| Hotline: 0983.970.780

Chính quyền xã vi phạm Luật Đê điều

Thứ Sáu 13/12/2019 , 09:23 (GMT+7)

UBND xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước, Bình Định) tổ chức thi công sửa chữa cống xả lũ và tường hộ lan công trình đê sông Gò Chàm trong khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của UBND tỉnh.

10-18-33_1
UBND xã Phước Hưng thi công đê Gò Chàm khi chưa được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận bằng văn bản.

Chẳng những thế, trong quá trình thi công, UBND xã Phước Hưng đã vi phạm Luật Đê điều khi tự ý điều chỉnh một số hạng mục.

Vào tháng 6/2018, UBND xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước) xin chủ trương cải tạo và sửa chữa kè đá trên sông Gò Chàm nhằm mở rộng giao thông trục đường chính của xã và được UBND huyện thống nhất. Tháng 11/2018, UBND huyện Tuy Phước có công văn gửi Sở NN-PTNT Bình Định xin chủ trương thực hiện công trình trên.

“Nhận công văn của UBND huyện Tuy Phước, chúng tôi đã đề nghị huyện này phải có sự thống nhất của TX An Nhơn về thi công công trình nhằm đảm bảo tiêu thoát lũ như hiện trạng, không gây ngập úng ở thượng lưu, sau đó trình Sở NN-PTNT xem xét”, ông Nguyễn Hữu Vui, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho hay.

Tuy nhiên, tại buổi làm việc vào ngày 5/1/2019, UBND TX An Nhơn không thống nhất với hồ sơ thiết kế, đồng thời yêu cầu UBND xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước) thuê đơn vị tư vấn khảo sát tính toán khả năng thoát lũ của đoạn sông với tần suất 10%, đề xuất giải pháp gia cố bờ đối diện đảm bảo không gây ngập úng phía thượng lưu.

Tuy nhiên, theo ông Dương Minh Tân, Chủ tịch UBND xã Phước Hưng, để tính toán tần suất 10% thì nguồn vốn thực hiện lớn, vượt quá khả năng của ngân sách xã, nên việc khảo sát tính toán không thực hiện được. Thay vào đó, xã đầu tư xây dựng công trình đê sông Gò Chàm, hạng mục sửa chữa cống xả lũ Tân Hội, tường hộ lan và đã được Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước đồng ý.

“Việc xây dựng công trình là rất cấp bách, vì trong các đợt lũ vào năm 2016 và 2017, các bụi tre phía bờ thuộc xã Nhơn An (TX An Nhơn) ngã xuống lòng sông đã làm lệch dòng chảy gây sập cống xả lũ và kè. Hơn nữa, việc xây dựng tường hộ lan tại đoạn cong dọc theo đê sông Gò Chàm sẽ đảm bảo an toàn giao thông, bởi đây là đoạn đường đường hẹp, nút cổ chai nguy hiểm”, ông Tân giải bày.

10-18-33_2
Tường hộ lan đê sông Gò Chàm.

Tháng 4/2019, UBND xã Phước Hưng tổ chức thi công công trình nói trên với kinh phí hơn 1,28 tỷ đồng. Sau khi UBND xã tiến hành thi công, vì lo ngại công trình này của xã Phước Hưng sẽ làm ảnh hưởng đến dòng chảy sông Gò Chàm nên UBND TX An Nhơn đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Định, Sở NN-PTNT đề nghị xem xét.

“Hiện có hơn 200 hộ dân ở thôn Tân Dân, xã Nhơn An đang sống dọc theo đê sông Gò Chàm, công trình của xã Phước Hưng đã làm ảnh hưởng đến đường thoát lũ, người dân sống dọc đê sông phía xã Nhơn An lo lắng nếu xảy ra lũ sẽ gây xói lở, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của họ”, ông Nguyễn Tấn Đức, Chủ tịch UBND xã Nhơn An, cho biết.

Trước sự việc trên, Sở NN-PTNT Bình Định đã lập đoàn thanh tra, kiểm tra công trình nói trên và kết luận UBND xã Phước Hưng thi công công trình trên mà chưa có sự chấp thuận bằng văn bản của UBND tỉnh, vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 28 Luật Đê điều.

Đồng thời, việc thi công xây dựng tường hộ lan dọc theo đê sông nhưng có đoạn mở rộng về phía sông Gò Chàm từ 0,5 - 1m đã gây cản trở dòng chảy và thoát lũ, vi phạm quy định tại Khoản 10, Điều 7 Luật Đê điều. Theo đó, Sở NN-PTNT Bình Định đã yêu cầu UBND xã Phước Hưng đình chỉ thi công.

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định vi phạm của UBND xã Phước Hưng trong việc thi công công trình nói trên đã rất rõ ràng. Ông Châu cũng cho biết UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Sở KH-ĐT, Sở Xây dựng, UBND huyện Tuy Phước và UBND TX An Nhơn kiểm tra, tính toán khả năng tiêu thoát lũ của đoạn sông trên sau khi xã Phước Hưng thực hiện công trình.

10-18-33_3
Bờ phía thôn Tân Dân, xã Nhơn An (TX An Nhơn) cần thi công khẩn cấp để bảo vệ tính mạng và tài sản của hơn 200 hộ dân.

“Chúng tôi đã chỉ đạo các ngành liên quan đề xuất giải pháp đảm bảo an toàn đê điều trong mùa mưa lũ, không để xảy ra sự cố do ảnh hưởng từ công trình. Nếu công trình gây ảnh hưởng xấu thì khôi phục lại nguyên trạng. Đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm, UBND tỉnh giao UBND huyện Tuy Phước căn cứ vào mức độ, tính chất vụ việc và quy định pháp luật để kiểm điểm trách nhiệm”, ông Châu kiên quyết.

“Nếu buộc phải trả lại nguyên trạng đê sông Gò Chàm thì sẽ gây lãng phí, không đảm bảo an toàn giao thông trên đoạn đường đã xây dựng tường hộ lan.

Do đó, chúng tôi đã đề nghị UBND tỉnh cho phép tồn tại công trình đã thi công xong; đồng thời sớm cho chủ trương đầu tư kè Tân Dân phía bờ đối diện thuộc xã Nhơn An (TX An Nhơn) ngay trong năm 2020.

Trước mắt, địa phương rà soát những đoạn xung yếu kè Tân Dân và có biện pháp đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão năm nay”, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho biết.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.