| Hotline: 0983.970.780

Cháu nên soát xét lại mình

Thứ Ba 24/09/2013 , 10:18 (GMT+7)

Yêu chồng là phải “yêu cả tông chi họ hàng”. Cháu nên soát xét lại mình. Chồng có hiếu, chồng hiền nên mới để yên như vậy.

Cô kính mến!

Từ thành phố, cháu theo chồng về sống ở một thị xã nhỏ, do công việc đặc cách của anh ở Sài Gòn kết thúc. Cháu là con gái đầu lòng, dưới cháu chỉ có em trai thôi nên mẹ cháu rất đau lòng khi cháu phải “đi ngược” như vậy.

Đứa con thứ hai ra đời, cuộc sống xa mẹ dần rồi cũng quen. Mẹ cháu dù có muốn theo giúp cháu cũng không thể. Má chồng lại ở quê, cách chỗ vợ chồng cháu tới 60 cây số.

Không biết chuyện má chồng ở xa là may hay là không may, mẹ cháu dạy cái gì cũng có hai mặt, xa thì không va chạm, gần thì được chăm sóc nhưng cũng phải coi chừng nọ kia. Mẹ cháu là dân thành phố mấy đời, bà hiểu biết và rất để tâm đến quan hệ, cư xử.

Nhưng đã sợ mà rồi vẫn không tránh khỏi. Má chồng cháu là góa phụ từ hồi còn trẻ, ở vậy nuôi ba đứa con khôn lớn. Nhà có vườn có ruộng nhưng đất trong kênh nhỏ nên kinh tế èo uột triền miên.

Chồng cháu là con trai đầu, một em gái có chồng ở trong xã, còn vợ chồng cô em út ở chung với má. Cuộc sống của má cháu tạm ổn, là con trai cả, chồng cháu luôn làm nghĩa vụ với má trong những ngày giỗ ba, giỗ ông bà nội hay lễ hay tết.

Ngay từ lần đầu tiên về quê chồng sau đám cưới ít lâu cháu thấy mình không thể thuộc về nơi đó. Cháu thấy sinh hoạt của nhà chồng và bà con xóm ấp thật lạc hậu, kỳ cục.

Nhà nền xi măng, sân đất, không có toa-lét chỉ có cầu cá, mọi thứ xả xuống kênh rồi múc nước đó lên tắm giặt, nấu ăn. Sau đó thì chồng cháu đem tiền về đầu tư giếng nước và toa-lét nhưng cháu cứ bị ám ảnh cảnh vịt chết, heo chết thả trôi lềnh bềnh trên kênh và muỗi mòng, đom đóm rợn óc.

Cháu ít về quê cùng với chồng, chỉ vì đường sá lặn vặn, hai đứa con khi tụi nó nhỏ thì sông nước không an toàn, lúc chúng lớn lên thì lúc nào cháu cũng phải đưa đón đi học chính, học thêm. Cháu biết má chồng rất buồn, hai cô em chồng thì lạnh lẽo ra mặt.

Chuyện đến tai cháu những lời nặng nề từ mấy người bà con ở quê ra tá túc chỗ cháu khám bệnh hay đưa con đi thi. Mẹ cháu rất phiền lòng vì cháu không chiếm được tình thương của nhà chồng.

Bây giờ thì má chồng cháu không mấy khi đến nhà chúng cháu nữa. Gần đây con của cô út bệnh, cô dượng đưa con lên nhưng ở nhờ nhà bà con khác chớ không tới chỗ cháu. Chồng cháu buồn nhưng không nói ra. Cháu có lỗi không cô và làm cách nào để chồng cháu vui đây cô?

Cô đừng in email của cháu.

Cháu thân mến!

Cô nhớ ngày trước, thời các anh bộ đội miền Bắc xuất hiện ở miền Tây xứ cô, họ ngại nhất chuyện gì cháu biết không? Là chuyện cầu cá tra, nước thải đổ ra sông ra kênh rồi nước đó lấy lên lắng phèn nấu ăn. Họ nói với cô họ cầm bàn chải đánh răng xuống bến sông đứng rất lâu mới dám vốc nước lên. Mãi mới quen được vì họ là dân ăn nước giếng mà.

Cô biết vùng sâu ở miền Tây rất nghèo, dân quê sinh hoạt tạm bợ, lạc hậu. Hồi cháu cưới chắc cũng đã hàng chục năm trước, đúng không? Nhưng giờ cũng đâu có nhích lên mấy, giao thông cách trở, học hành khó khăn, dân trí trũng thấp, làm ruộng làm rẫy chăn nuôi gì cũng bết bát thất thu, dân nghèo rớt mồng tơi.

Cô thấy, cô cảm và cô hiểu, cô cũng không thể trách cứ cháu nặng nề vì con gái Sài Gòn ăn trắng mặc trơn, về quê chồng đêm đêm sợ đủ thứ, sợ rắn sợ cóc, sợ tiếng ếch nhái ễnh ương, sợ cả con muỗi con đom đóm.

Nhưng nếu má chồng có mặt thì phải biết đền bù cho bà những thua thiệt của số phận bà. Cháu có chú ý nghĩa vụ và trong nghĩa vụ là tình thương và tình người không?

Có thể bà vụng, có thể bà không quen nhà tắm xịn, bà không thơm, bà không nói hay, bà dị ứng với tiện nghi, bà là hiện thân của sỏi đá, sình bùn. Và các con của cháu nữa, nó có hình ảnh nghèo khó của bà nội trong tim hay chúng cũng kín đáo hắt hủi bà?

Nói chung mọi cư xử đều có thông điệp, cái tình cái tâm ai cũng dễ thấy mà cái kỵ, cái chống càng dễ thấy hơn.

Yêu chồng là phải “yêu cả tông chi họ hàng”. Cháu nên soát xét lại mình. Chồng có hiếu, chồng hiền nên mới để yên như vậy. Em chồng gái là “giặc bên Ngô” nhưng cũng dễ cảm hóa, dễ gây thiện cảm và cũng dễ tâm tình chứ.

Hình như cháu đã để chuyện đã bời rời quá, lâu ngày thành thất lễ, thất thố và thất bại rồi. Nhưng con của cháu còn nhỏ, sợi dây nối nhà nội với nó còn chắc, nên đưa chúng thi thoảng về quê và nên mời cho được bà nội lên chơi từng lúc.

Đừng để chồng buồn không nói nên lời, tội cậu ấy và rồi hạnh phúc sẽ mong manh đi, đến lúc chuyện sẽ bục và vỡ.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất