Lúa hè thu ít sâu bệnh
Sản xuất lúa vụ hè thu 2023 đối mặt với nhiều khó khăn do giá nhiều loại vật tư đầu vào ở mức cao và thời tiết có nhiều diễn biến bất lợi. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ, khuyến cáo kịp thời của ngành nông nghiệp TP Cần Thơ cũng như sự chủ động của nông dân, nhìn chung các trà lúa hè thu phát triển xanh tốt. Hiện một số ít diện tích đất gò cao xuống giống sớm như quận Ô Môn và Thốt Nốt đã bắt đầu có thu hoạch, năng suất đạt từ 700 - 850kg/công (1.000m2), bán giá từ 6.100 - 6.200 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí nông dân còn lãi khoảng 1,8 - 2 triệu đồng/công.
Ông Lê Văn Đùng ở ấp Ðông Thạnh, xã Ðông Hiệp, huyện Cờ Ðỏ cho biết, gia đình có 3ha lúa hè thu gieo sạ giống lúa chất lượng cao OM 5451, hiện lúa đã được 45 ngày tuổi, phát triển rất tốt và chưa phải phun thuốc trừ sâu lần nào.
Hiện lúa của gia đình ông đã có thương lái đặt cọc mua lúa tươi với giá 6.100 đồng/kg, cao hơn 400 đồng/kg so với vụ hè thu năm trước. Trong vụ đông xuân vừa rồi, gia đình ông Đùng sạ lúa Jasmine 85, đạt được năng suất tới 1,1 tấn/công và bán được với giá khá cao 6.870 đồng/kg, lãi hơn 4 triệu đồng/công.
Còn bà Lê Thị Thanh Thúy ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai vụ hè thu 2023 có 6 công lúa sạ giống OM 5451. Ðến nay, lúa đã được 65 ngày tuổi và đang bước vào giai đoạn làm đòng, chuẩn bị trổ. Năm nay, dù gặp trời nắng nóng nhưng nhờ chủ động chăm sóc, tưới nước và bón phân phù hợp cho lúa nên ruộng lúa phát triển khá tốt và ít sâu bệnh. Tuy nhiên, dự báo chi phí sản xuất lúa vụ này sẽ tăng cao so với vụ đông xuân do nông dân phải tốn thêm chi phí bơm nước và phải tăng lượng phân bón vì vụ này đồng ruộng không được nước lũ bồi bổ phù sa như vụ đông xuân vừa qua.
Cần thăm đồng thường xuyên
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết, vụ hè thu năm nay, toàn thành phố xuống giống gần 72 ngàn ha, chủ yếu là các giống lúa chất lượng cao để phục vụ liên kết với doanh nghiệp và xuất khẩu như OM 5451, OM 18, OM 380, Ðài thơm 8… Hiện lúa đang ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh đến làm đòng, trổ và sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên, nông dân không được chủ quan mà cần thăm đồng thường xuyên để chủ động chăm sóc, bảo vệ lúa để có một vụ mùa như kỳ vọng.
Ông Nghiêm khuyến cáo, để sản xuất thắng lợi vụ hè thu, các địa phương và nông dân cần tiếp tục quan tâm theo dõi sát đồng ruộng và diễn biến của thời tiết cũng như sâu bệnh nhằm chủ động chăm sóc, bảo vệ lúa. Ðặc biệt, để giảm chi phí sản xuất trong điều kiện trời nắng nóng và thủy cấp ở mức thấp, bà con phải thường xuyên sử dụng máy bơm để tưới nước cho lúa, điều tiết nước gắn với chu kỳ bón phân.
Bên cạnh đó, có thể áp dụng giải pháp tưới ngập - khô xen kẽ, hạn chế phân bón thất thoát do bốc hơi. Thực hiện bón phân cân đối, tránh bón thừa phân đạm và chú ý bổ sung các chất trung, vi lượng như silic, canxi… để cây lúa chắc khỏe, cứng cây, ít bị đổ ngã.
Các trà lúa hè thu bước vào giai đoạn trổ đòng và gặp thời tiết mưa nắng đan xen dễ có nguy cơ bùng phát các loại dịch hại như bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, chuột… nên cần phải chủ động phòng trừ. Lưu ý sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng” và không sử dụng các loại hóa chất độc hại và xung điện để diệt chuột. Song song đó, ngành chức năng tại các địa phương cùng nông dân và các HTX cần tiếp tục tăng cường kết nối với các doanh nghiệp và thương lái để chủ động thu hoạch và tiêu thụ lúa kịp thời.
Theo UBND huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ), toàn huyện có tổng diện tích sản xuất lúa trên 25.000ha. Với diện tích canh tác này, hằng năm Vĩnh Thạnh có trên 17.000ha tham gia thực hiện dự án VnSAT tại 6 xã, thị trấn, trên 14.000ha áp dụng kỹ thuật canh tác tiến bộ “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”. Bên cạnh đó, hằng năm huyện Vĩnh Thạnh cũng có trên 80% diện tích sản xuất lúa tham gia cánh đồng lớn, sản xuất lúa chất lượng cao…
Để tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” TP Cần Thơ tham gia 50 ngàn ha, riêng huyện Vĩnh Thạnh đã xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện đến năm 2024 sẽ tham gia Đề án với tổng diện tích 13.000ha, năm 2025 có tổng diện tích tham gia 18.000ha và đến năm 2030 sẽ có gần 20.000ha… Đây là diện tích góp phần cùng TP Cần Thơ thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”.