Kết quả là hàng trăm tỉ đồng đã “đi tong” vì nhà máy không thể hoạt động.
Bức tranh mầu hồng
Năm 2012, với lý do thực hiện chiến lược mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo sức cạnh tranh của thương hiệu xi măng tại địa bàn khu vực miền Trung, Công ty xi măng Bỉm Sơn đã quyết định đầu tư vào nhà máy Xi măng Đại Việt tại Quảng Ngãi (thuộc Công ty CP Xi măng Miền Trung).
Lúc này, theo đánh giá của lãnh đạo công ty Xi măng Bỉm Sơn thì việc đầu tư vào nhà máy Xi măng Đại Việt có rất nhiều lợi thế bởi:
Thứ nhất, đây là khoản đầu tư đúng lĩnh vực sản xuất kinh doanh nên công ty Xi măng Bỉm Sơn có thể tận dụng được nguồn clinker dồi dào, tận dụng được đội ngũ cán bộ quản lý, kĩ thuật giàu kinh nghiệm.
Thứ hai, vị trí nhà máy Xi măng Đại Việt nằm tại khu kinh tế Dung Quất nên rất thuận lợi cho giao thương.
T6/2012, công ty Xi măng Bỉm Sơn cũng đã thành lập Đoàn Khảo sát đánh giá các chỉ tiêu kinh tế, kĩ thuật của nhà máy nghiền xi măng Đại Việt, cũng như xác định giá trị tài sản, đánh giá hiệu quả dự án.
Có lẽ, kết quả của Đoàn Khảo sát cũng khá “phù hợp” và “sát” với định hướng ban đầu mà lãnh đạo công ty Xi măng Bỉm Sơn đã đặt ra nên vào cuối năm 2012, công ty Xi măng Miền Trung và công ty Xi măng Bỉm Sơn đã kí Biên bản Thương thảo Hợp đồng thống nhất các nội dung về việc mua bán cổ phần của công ty Xi măng Miền Trung.
Ngày 6/4/2013, hai bên chính thức kí Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, theo đó công ty Xi măng Bỉm Sơn sẽ nắm giữ 76,8% cổ phần chi phối tại công ty Xi măng Miền Trung.
Ngày 3/5/2013, với tư cách là TGĐ công ty Xi măng Bỉm Sơn, ông Bùi Hồng Minh đã có văn bản gửi Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước thông báo về việc nắm giữ cổ phần.
Được biết, thương vụ đầu tư đầy “lợi thế” này của công ty Xi măng Bỉm Sơn có trị giá lên tới cả trăm tỉ đồng.
Vỡ mộng
Tưởng rằng, sau khi rót hàng trăm tỉ đồng vào nhà máy xi măng Đại Việt, công ty Xi măng Bỉm Sơn sẽ biến nơi đây thành ‘bàn đạp” từng bước chiếm lĩnh thị trường miền Trung.
Tuy nhiên, người dân địa phương khiếu nại nhà máy gây ô nhiễm môi trường và đã liên tục ngăn cản hoạt động vận chuyển của các phương tiện ra vào nhà máy. Khiến nhà máy phải đóng cửa trong thời gian dài.
Khiếu nại của người dân không phải không có cơ sở.
Năm 2016, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đặt vấn đề di rời nhà máy nếu không giải quyết ô nhiễm môi trường.
Năm 2018, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình có ý kiến chỉ đạo Công ty CP Xi măng Miền Trung phải khắc phục cải tiến thiết bị, nâng cấp công nghệ xử lý môi trường tại nhà máy Xi măng Đại Việt – Dung Quất.
Không rõ, đội ngũ cán bộ quản lý, kĩ thuật giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất xi măng có giúp được gì trong hoạt động khảo sát đánh giá hiệu quả của nhà máy? Nhưng rõ ràng vì nhiều lý do (trong đó có lý do kĩ thuật, công nghệ) nên gần chục năm qua nhà máy xi măng Đại Việt không thể hoạt động nhuần nhuyễn.
Ngay trong năm 2015, 2016 mỗi năm nhà máy Xi măng Đại Việt đã phải chịu lỗ trên 30 tỉ đồng. Những năm sau này tình trạng kết quả sản xuất kinh doanh càng ngày càng bi đát hơn.
Năm 2021, kết quả kinh doanh của Xi măng Miền Trung lỗ trên 27 tỉ đồng và tính đến ngày 31/12/2021 lỗ lũy kế trên 277 tỉ đồng.
Công ty Xi măng Bỉm Sơn đã phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính và dự phòng nợ phải thu khó đòi đối với công ty Xi măng Miền Trung số tiền lên tới hàng trăm tỉ đồng.
Vậy quyết định đầu tư sai lầm ở công ty xi măng Bỉm Sơn gây thất thoát tài sản nhà nước, ai sẽ phải chịu trách nhiệm?
Không chỉ thua lỗ, thất thoát, nhiều khoản đầu tư ở các công ty con thuộc ViCem Việt Nam còn có dấu hiệu sai phạm. Trước đó, NNVN đã từng thông tin về khoản đầu tư 80 tỉ đồng có khả năng mất vốn tại công ty Tài chính Xi măng CFC. Khoản đầu tư này được ông Bùi Hồng Minh, lúc đó là Tổng GĐ công ty CFC rót cho một doanh nghiệp “sân sau” để kinh doanh thiết bị y tế. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng nhiều năm thua lỗ khiến CFC không có khả năng thu hồi được tài sản. Hiện Cục phòng chống tham nhũng ( Thanh tra Chính phủ) đã vào cuộc điều tra làm rõ dấu hiệu vi phạm.