| Hotline: 0983.970.780

Cầu trên 50 tỷ đồng ‘nằm chờ’... đường dẫn

Thứ Ba 27/04/2021 , 06:56 (GMT+7)

Đầu tư xây cầu Trà Đình tới hơn 50 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Cầu xây xong nhưng thiếu đường dẫn nên không thể sử dụng...

Phần thân cầu Trà Đình đã hoàn thiện nhưng vẫn phải 'nằm chờ' đường dẫn. Ảnh: L.K.

Phần thân cầu Trà Đình đã hoàn thiện nhưng vẫn phải "nằm chờ" đường dẫn. Ảnh: L.K.

Thôn Trà Đình 2 (xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) có khoảng 60 hộ dân sinh sống. Để sang được thôn này thì phải vượt qua con sông Ly Ly. Những năm trước, người dân trong vùng thường qua lại bằng đò hoặc cầu phao tạm. Vậy nên, mỗi khi mùa mưa lũ đến thì việc di chuyển của các hộ dân nơi đây gặp rất nhiều nguy hiểm.

Đến năm 2017, nghe tin dự án xây dựng cầu Trà Đình bắc qua sông Ly Ly để phục vụ nhu cầu đi lại cho bà con, người dân trong thôn ai nấy đều vui mừng. Vì lợi ích chung, nhiều người dân trong vùng dự án đã hiến đất đai, ruộng vườn, cây cối để thuận lợi cho các đơn vị thi công nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ thực hiện.  

Cầu được xây dựng cao hơn mặt đường khoảng 6m trong khi chưa có đường dẫn nên gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Ảnh: L.K.

Cầu được xây dựng cao hơn mặt đường khoảng 6m trong khi chưa có đường dẫn nên gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Ảnh: L.K.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, dự án cầu Trà Đình có tổng kinh phí đầu tư thi công hơn 51,8 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của UBND tỉnh Quảng Nam và phần vốn đối ứng từ UBND huyện Quế Sơn hơn 8 tỷ đồng. Qua đấu thầu, Công ty Thanh Sơn (Nghệ An) là đơn vị trúng thầu với giá trị xây lắp hơn 34,59 tỷ đồng.

Năm 2018, dự án bắt đầu triển khai thực hiện, dự kiến đến khoảng tháng 6/2020 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đến nay, công trình đã cơ bản hoàn thành phần thân cầu, còn lại đường dẫn 2 phía vẫn chưa triển khai khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn.  

Chị Đồng Thị Bảy (trú thôn Trà Đình 2, xã Quế Phú) cho biết, vì làm nghề buôn bán nên ngày chị phải đi qua cầu Trà Đình rất nhiều lần. Do cầu làm cao hơn mặt đường đến hơn 6m nên rất khó đi, dễ bị vấp ngã.

“Mùa nắng còn đỡ, đến mùa mưa nước dâng lên, đường trơn trượt. Chỉ cần không cẩn thận một chút là bị tai nạn ngay. Vì cầu cao quá nên những người lớn tuổi hầu như cứ đi được 1 đoạn lại phải dừng lại nghỉ chân. Mùa mưa thì hầu như ngày nào cũng có người bị trượt ngã”, chị Bảy kể.

Địa phương đổ tạm đất và đá cấp phối ở đường dẫn 2 bên mố cầu. Tuy nhiên vào mùa mưa lũ rất có khả năng sẽ bị xói lở. Ảnh: L.K.

Địa phương đổ tạm đất và đá cấp phối ở đường dẫn 2 bên mố cầu. Tuy nhiên vào mùa mưa lũ rất có khả năng sẽ bị xói lở. Ảnh: L.K.

Ông Hồ Đi (trú thôn Trà Đình 2, xã Quế Phú) cho hay, lúc mới làm xong cầu thì do cao hơn mặt đường nên không thể đi được. Sau đó phía huyện Quế Sơn xuống kiểm tra và đổ mấy xe đất để đi tạm. Tuy nhiên, mưa lụt vào năm ngoái khiến cho đường đất tạm dẫn lên cầu bị xói lở.

“Mấy tháng trước, xã cũng cho xe tải đến tiếp tục đổ lên một lớp đá cấp phối. Bây giờ việc đi lại cũng đỡ hơn nhưng đến mùa mưa lũ thì không biết thế nào. Chúng tôi rất mong các ngành chức năng sớm triển khai làm đường dẫn để người dân có thể yên tâm qua lại”, ông Đi chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Anh Mười, Chủ tịch UBND xã Quế Phú, dự án cầu Trà Đình có 2 giai đoạn. Hiện nay đã hoàn thành giai đoạn 1 là xây dựng phần thân cầu. Còn giai đoạn 2 là làm đường dẫn thì vẫn chưa triển khai được. Khu vực này là vùng lũ, phải xây dựng cầu cao để tránh ngập nên dẫn đến việc làm đường dẫn rất phức tạp.

“Theo như dự toán thiết kế của huyện, kinh phí làm đường dẫn phải mất từ 16 – 17 tỷ nữa. Mấy lần họp Huyện ủy mở rộng và HĐND huyện thì chúng tôi cũng đã có trao đổi về việc nhanh chóng làm đường dẫn lên cầu Trà Đình. Tuy nhiên, do huyện cũng đang gặp khó khăn về kinh phí nên sẽ tiếp tục xin Bộ Giao thông Vận tải, Sở giao thông sớm hoàn thiện đường dẫn này”, ông Mười nói.

Ông Triệu Ngọc Chi, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Quế Sơn cho biết, cầu Trà Đình có chiều dài 120m, đã xây dựng hoàn thành và được sở giao thông vận tải kiểm tra, nghiệm thu kỹ thuật để bàn giao đưa vào sử dụng. Còn phần đường dẫn phía Nam và phía Bắc, theo quyết định phê duyệt dự án sẽ thược hiện từ nguồn đối ứng của huyện.

“Về phía trách nhiệm của chủ đầu tư, chúng tôi cũng đã phối hợp với đơn vị thi công để đổ đất kéo dài thêm đường dẫn từ mố cầu phía Bắc và Nam. Đồng thời phía trên mặt đường đổ thêm 1 lớp đá dăm cấp phối để tạo điều kiện cho việc đi lại của người dân mà chủ yếu là các phương tiện thô sơ. Còn xe cộ, máy móc lớn không đi lại được. Về lâu dài, lãnh đạo huyện cũng đã làm việc với tỉnh đề nghị tỉnh có hỗ trợ thêm kinh phí để tục hoàn thiện đường dẫn 2 phía”, ông Triệu Ngọc Chi, Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Quế Sơn.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.