| Hotline: 0983.970.780

Cần hướng tới 'giáo dục không trừng phạt'

Thứ Sáu 09/03/2018 , 13:45 (GMT+7)

Đó là chia sẻ của Ths Ngô Thanh Hải, giáo viên trường THPT Lạng Giang B (Bắc Giang) với Báo NNVN trước sự việc phụ huynh học sinh trường Tiểu học Bình Chánh, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức (Long An) bắt cô giáo B.T.T.N quỳ xin lỗi.

Cho con cái thấy lòng bao dung, nhân từ

Trước hết phải khẳng định cô giáo đã xử lý học sinh bằng hình thức phạt như vậy là quá khắt khe, và có thể nói ở một mức độ nhất định là đi ngược tinh thần giáo dục, nhất là với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, điều quan trọng là cô giáo đã biết sai, sẵn sàng nhận lỗi, nhận kỷ luật theo quy định của nhà trường và ngành giáo dục. Điều đó là đáng trân trọng và vụ việc cần dừng ở những xử lý theo các quy chế của pháp luật, của ngành giáo dục và nhà trường.

Thạc sĩ Ngô Thanh Hải - trường THPT Lạng Giang số 2, tỉnh Bắc Giang

Có đi dạy học, có đứng lớp trực tiếp, vừa giảng dạy vừa quản lý vài chục học sinh trong một giờ học mới thấu hiểu những bức xúc, mệt mỏi, căng thẳng và chán nản khi học sinh không chú ý hoặc vi phạm kỷ luật trong giờ học. Tôi chia sẻ với cô giáo N. ở khía cạnh đó. Việc xử phạt học sinh thực sự, với đa số giáo viên là cực chẳng đã, là giải pháp cuối cùng.

Về phụ huynh bắt cô giáo phải quỳ xin lỗi. Tôi chia sẻ với bức xúc của phụ huynh về con cái khi bị trừng phạt, nhất là bị trừng phạt bất công. Trong trường hợp này, phụ huynh có quyền khiếu nại, buộc giáo viên giải trình, thậm chí khởi kiện theo các điều khoản của pháp luật. Tình yêu thương, sự lo lắng và ý thức bảo vệ con cái của mình là quyền được thừa nhận và cần được tôn trọng.

Song ở đây, khi giáo viên xin lỗi chính thức, khi nhà trường đã có những biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật và quy chế của ngành giáo dục, vậy mà phụ huynh còn buộc giáo viên phải quỳ xin lỗi như hình thức đã phạt con mình thì điều đó thật đáng sợ, đáng lên án vì mấy lý do sau:

Thứ nhất, xét từ quan điểm giáo dục, hành vi này sẽ gây ra chứng nuông chiều con cái, dẫn đến đòi hỏi quá mức, thậm chí sau này chúng dựa dẫm và sẵn sàng uy hiếp người khác một cách vô lý. Hành động này cũng phản giáo dục vì nó đi ngược lại các nguyên tắc đạo đức tốt đẹp mà cha mẹ cần giáo dục, cần cho con cái thấy là lòng bao dung, sự sẻ chia, đức tính nhân từ để cho người khác một cơ hội khi họ mắc sai lầm.

Thứ hai, xét từ góc độ một con người ứng xử với đồng loại thì đây là hành động thái quá kiểu ăn miếng trả miếng, có tội đền tội rất hoang sơ. Hành động này xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, lòng tự trọng của cô giáo vì nó diễn ra công khai, trước đồng nghiệp, cả học sinh đều biết. Đó là một cách lăng nhục khá man rợ kiểu sơ khai như thị chúng thuở xưa, gây tổn thương lớn đến tinh thần và tâm lý của cô giáo.

Thứ ba, xét từ phương diện pháp luật thì đây là hành động không chấp nhận được vì nó thi hành luật kiểu giang hồ chứ không hề có tinh thần thượng tôn các nguyên tắc giải quyết sự việc theo trình tự của luật pháp.

Thứ tư, xét từ việc xây dựng môi trường giáo dục thì đây là sự việc gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mối quan hệ nhà trường và gia đình, giáo viên và phụ huynh. Nó sẽ tạo tiền lệ xấu để có thể phụ huynh nào đó lợi dụng, uy hiếp giáo viên khác, học sinh lợi dụng vi phạm, phá phách mà không sợ trừng phạt, còn giáo viên thì luôn bất an, lo âu, sợ hãi, thậm chí sợ cả học sinh, không thể giảng dạy tâm huyết, sáng tạo bằng tinh thần thoải mái được.

Sự thật là ngay trường học tôi dạy, khi đọc, xem các vụ việc tương tự như thế này trước đây, các đồng nghiệp của tôi cũng có suy nghĩ và nỗi lo như thế.
 

Giáo viên đừng lý tưởng hóa để tạo áp lực cho mình

Từ sự việc nêu trên, tôi muốn dành một số suy nghĩ về những vấn đề giáo dục đặt ra như sau.

Thứ nhất, việc xử phạt, kỷ luật học sinh cần có quy chế và quy định rõ ràng, cụ thể kèm theo hình thức được phép và không được phép. Các điều nội quy của nhà trường cần có sự thống nhất giữa nhà trường và phụ huynh để tránh những hiểu lầm, tranh cãi hay kiện tụng, xúc phạm lẫn nhau. Đã đến lúc cần xem xét lại quan điểm giáo dục “Thương cho roi cho vọt” và hướng tới giáo dục không trừng phạt.

Thứ hai, việc giáo viên xử phạt nặng nề, nghiêm trọng, có khi bạo hành học sinh không phải không có, nhiều khi làm cho phụ huynh bức xúc. Và hiện tượng phụ huynh phách lối, xúc phạm giáo viên hiện nay cũng không hiếm. Cho nên, Nhà nước, ngành cũng cần có quy định rõ ràng về việc xử lý những sự việc này.

Thứ ba, bản thân mỗi giáo viên khi lên lớp và làm nghề nên làm với tư tưởng giáo dục là sự chia sẻ, tôn trọng lẫn nhau, nhất là tôn trọng các cá nhân. Hãy bỏ suy nghĩ mình cũng là cha là mẹ, mình làm gì cũng được hoặc làm để tốt cho học sinh.

Cần giữ một khoảng cách nhất định, bởi nhà trường chỉ là một phương diện giáo dục tri thức và nhân cách cho học sinh. Giáo dục gia đình cũng quan trọng. Cho nên, mỗi giáo viên đừng lý tưởng hóa để tạo áp lực cho mình, rồi xử lý mất bình tĩnh với học sinh có hành vi vi phạm các quy tắc đạo đức hay nội quy nhà trường. Hạn chế tối đa và tránh không trừng phạt khắc nghiệt, hoặc xúc phạm đến thân thể hay nhân phẩm của học sinh. Trường học nào cũng có nội quy, ngành có quy chế, luật có các điều khoản, chúng ta hãy xử lý học sinh theo các nguyên tắc đó.

Thứ tư, một lỗ hổng rất lớn trong giáo dục nhân cách cho học sinh là sự tự ý thức, tự giáo dục, về cái tôi của chúng trong mối quan hệ với người khác. Nền tảng văn hóa ứng xử của bất cứ một con người nào, khi có ý thức về thế giới và bản thân bao giờ cũng bắt đầu từ cái tự thân. Điều này bắt đầu từ gia đình nhưng ở trường tác động lớn hơn vì học sinh hoạt động trong tập thể.

Tôi đề nghị, các tiêu chí đánh giá đạo đức cần linh hoạt hơn, giáo viên cần nhìn bao dung hơn và nhất là tôn trọng sự khác biệt, để phân biệt rõ cá tính, sự nghịch ngợm dại dột hay sự vi phạm chuẩn mực đạo đức của học sinh để xử lý. Giáo dục tự giác trên tinh thần lắng nghe, thấu hiểu, tôn trọng, bình đẳng, đối thoại sẽ có ý nghĩa hơn nhiều lần những hình thức phạt học sinh.

 

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.