| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi dê, cừu Ninh Thuận trước thách thức mới [Bài 3]: Xây dựng chuỗi liên kết

Thứ Tư 18/10/2023 , 15:17 (GMT+7)

Trước những khó khăn ngành chăn nuôi dê, cừu đối diện, tỉnh Ninh Thuận chủ trương xây dựng các chuỗi liên kết để giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm đặc thù này.

Sản phẩm thịt dê, cừu hiện nay bán ra thị trường chỉ đơn thuần còn nguyên con, thịt tươi sống, chưa có sản phẩm dê, cừu qua chế biến để khách hàng lựa chọn. Ảnh: Phương Chi.

Sản phẩm thịt dê, cừu hiện nay bán ra thị trường chỉ đơn thuần còn nguyên con, thịt tươi sống, chưa có sản phẩm dê, cừu qua chế biến để khách hàng lựa chọn. Ảnh: Phương Chi.

Liên kết lợi cả đôi đường

Hiện, Ninh Thuận chưa có doanh nghiệp lớn thu mua, chế biến sản phẩm chăn nuôi đê, cừu. Do vậy, dê, cừu đến giai đoạn xuất chuồng người chăn nuôi chỉ bán cho thương lái và giá cả do thương lái quyết định.

Việc sơ chế, chế biến thịt dê, cừu chưa phát triển, người tiêu dùng chủ yếu sử dụng dưới dạng thịt tươi. Riêng thịt dê, cừu chủ yếu xuất bán vào TP. HCM, Hà Nội và một số tỉnh lân cận… một số ít tiêu thụ tại các quán ăn, nhà hàng trong tỉnh.

Ông Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận cho biết, sản phẩm thịt dê, cừu bán ra thị trường chỉ đơn thuần là nguyên con, thịt tươi sống, chưa có sản phẩm dê, cừu qua chế biến để khách hàng lựa chọn.

Việc tiêu thụ dê, cừu của các hộ chăn nuôi ở Ninh Thuận phụ thuộc chính vào thương lái. Chính vì vậy, để ngành chăn nuôi dê, cừu Ninh Thuận phát triển hiệu quả, việc xây dựng chuỗi liên kết giữa cơ sở giết mổ với các hộ chăn nuôi là rất cần thiết.

Theo đó, thời gian qua tại Ninh Thuận đã hình thành một số chuỗi liên kết. Các hộ chăn nuôi tham gia chuỗi liên kết được các sở kinh doanh giết mổ đầu tư ban đầu về con giống, thức ăn, giúp người chăn nuôi khỏi lo về kinh phí mua con giống và đến kỳ xuất chuồng sẽ thu mua lại.

Anh Tô Công Trang, khu phố 10, thị trấn Phước Dinh, huyện Ninh Phước đã liên kết với Công ty TNHH Nhật Thành Food để nuôi dê, cừu. Khi tham gia với Công ty, anh Trang được cung cấp con giống, kỹ thuật và bao tiêu đầu ra.

"Nhờ được đầu tư con giống và bao tiêu đầu ra với mức gia ổn định, có lãi nên chúng tôi không còn phải bận tâm đến dê, cừu có bán được hay không và rất yên tâm đầu từ chăn nuôi. Tham gia chuỗi liên kết chúng tôi chỉ cần đầu tư chuồng trại, thuốc thú y. Sau thời gian nuôi 4 - 5 tháng, trọng lượng bình quân 28 - 40kg/con và bán cho công ty. Làm cách này rất hiệu quả, sau khi trừ hết chi phí, người nuôi lãi từ 500.000 -1 triệu đồng/con, tùy giá thị trường cao hay thấp”, anh Tô Công Trang chia sẻ.

Cũng theo anh Trang, so với cách làm truyền thống, cách này hiệu quả hơn, thời gian nuôi rút ngắn, dê, cừu tăng trọng nhanh, ít dịch bệnh, có nơi tiêu thụ, đồng thời tận dụng nguồn phân để bón cho cỏ, hoặc bán bán để tăng thêm thu nhập.

Việc xây dựng chuỗi liên kết giữa cơ sở giết mổ và người chăn nuôi mang hiệu quả hơn, giúp người chăn nuôi chủ động nguồn giống và được đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Ảnh: Phương Chi.

Việc xây dựng chuỗi liên kết giữa cơ sở giết mổ và người chăn nuôi mang hiệu quả hơn, giúp người chăn nuôi chủ động nguồn giống và được đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Ảnh: Phương Chi.

Là 1 trong 2 cơ sở giết mổ thực hiện chuỗi liên kết với người chăn nuôi trên địa bàn huyện Ninh Phước, chị Lê Thị Hoa, chủ Cơ sở giết mổ Đông Hoa (xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước) cho biết, hiện cơ sở đang đầu tư, liên kết với 100 hộ dân với số lượng dê, cừu hơn 1.000 con. Các hộ liên kết được cơ sở cung cấp con giống, thức ăn và được đảm cam kết đầu ra. Các hộ nuôi chỉ cần đầu tư chuồng nuôi, thú y…

“Các hộ chăn nuôi dê, cừu khi chưa tham gia chuỗi liên kết đầu ra không ổn định, khi thị trường ế sẽ rất khó khăn trong khâu tiêu thụ. Do đó, các hộ nuôi tìm đến những cơ sở đảm bảo đầu ra ổn định để liên kết, từ đó yên tâm sản xuất”, chị Hoa chia sẻ.

Chị Hoa chi biết thêm, việc liên kết với hộ dân đã giúp cơ sở giết mổ có nguồn hàng ổn định để kí kết các hợp đồng để cung cấp sản phẩm cho đối tác, cùng với đó giúp đảm bảo đầu ra ổn định cho người chăn nuôi. Điều này cho thấy, việc xây dựng chuỗi liên kết giữa cơ sở giết mổ và người chăn nuôi mang hiệu quả hơn, giúp người chăn nuôi chủ động nguồn giống và được đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Nhật Thành Food có 5 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao. Ảnh: Phương Chi.

Nhật Thành Food có 5 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao. Ảnh: Phương Chi.

Đã có sản phẩm OCOP 3 sao chế biến từ thịt dê, cừu

Hiện, trên địa bàn huyện Ninh Phước, Công ty TNHH Nhật Thành Food (thị trấn Phước Dân) là đơn vị xây dựng cơ sở giết mổ tập trung quy mô và hiện đại.

Để mở rộng thị trường tiêu thụ, Công ty đã xây dựng chuỗi liên kết với các hộ nuôi tại 4 huyện trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và đầu tư nhà máy giết mổ 19 tỷ đồng, với công suất 190 con/ngày. Nguồn cung và sản phẩm thịt gia súc trước và sau khi giết mổ tại đây được kiểm soát chặt chẽ của cơ quan thú y, sản phẩm được bảo quản đông lạnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để đa dạng hóa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, Nhật Thành Food đã chế biến thịt dê, cừu thành 13 sản phẩm. Sản phẩm được đóng gói thành nhiều trọng lượng khác nhau để người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn. Hiện Nhật Thành Food có 5 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao.

Sản phẩm chủ yếu là thịt cừu. Các sản phẩm thịt cừu của Nhật Thành Food được tiêu thụ chủ yếu ở thị trường trong nước. Hiện đã kí hợp đồng cung cấp sản phẩm cho hệ thống siêu thị Co.opmart.

Bà Trần Thị Minh, Giám đốc Công ty TNHH Nhật Thành Food cho biết: “Để có nguồn đầu ra ổn định cung cấp cho hệ thống siêu thị, hiện Công ty đang liên kết với nhiều trang trại trên toàn tỉnh. Các trang trại liên kết được đầu tư con giống, cung cấp thức ăn từ lúc bắt đầu thả nuôi đến khi xuất chuồng bán ra cho Công ty và được Công ty ký giá cố định 6 tháng 1 lần”.

Bên cạnh đó, Nhật Thành Food cũng đang ưu tiên phát triển sản phẩm thịt cừu để tiến tới xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, Malaysia. Bước đầu, các đối tác từ nước ngoài đã về địa phương để khảo sát, đánh giá. Nhật Thành Food đang chuẩn bị triển khai bước tiếp theo, xây dựng nhà máy riêng biệt, con giống, thức ăn theo tiêu chuẩn của phía đối tác.

Anh Trần Văn Thịnh, khu phố 10, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước là 1 trong những hộ nuôi dê, cừu tham gia vào chuỗi liên kết của Nhật Thành Food, hiện anh Thịnh đang nuôi hơn 300 con dê, cừu. Thời gian đầu, khi chưa tham gia chuỗi liên kết anh phải tự kiếm đầu ra, chủ yếu phụ thuộc vào thương lái nên giá cả bấp bênh.

Anh Thịnh cho hay: “Từ khi tham gia liên kết với cơ sở Nhật Thành Food, tôi được cơ sở cung cấp con giống, thức ăn, bao tiêu đầu ra với giá cả ổn định. Nhờ đó, tôi thu về lợi nhuận cao hơn, yên tâm chăn nuôi và sẽ tiếp tục mở rộng mô hình trong thời gian tới”.

Còn anh Lê Ngọc Hướng, thôn Trường Thọ, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước, hiện có 2 trang trại chăn nuôi dê, cừu với số lượng hơn 500 con.

“Việc anh tham gia vào chuỗi liên kết giúp anh giảm bớt áp lực về chi phí con giống, vật tư trong quá trình nuôi. Bên cạnh đó, với số lượng đàn dê, cừu hơn 500 con từ trang trại của anh giúp Nhật Thành Food có nguồn nguyên liệu ổn định để đáp ứng cho cơ sở của mình”, anh Lê Ngọc Hướng nói.

Ninh Thuận khuyến khích sản xuất, chăn nuôi dê, cừu theo chuỗi giá trị và kinh tế tuần hoàn. Ảnh: Phương Chi.

Ninh Thuận khuyến khích sản xuất, chăn nuôi dê, cừu theo chuỗi giá trị và kinh tế tuần hoàn. Ảnh: Phương Chi.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận, để phát triển sản xuất chăn nuôi dê, cừu theo hướng an toàn, hiệu quả, nâng cao giá trị, ngành nông nghiệp khuyến khích sản xuất, chăn nuôi dê, cừu theo chuỗi giá trị và kinh tế tuần hoàn. Các chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi (cung cấp con giống, thức ăn, thuốc thú y và bao tiêu sản phẩm) theo hướng tập trung, giết mổ, chế biến, tiêu thụ nhằm tạo chuỗi liên kết trong sản xuất chăn nuôi, tiêu thụ và định hướng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cũng được các ngành chức năng chú trọng.

Bên cạnh đó, Nhà nước có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất chăn nuôi, giết mổ, chế biến tiêu thụ sản phẩm dê, cừu có điều kiện đầu tư, liên kết với các trang trại, hộ chăn nuôi đảm từ khâu đầu vào đến đầu ra tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả; đặc biệt là chuỗi liên kết chăn nuôi khép kín.

Theo ông Phan Đình Thịnh, địa phương tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư liên kết chăn nuôi, bao tiêu sản phẩm cho nông dân, tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho nhân dân sản xuất từng loại vật nuôi; đầu tư xây dựng hình các cơ sở chế biến, chế biến sâu thịt dê, cừu trên địa bàn tỉnh.

Công ty TNHH Nhật Thành Food thực hiện giết mổ và sơ chế sản phẩm thịt dê, cừu tươi đóng gói ra thị trường là sản phẩm đặc thù của tỉnh Ninh Thuận và đăng ký sản phẩm thịt dê, cừu được chứng nhận là sản phẩm OCOP; được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Dê Ninh Thuận” do Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp ngày 5/5/2023. 

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.