| Hotline: 0983.970.780

Chưa đền bù, công trình thủy lợi trăm tỷ bị dừng thi công

Chủ Nhật 14/05/2023 , 15:25 (GMT+7)

Công trình thủy lợi hàng trăm tỷ phải dừng thi công do các hộ dân vẫn chưa được đền bù để có chi phí tái đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống.

Dự án Hồ chứa nước Đăk Car đã thi công nhiều tháng nay nhưng vẫn chưa đền bù. Ảnh: Tuấn Anh.

Dự án Hồ chứa nước Đăk Car đã thi công nhiều tháng nay nhưng vẫn chưa đền bù. Ảnh: Tuấn Anh.

Dân chưa được đền bù, ruộng đất đã bị san ủi

Dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống hồ chứa nước Đăk Car (xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) do Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 118 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV Bảo Trân Kon Tum là đơn vị thi công, triển khai từ cuối năm 2022, dự kiến hoàn thành năm 2025. Khi đi vào hoạt động, dự án có mục tiêu tưới nước cho 200ha cây trồng trên địa bàn. Dự án dự kiến sẽ thu hồi 30ha đất của khoảng 33 hộ dân thôn Đăk Đe (xã Rờ Kơi).

Theo tìm hiểu được biết, để triển khai dự án sớm, chủ đầu tư đã phối hợp với các đơn vị liên quan thuyết phục người dân giao đất thực hiện dự án. Theo đó, chủ đầu tư cam kết sẽ bồi thường cho các hộ dân vào ngày 30/4.

Tuy nhiên, đến nay việc thống kê tài sản (cây cối, hoa màu) cũng như việc đo diện tích đất để áp giá đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn đang được Ban Quản lý dự án huyện Sa Thầy tổ chức thực hiện.

Chính vì chưa nhận được đền bù, nhiều hộ dân đang gặp rất nhiều khó khăn khi đất thì đã giao hết cho dự án, tiền chưa được nhận để tái đầu tư sản xuất.

Được biết, có 9 hộ trong thôn đã ký vào bản cam kết để thống nhất với nhà đầu tư việc bàn giao mặt bằng kèm theo bảng tính chi tiết kinh phí bồi thường hỗ trợ và tái định cư để dự án thi công trước. Tuy nhiên, đến ngày 30/4, người dân vẫn chưa nhận được tiền như cam kết. Sau đó, ngày 5/5, các đơn vị tiếp tục làm việc với 9 hộ này và đề nghị thanh toán 1 phần đền bù nhưng dân không đồng ý.

Ông A Pun (thôn Đăk Đe) bức xúc cho biết, “Gia đình có 1,3ha trồng cà phê ở vùng đập đã bàn giao hết cho dự án. Theo cam kết, số tiền đền bù tạm tính là 596 triệu đồng, sẽ thanh toán tiền vào ngày 30/4. Tuy nhiên, đến hạn gia đình vẫn chưa được chi trả. Nếu cứ kéo dài thời gian đền bù, gia đình không biết lấy gì mà ăn”, ông Pun cho biết.

Bức xúc hơn với gia đình ông A Chuy (thôn Đăk Đe) dù chưa cam kết giao đất những đã bị đơn vị thi công múc đất, san ủi.

“Gia đình có khoảng 4 sào đất trồng khoai mì, bời lời. Khoảng tháng 3, tôi phát hiện đơn vị thi công múc đất khoảng gần 1 sào. Thấy vậy, tôi qua chỗ thi công dự án phản ánh nhưng không gặp được đơn vị có trách nhiệm”, ông Chuy bức xúc.

Ông A Viêu, Trưởng thôn Đăk Đe cho biết, người dân không được nhận được tiền như cam kết nên bức xúc, không cho thi công trên đất của dân. Đất của dân đã san ủi làm dự án. Theo nguyên tắc, trước khi thi công phải đền bù cho dân.

Cũng theo ông Viêu, ngoài 9 hộ đồng ý giao đất nhưng không nhận được đền bù như cam kết, có 3 hộ dân khác chưa thống nhất đền bù, chưa giao đất nhưng khi thi công, nhà thầu đã múc đất.

Người dân bức xúc vì chưa được đền bù. Ảnh: Tuấn Anh.

Người dân bức xúc vì chưa được đền bù. Ảnh: Tuấn Anh.

Ngoài việc chưa đền bù, người dân cũng phản ánh về nguồn đất san lấp sử dụng công trình không rõ ràng. Ghi nhận thực tế cho thấy, tại vùng dự án, nhà thầu đã múc đất ở gần quả đồi đang trồng cây bời lời, sau đó chở xuống tập kết để làm phần đập. Phần đất được múc để làm dự án này nằm trên đất chưa đền bù cho 9 hộ dân trên.

Theo ông Trần Lệnh Tuyến, Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi cho biết, mỏ đất được khảo sát, thiết kế phục vụ dự án nằm ở thôn Đăk Kan (xã Rờ Kơi), cách vị trí đập dự án khoảng 6km. Việc nhà thầu múc đất tại các quả đồi gần dự án để thi công, nhà thầu có hồ sơ xin tận dụng đất này để đắp một phần thân đập.

Trong khi đó, đại diện Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết, khối lượng đất để đắp đập Đăk Car là khoảng 160.000m3. Trong đó, đất tận dụng là 78.000m3, còn lại là lấy tại mỏ bên ngoài xã. Mỏ lấy bên ngoài dự án này đang trong giai đoạn đề nghị UBND huyện bổ sung vào quy hoạch mỏ san lấp thông thường trước khi trình HĐND tỉnh.

Đến nay, mỏ này chưa được cấp phép. Hiện tại, đập đang thi công giai đoạn 1 nên đang tận dụng khối lượng đất đào tại móng tràn và hố móng chứ chưa lấy mỏ vật liệu bên ngoài. Về giấy phép tận dụng đất, đại diện chủ đầu tư cho biết, để hỏi cán bộ rồi trả lời lại nhưng nhiều ngày không thấy phản hồi.

Chủ đầu tư cam kết sẽ "mượn tiền" trả cho người dân

Liên quan đến việc chưa đền bù đã thi công, ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và phát triển nông thôn Kon Tum (chủ đầu tư) cho biết, để có mặt bằng sớm thi công, đơn vị đã cam kết đền bù cho người dân. Giá đền bù dự kiến được tính theo đơn giá đền bù cũ, sau này nếu đơn giá mới cao hơn thì sẽ đền bù tiếp cho dân.

“Chủ đầu tư tin tưởng đến thời hạn cam kết đền bù, đơn vị giải phóng mặt bằng sẽ có giá chính thức để đền bù. Tuy nhiên, việc tính toán giá đền bù chậm hơn dự kiến nên không thể trả tiền đúng hạn cho dân”, ông Tuấn phân trần.

Các hạng mục của dự án đang được triển khai. Ảnh: Tuấn Anh.

Các hạng mục của dự án đang được triển khai. Ảnh: Tuấn Anh.

Cũng theo ông Tuấn, trong 9 hộ ký cam kết đền bù, số tiền tạm tính sẽ là 3,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau này qua xác minh, có một số diện tích đền bù nằm trên phần đất sông, suối, không đủ điều kiện đền bù. Diện tích này đang được đơn vị giải phóng mặt bằng bóc tách ra khỏi diện tích đền bù nên sẽ rất lâu, cần thời gian.

Ông Tuấn khẳng định, để đảm bảo lời hứa khi cam kết với dân, mới đây chủ đầu tư đã làm việc với nhà thầu, thống nhất sẽ không chờ giá đền bù chính thức sắp tới, mà sẽ mượn tiền nhà thầu để trả đủ 3,6 tỷ đồng cho 9 hộ dân trước đó.

Nói về việc tận thu đất dự án để làm đập, theo ông Tuấn, trong thiết kế dự án, có tận thu khoảng 60.000m3 đất tại vị trí bên tràn. Tuy nhiên, để tận thu được thì nhà thầu phải làm giấy phép xin Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum. Thẩm quyền cấp giấy phép tận thu do Sở Tài nguyên và Môi tỉnh Kon Tum cấp. Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum chưa cấp giấy phép tận thu đất san lấp ở dự án để làm đập. Lý do vì nhà thầu chưa chịu xin dù chủ đầu tư đã nhắc nhở.

Về việc chưa được cấp giấy phép tận thu nhưng nhà thầu đã lấy đất để đắp đập triển khai dự án, ông Tuấn cho biết, về nguyên tắc, chưa xin giấy phép mà tận thu thì nhà thầu sẽ bị Sở TN-MT Kon Tum xử phạt. Đơn vị sẽ tiếp tục nhắc nhở nhà thầu xin giấy phép.

Ông Nguyễn Kim Thái, Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy cho biết, đơn vị đã yêu cầu dừng thi công dự án để tiến hành thủ tục đền bù cho dân. Hiện UBND huyện đã yêu cầu Ban Quản lý dự án huyện thẩm định, kê khai tài sản để áp giá đền bù cho người dân.“Vướng mắc nằm ở khâu kê khai đất bị chồng lấn nên chưa thể xác định vị trí đất cụ thể của từng hộ dân nên có sự chậm trễ. Hiện các phòng ban của huyện đang đi xác định lại vấn đề này để sớm tháo gỡ cho người dân”, ông Thái cho biết.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất