị sâu bệnh gây hại, thế là ông cùng các thành viên trong tổ bảo vệ thực vật vác bình phun trên vai, đến trụ sở hợp tác xã nhận thuốc và đi bơm theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.

Công bơm thuốc trừ sâu của ông được tính bằng điểm, điểm được cộng dồn sau mỗi lần bơm, đến vụ thu hoạch lúa, tổng số điểm của ông được quy ra lúa và hợp tác xã cấp phát số lúa đó cho ông. Đó là khoản thu nhập trong suốt 3 tháng trời.

Mới nghe qua, cái nghề ông làm chẳng có gì là nhọc nhằn, thế nhưng với ông là một ám ảnh kinh hoàng.

Ông Hương, ở khu vực Kim Châu, phường Bình Định (TX An Nhơn, Bình Định), nhớ lại: Mỗi năm đồng ruộng sản xuất 3 vụ lúa, mỗi vụ kéo dài 3 tháng, quãng thời gian cây lúa đứng trên đồng là bình bơm thuốc trừ sâu thường xuyên “dính” trên tấm lưng của ông.

“Cây lúa thì bị muôn thứ bệnh, nào là bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá nhỏ, bọ trĩ, đạo ôn cổ bông, rầy nâu, rầy lưng trắng…, đại khái thế thôi chứ kể sao cho hết.

Cứ cây lúa bị bệnh gì là anh em trong tổ bảo vệ thực vật được cán bộ kỹ thuật của hợp tác xã cấp thuốc ấy kèm với hướng dẫn liều lượng, cứ vậy mà đi bơm. Bơm hết đồng trong đến đồng ngoài, cứ vậy mà làm hết ngày này sang ngày khác cho đến khi bơm hết toàn bộ diện tích do đội sản xuất quản lý.

Khi ấy cứ “mình trần thân trụi” đi bơm chứ có đồ bảo hộ gì đâu, thậm chí không mang cả khẩu trang, thế nên mỗi lần đi bơm thuốc về đến nhà là cả người nồng nặc mùi thuốc bảo vệ thực vật. Cả ngày hít thở mùi thuốc độc nên có bữa nuốt cơm không nổi”, ông Hương nhớ lại.

Mỗi khi pha bình thuốc mới, người phun tìm đến mương để lấy nước, lúc mở chai thuốc đổ vào bình dù cẩn thận đến mấy thuốc cũng dính vào tay. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Mỗi khi pha bình thuốc mới, người phun tìm đến mương để lấy nước, lúc mở chai thuốc đổ vào bình dù cẩn thận đến mấy thuốc cũng dính vào tay. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Năm 1993, hộ gia đình và cá nhân được Nhà nước giao đất nông nghiệp để sử dụng ổn định, xóa sản xuất tập thể. Các tổ chuyên phun thuốc bảo vệ thực vật của hợp tác xã nông nghiệp cũng giải tán theo. Ấy vậy nhưng cái nghề bơm thuốc trừ sâu vẫn cứ mãi đeo đuổi ông Hương.

“Sau khi ruộng được giao cho hộ cá thể, biết mình là “chuyên gia” bơm thuốc bảo vệ thực vật nên mỗi khi ruộng lúa bị bệnh là các chủ ruộng kêu mình bơm thuốc.

Khi ấy công việc bơm thuốc không còn ghi điểm nữa mà được nhận tiền tươi, mỗi bình thuốc được trả công 10 - 15 ngàn, hồi ấy đó là khoản tiền khá lớn, bằng cả ngày công lao động. Thấy làm có tiền nên ham, ai kêu cũng vác bình đi bơm.

Thuốc thì chủ ruộng mua, liều lượng thì bơm theo hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc. Công việc không mấy nặng nhọc nhưng kiếm tiền khá, nên không chỉ riêng tôi mà vùng nông thôn nào cũng có người làm nghề này”, ông Hương bộc bạch.

Càng về sau này, nhận thấy nghề bơm thuốc bảo vệ thực vật là nghề nguy hiểm. Bởi, mỗi ngày mỗi ít cứ hít mãi thuốc độc vào người, không chóng thì chầy cũng đổ bệnh nên ít người làm dần.

Trong khi đó cách làm ruộng hiện nay đã khác xưa, nông dân chủ ruộng không làm tất tần tật các công đoạn, mà hầu hết là thuê mướn, chủ ruộng dành thời gian đi làm việc khác kiếm được nhiều tiền hơn, do đó nghề bơm thuốc trừ sâu bỗng trở nên đắt khách.

Dù bơm thuốc độc nhưng người bơm không được bảo hộ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Dù bơm thuốc độc nhưng người bơm không được bảo hộ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Anh Ngô Sơn ở thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước, Bình Định), kể: “Vừa rồi ruộng nhà tôi sinh bệnh, kiếm mãi mới ra 1 người bơm thuốc thuê. Thuốc mình mua, họ bơm chưa hết buổi nhưng lấy tiền công là 150.000 đồng. Nhìn ông ấy làm mà tôi thấy ghê ghê, bơm thuốc độc mà cứ trần trần trụi trụi chẳng được bảo hộ gì”.

“Nếu không dừng nghề chắc giờ tôi đã theo ông bà”

Đó là lời bộc bạch của ông Trần Văn Hương khi nhắc lại nghề bơm thuốc trừ sâu thuê của mình trước đây.

Vô-pha-tốc và 2,4D là những cái tên để lại cho ông Hương nỗi ám ảnh kinh hoàng nhất trong quãng đời hành nghề bơm thuốc trừ sâu thuê.

Đó là loại thuốc trừ sâu và thuốc trừ cỏ cực độc đã suýt chút nữa cướp đi mạng sống của ông.

“Những năm gần đây, công phun 1 bình thuốc tăng lên  30.000 đồng. Biết làm cái nghề này là tự chuốc họa vào thân, nhưng vì cuộc sống nên tôi cứ nhắm mắt làm liều. Bơm 1 bình thuốc mất thời gian chừng  20 - 30 phút, tùy ruộng khô hay ruộng nước, ruộng khô thì đi nhanh hơn.

Hôm nào phun phân bón lá thì còn đỡ, gặp lúc ruộng bị sâu phải phun thuốc vô-pha-tốc hay bơm thuốc cỏ có chứa hoạt chất 2,4D thì hôm ấy nhừ tử”, ông Hương nhớ lại.

Người nông dân này phun thuốc diệt cỏ trong đám ruộng trước khi trồng rau muống, thuốc cỏ rất độc nhưng anh không được bảo hộ, không mang cả khẩu trang. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Người nông dân này phun thuốc diệt cỏ trong đám ruộng trước khi trồng rau muống, thuốc cỏ rất độc nhưng anh không được bảo hộ, không mang cả khẩu trang. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo diễn tả của ông Hương, mỗi lần phun xong 1 bình thuốc là phải tìm đến con mương gần nhất để lấy nước pha bình thuốc mới. Khi mở lọ thuốc, dù khéo léo đến mấy thuốc cũng vấy vào tay. Khi phun thì thuốc lan tỏa ra ngoài không khí rồi đáp vào người.

Suốt thời gian phun thuốc, người phun còn hít thở cái không khí nồng nặc. Đó là chưa nói đến khi mang bình thuốc đi bơm, những bước chân khập khiễng trên đất ruộng khiến bình thuốc cứ lúc la lúc lắc, nước thuốc trào ra miệng bình, chảy xuống lưng.

Nếu là bình thuốc vô-pha-tốc hoặc thuốc cỏ 2,4D thì tấm lưng của người phun thuốc nóng như đang bị đốt.

“1 thằng em cùng xóm tên Dũng bơm thuốc trừ sâu cho ruộng nhà, phun 1 lèo 5 bình thuốc vô-pha-tốc là phát ói mửa tại ruộng. Loại thuốc này xông mùi rất nặng, nó đi vào đường hô hấp khiến mình choáng váng, ói mửa.

Mỗi khi pha bình thuốc mới, thuốc dính vào tay thì rửa bằng xà phòng hoặc chà chanh cũng không sạch. Nhưng nếu ai có kinh nghiệm, ngắt mấy cộng rau muống vò rồi chà vào tay sẽ tẩy thuốc đi hết”, ông Hương kể.

Dù đã được treo ở góc vườn nhưng ông Hương còn bọc thêm bên ngoài chiếc bình bơm thuốc lớp bao ni lông để an toàn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Dù đã được treo ở góc vườn nhưng ông Hương còn bọc thêm bên ngoài chiếc bình bơm thuốc lớp bao ni lông để an toàn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Chợt nhớ thêm, ông Hương kể tiếp câu chuyện: “Một ông bạn khác hành nghề phun thuốc thuê như tôi cũng từng bị dính nạn vì thuốc vô-pha-tốc. Hôm ấy vừa pha xong bình thuốc, trong lúc từ bờ mương bước xuống ruộng thì ông bị trượt chân té, bình thuốc đổ tràn ra lưng.

Sức nóng của thuốc khiến lưng ông ấy nóng như có lửa đốt, ông phải ngâm mình dưới mương nước để thuốc loãng đi, tấm lưng được dịu lại. Thuốc cỏ có chứa hoạt chất 2,4D cũng độc không kém.

Cây lúa sau khi sạ khoảng hơn 20 ngày ruộng sẽ phát sinh cỏ, khi ấy phải phun thuốc diệt cỏ thì cây lúa mới phát triển được. Đám ruộng mới phun thuốc trừ cỏ 2,4D mà phụ nữ lội xuống ruộng làm gì đó là chắc chắn sẽ bị ung thư tử cung. Loại thuốc này hiện đã cấm lưu hành tại Việt Nam”.

“Tôi nhớ một hôm ông bác sĩ Lộc vừa khám xong là “phán” luôn một câu rằng tôi bị ngộ độc thuốc trừ sâu, thậm chí ông ấy còn nghe trong mồ hôi và trong hơi thở của tôi cũng có mùi thuốc trừ sâu. Tôi thú nhận mình làm nghề phun thuốc trừ sâu thuê nhiều năm nay, ông ấy khuyên tôi phải bỏ nghề ngay chứ nếu không có ngày chết bất đắc kỳ tử, vậy là tôi bỏ nghề luôn, nhờ đó đến nay sức khỏe ổn định”, ông Trần Văn Hương bộc bạch.

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hơn 300 cơ sở ở Thái Nguyên vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện hơn 320 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bình luận mới nhất