| Hotline: 0983.970.780

Nhếch nhác cảng cá

Cảng cá thiếu kinh phí cải tạo nên phải đề xuất cho doanh nghiệp thuê

Thứ Năm 24/03/2022 , 11:13 (GMT+7)

Hạ tầng xuống cấp nhưng thiếu kinh phí cải tạo, nâng cấp, một địa phương ở Thanh Hóa đã đề xuất cho doanh nghiệp thuê cảng cá.

Cảng cá Hoằng Phụ được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng hiện chỉ có những con tàu nhỏ có thể neo đậu. Ảnh: Võ Dũng.

Cảng cá Hoằng Phụ được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng hiện chỉ có những con tàu nhỏ có thể neo đậu. Ảnh: Võ Dũng.

Không có kinh phí nạo vét

Một ngày tháng 3, chúng tôi có mặt tại cảng cá Hoằng Phụ, huyện Hoàng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Đầu giờ sáng nhưng chỉ có khoảng chục chiếc tàu công suất nhỏ mắc cạn dưới bến cảng. Một vài ngư dân đang sửa soạn lại ngư lưới cụ để chuẩn bị ra lộng đánh cá.

Bên trên cảng, hạ tầng được xây dựng gồm một dãy nhà quản lý 3 tầng, hệ thống nhà vệ sinh, khu vực trao đổi, mua bán cá có mái lợp nhưng tất cả đều cũ kĩ, im lìm.

Ông Nguyễn Bá Tuấn, người được UBND xã Hoằng Phụ thuê trông coi cảng cá cho biết, cảng hiện hoạt động bình thường, hàng ngày tàu thuyền ra vào đều, trên bến hoạt động trao đổi, mua bán cá vẫn náo nhiệt mỗi khi tàu về.

Tuy nhiên, tìm hiểu kỹ mới biết, cảng cá Hoằng Phụ thực chất chỉ là nơi tránh trú, neo đậu của các tàu công suất nhỏ. Nhà vệ sinh hai bên cảng từ lâu đã được khóa trái. Nhà điều hành không còn một vật dụng gì, cửa đóng then cài, công trình phụ bị dỡ đi hết. Ngay đến cả điện sáng, do không nộp tiền điện cũng bị ngành điện cắt từ lâu. Chừng đó đủ thấy, cảng cá Hoằng Phụ đã từ lâu không còn hoạt động náo nhiệt như lời ông Tuấn nói.

Theo thông tin từ Chi cục Thủy sản Thanh Hóa, cảng cá Hoằng Phụ được đầu tư xây dựng năm 2014 với diện tích mặt nước 1,56ha, quy mô cầu cảng 120m đáp ứng tàu cá ra vào đến 80 lượt/300CV. Tháng 3/2017, cảng được bàn giao cho huyện Hoằng Hóa quản lý vận hành.

Những năm đầu cảng cá đã phát huy được hiệu quả, nhưng thời gian gần đây luồng lạch, vùng nước trước cảng bị bồi lấp khiến tàu cá ra vào rất khó khăn. Vì vậy, UBND xã Hoằng Phụ, đơn vị được giao trực tiếp quản lý cảng không có nguồn thu để phục vụ quản lý, duy tu bảo dưỡng, nạo vét luồng, vùng nước trước cảng.

Trước tình hình đó, UBND huyện Hoằng Hóa đã đề xuất cho doanh nghiệp thuê, khai thác sử dụng cảng cá Hoằng Phụ và đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương, hiện đang lựa chọn nhà thầu thuê.

Do không có kinh phí nạo vét, hoạt động èo uột, UBND huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa đang đề xuất cho doanh nghiệp thuê cảng cá Hoằng Phụ. Ảnh: Võ Dũng.

Do không có kinh phí nạo vét, hoạt động èo uột, UBND huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa đang đề xuất cho doanh nghiệp thuê cảng cá Hoằng Phụ. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ cho biết, dự án cảng cá Hoằng Phụ do Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn 42 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, công trình được giao cho địa phương quản lý.

Hoạt động được một thời gian, cảng cá này bị bồi lắng, địa phương không có kinh phí để nạo vét nên hiện chỉ có các tàu nhỏ ra vào được mỗi khi thủy triều lên. Bên cạnh đó, hậu cần nghề cá không phát triển, dịch vụ xăng dầu không có khiến tàu thuyền không còn ra vào nhiều ở khu vực cảng này. Nhiều hạng mục công trình hiện đã xuống cấp nhưng không có kinh phí sửa chữa, duy tu nên xã chỉ còn cách thuê người trông coi.

“Đa phần người dân Hoằng Phụ sống bằng nghề đi biển. Việc cảng cá không thể hoạt động như thời gian vừa qua khiến người dân rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn. Chúng tôi mong cảng cá được nạo vét khơi thông, được đầu tư phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá để tàu thuyền của ngư dân dân thuận tiện ra vào cảng”, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ bày tỏ mong muốn.

Cảng cá Lạch Hới bị bồi lắng khiến tàu thuyền ra vào rất khó khăn. Ảnh: Võ Dũng.

Cảng cá Lạch Hới bị bồi lắng khiến tàu thuyền ra vào rất khó khăn. Ảnh: Võ Dũng.

Duy tu, bảo dưỡng nhỏ giọt

Sau hàng chục năm được đầu tư xây dựng nhưng kinh phí duy tu bảo dưỡng, nâng cấp nhỏ giọt, hạ tầng cảng cá tại Thanh Hóa đã xuống cấp nghiêm trọng. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động của tàu thuyền cũng như ảnh hưởng lớn đến hoạt động nghề cá và đời sống ngư dân.

Cảng Lạch Hới (TP. Sầm Sơn) được xây dựng năm 2002, cho phép các tàu có công suất tối đa 300 CV có thể cập cảng. Tuy nhiên, sau 20 năm sử dụng, hiện cảng Lạch Hới chưa một lần được đầu tư sửa chữa, nạo vét khiến cảng bị bồi lắng, tàu thuyền ra vào hết sức khó khăn.

Theo khảo sát của Ban Quản lý Cảng cá Lạch Hới, đến thời điểm hiện tại, tình trạng bồi lắng diễn ra nghiêm trọng, có khu vực khi triều kiệt, mức nước còn 0,8m, chỉ đáp ứng cho tàu công suất nhỏ dưới 50 CV, đặc biệt, khu vực phía cửa âu đất đã nổi thành bãi.

Ông Lê Văn Hân, cán bộ cảng cá Lạch Hới cho hay, thời điểm xây dựng, cảng chỉ đủ cho tàu 300 CV ra vào cảng. Tuy nhiên, hiện nay đa phần các tàu đều có công suất lớn hơn 400 CV, thậm chí hàng nghìn CV. Vì vậy, chỉ khi thủy triều lên cao các tàu lớn mới có thể cập cảng. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho việc quản lý, điều hành của ban quản lý cảng.

Cũng theo ông Hân, do cảng bị bồi lắng nên số lượng tàu cập cảng hàng năm giảm nhiều so với trước đây. Sản lượng hàng bốc qua cảng thời kỳ trước đạt 15 - 20 nghìn tấn/năm nhưng hiện chỉ còn khoảng 4,5 nghìn tấn/năm. Hải sản qua cảng ngày càng thưa dần cũng khiến cho các hoạt động khác như trao đổi buôn bán, dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến hải sản ngày càng lắng xuống.

Theo thông tin từ Chi cục Thủy sản Thanh Hóa, địa phương này hiện có 3 cảng cá do Sở NN-PTNT quản lý. Trong số này, cảng cá Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc) được đầu tư xây dựng năm 2007 và đưa vào khai thác, sử dụng năm 2011.

Cảng cá Lạch Bạng gồm hai cảng nhỏ: Cảng cá Hải Thanh xây dựng năm 1998, đưa vào hoạt động năm 2004; cảng cá Hải Bình xây dựng năm 2009 và đưa vào khai thác sử dụng năm 2013. Đến nay, cả 3 cảng cá do Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa quản đều xuống cấp, bồi lắng cần nguồn kinh phí rất lớn để nâng cấp, duy tu, sửa chữa.

Ngoài ra, Thanh Hóa hiện có 4 cảng cá do các địa phương quản lý. Trong đó, cảng cá Hoằng Trường (Hoằng Hóa), cảng cá Quảng Nham (Quảng Xương) chưa có hệ thống tin cập rời cảng, hệ thống giám sát tàu cá tại cảng, theo dõi sản lượng, không đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác tại cảng,....

Các cảng này cũng chưa đáp ứng cho gia tăng, phát triển tàu cá lớn, chưa có cầu cảng, nhà điều hành, nhà phân loại, hệ thống điện, nước, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống phòng cháy chữa cháy,... rất khó khăn cho tàu cá ra vào. Những cảng này hiện phần lớn không đáp ứng được các quy định mới của Luật Thủy sản 2017 và các quy định về chống khai thác IUU.

Hạ tầng cảng cá xuống cấp, bị bồi lắng nhưng số lượng tàu cá trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh cả về số lượng và quy mô. Năm 2010, toàn tỉnh có 760 tàu công suất từ trên 90CV đến 400CV đến nay có 2.152 tàu có chiều dài từ 12m trở lên, có tàu công suất trên 1.000CV. Điều này dẫn đến các cảng cá quá tải, từng cảng chỉ đủ cho 10 - 35 tàu vào làm hàng cùng lúc.

Không khí trao đổi hải sản trầm lắng tai một góc cảng cá Lạch Hới. Ảnh: VD.

Không khí trao đổi hải sản trầm lắng tai một góc cảng cá Lạch Hới. Ảnh: VD.

Mặt khác, do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bão lũ xảy ra thường xuyên đất phù sa từ thượng nguồn đổ ra các cửa lạch, làm cho luồng lạch vào cảng ngày càng bị bồi lắng. Vùng nước ở trước cảng bị bồi lấp, khi thủy triều thấp độ sâu là 0,5 - 1,2m không đảm bảo cho tàu ra vào, tàu chờ lâu, gây ùn tắc, nguy cơ mất an toàn, tiêu tốn nhiên liệu, giảm chất lượng sản phẩm.

Thời gian qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thiện đề xuất dự án đầu tư báo cáo Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương triển khai 2 dự án đầu tư, nâng cấp, mở rộng cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Trong đó, các cảng cá Lạch Trường (Hậu Lộc) và cảng cá Hoằng Trường (Hoằng Hóa) cần nguồn vốn dự kiến 255 tỷ đồng. Cảng cá Lạch Hới (TP. Sầm Sơn) và và cảng cá Hải Thanh (TX Nghi Sơn) cần nguồn vốn đầu tư dự kiến 385 tỷ đồng.

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm