| Hotline: 0983.970.780

Chưa xác định được nguồn gốc chiếc bánh mì sandwich dương tính với ASF

Thứ Tư 20/02/2019 , 09:01 (GMT+7)

Ngày 19/2, trao đổi với PV NNVN về vụ việc Đài Loan vừa phát hiện một chiếc bánh mì sandwich của một hành khách đến từ TP.HCM dương tính với bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF), ông Huỳnh Tấn Phát - Phó Chi cục trưởng Chi Cục chăn nuôi và thú y TP.HCM cho biết, Chi cục đã lập tức tiến hành kiểm tra rà soát thông tin này…

Chưa xác định được  nguồn gốc chiếc bánh sandwich

Ông Huỳnh Tấn Phát cho biết: “Khi nhận được thông tin ngày 15/2/2019 nhà chức trách Đài Loan phát hiện một chiếc bánh mì sandwich của một hành khách đến từ TP.HCM dương tính với ASF, chúng tôi lập tức tăng cường kiểm tra rà soát. Tuy nhiên nước bạn chưa thông tin cụ thể về hành khách đến từ TP.HCM nên chúng tôi chưa xác định được nguồn gốc vì sao chiếc bánh mì sandwich dương tính với ASF”.

Tuy nhiên, để chủ động phòng ngừa, trong mấy ngày nay, Chi cục liên tục triển khai thông tin đến các hộ chăn nuôi và tăng cường giám sát tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn TP cũng như các nguồn heo nhập từ các tỉnh vào.

Cần chủ động siết chặt kiểm tra, giám sát, phòng chống dịch tả heo châu Phi (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, Chi cục tổ chức lấy mẫu đối với nguồn heo nhập để chủ động giám sát và phát hiện sớm, nếu có trường hợp heo nhiễm bệnh mà chưa có dấu hiệu lâm sàng xâm nhập vào địa bàn thành phố để xử lý kịp thời. “Vừa qua, chúng tôi có ghi nhận một số lô heo từ Vĩnh Phúc chuyển về TP.HCM để giết mổ, qua lâm sàng chưa phát hiện dấu hiệu gì, nhưng chúng tôi đã lấy mẫu giám sát để ngăn ngừa. Trên tinh thần đó, chúng tôi vận động các hộ chăn nuôi, hộ kinh doanh giết mổ phải thực hiện tiêu độc khử trùng để làm sạch môi trường; thực hiện các biện pháp an toàn sinh học ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm của dịch bệnh.

Chi cục cũng yêu cầu các hộ chăn nuôi phải khai báo, cung cấp thông tin cho cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương khi phát hiện có heo bệnh, heo chết bất thường để lấy mẫu giám sát.
 

Kịch bản đối phó khi TP.HCM xuất hiện ASF

Theo Chi cục chăn nuôi và thú y TP.HCM, mỗi ngày TP.HCM tiêu thụ khoảng 10.000 - 11.000 con heo

Hiện TP.HCM có 4.374 hộ chăn nuôi heo, với tổng đàn 301.061 con, trong đó có 278 hộ nuôi heo vận dụng thu gom thức ăn thừa tại các nhà hàng quán ăn để cho heo ăn, với tổng đàn 22.740 con tập trung tại các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi và Quận 12. Chính vì những nguy cơ trên nên khả năng xâm nhiễm mầm bệnh ASF vào thành phố trong thời gian tới là rất cao. Từ nhận định đó, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã xây dựng và ban hành kế hoạch hành động khẩn cấp phòng chống dịch tả heo châu Phi, trong đó xây dựng cả kịch bản ứng phó tình huống khi ASF xuất hiện tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố, cụ thể:

Không điều trị heo bệnh, heo nghi mắc bệnh dịch ASF.

Trường hợp 1 ổ dịch là cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, gia trại không có dãy chuồng riêng biệt: địa phương lần đầu tiên phát hiện heo bị bệnh dịch ASF buộc phải tiêu hủy toàn đàn trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh dịch ASF. Việc tiêu hủy cũng được áp dụng đối với các đàn heo xung quanh, liền kề với đàn heo dương tính nhưng chưa được lấy mẫu xét nghiệm.

Trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, trong vòng 48 giờ việc tiêu hủy có thể được áp dụng với đàn heo bị bệnh có triệu chứng lâm sàng của dịch bệnh ASF mà không nhất thiết phải chờ cho đến khi có kết quả xét nghiệm để nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát tán, lây lan diện rộng.

Đối với chăn nuôi trang trại số lượng lớn có nhiều dãy chuồng riêng biệt thì tiêu hủy toàn bộ heo trong trang trại; các dãy chuồng còn lại áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và lấy mẫu giám sát định kỳ. Nếu có nguy cơ lây nhiễm cao thì tiêu hủy toàn trang trại.

Hỗ trợ tài chính cho người chăn nuôi có heo buộc phải tiêu hủy theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Ngoài ra, kịch bản còn xây dựng tổng hợp các biện pháp khoanh vùng ổ dịch, biện pháp an toàn sinh học, biện pháp kiểm soát vận chuyển, biện pháp giám sát và cảnh báo dịch bệnh; đồng thời huy động cả hệ thống chính trị tham gia công tác phòng chống dịch ASF.

Theo Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) tính đến nay có khoảng 19 quốc gia báo cáo bệnh Dịch tả heo châu Phi. Tổng số heo bệnh là trên 372 nghìn con, số heo chết vì bệnh là trên 123 nghìn con, tổng đàn heo có nguy cơ, buộc phải tiêu hủy trên 840 nghìn con.

Còn tại Trung Quốc, ước tính có trên 73 ổ dịch xuất hiện tại 17 tỉnh với tổng cộng hơn 470 nghìn con heo các loại buộc phải tiêu hủy. Tại Trung Quốc, bệnh dịch ASF có chiều hướng lây lan đến các tỉnh phía Nam gần biên giới Việt Nam; đồng thời các hoạt động thương mại, du lịch của nhân dân các nước đã và đang có dịch bệnh, đặc biệt là cư dân các nước có đường biên giới giáp với Việt Nam thông qua các hoạt động vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm thịt heo, kể cả các sản phẩm thịt heo đã qua chế biến chín.

 

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.