| Hotline: 0983.970.780

Chuyện buồn lao động nông thôn: Bài ca tìm cuốc, tìm dép

Thứ Hai 18/05/2015 , 09:52 (GMT+7)

Một kg long vải đóng hộp, bốc lên container chỉ bán được 35.000đ trong khi riêng chi phí công bóc đã mất trên 30.000đ thua xa bán hàng tươi, lỗ ngay trong quá trình SX.

Chúng ta vẫn thường tự hào rằng Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng với đông người trẻ khỏe, rằng lao động ta vừa rẻ vừa cần cù. Nhưng thực tế lao động nông nghiệp hiện nay có được như thế?

Thấy người nhưng không thấy lòng

Một DN kinh doanh lương thực ở Hà Nội hăm hở xin với thành phố thuê diện tích đất rất lớn để trồng ớt XK. Toàn bộ lao động đều phải thuê người địa phương.

Hầu hết đó là những ông bà già không nhà máy, xí nghiệp nào chịu nhận vì đã quá tuổi. Đặc điểm chung là họ không thích khoán mà chỉ một mực ưa làm thuê kiểu công nhật, “tiền tươi, thóc thật” mỗi ngày.

Hè, sáng sớm mà không khí đã có phần oi ả. Mới bắt tay vào công việc chút có người đã bai bải: “Không biết đôi dép tôi để trên bờ đâu rồi nhỉ?”. Loanh quanh tìm kiếm một hồi dưới bóng cây… cho mát rồi quay ra làm một chốc, người đó lại kêu oai oái: “Không biết cái cuốc của tôi đâu rồi nhỉ?”.

Chắp tay sau lưng, lom dom tìm hết cánh đồng đến 11h người đó liền lấy cớ nghỉ trưa để về. Buổi chiều nhóm lao động lại tiếp tục “bài ca” tìm dép, tìm cuốc, tìm găng tay, tìm điếu cày... Thứ gì họ cũng tìm kiếm say sưa chỉ ngoại trừ mỗi… công việc được thuê.

Nhưng không thuê họ thì biết còn thuê ai trong khi thời vụ đang cận kề, trong khi hợp đồng đã ký với đối tác nước ngoài? Chủ DN trong lòng như có lửa.

Ông đành phải cầu cứu người quen là kĩ sư Đào Văn Hợi, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, từ Hải Dương lên giám sát. Có người đốc thúc nhưng không đứng gần đấy hoặc không nhắc liên mồm thì lao động cũng không làm mà có làm cũng rất chiếu lệ.

Đào hố trồng ớt đáng phải vốc đất mịn vào gốc cho cây êm rễ thì họ lại đặt những cục đất to tướng, lổn nhổn vào mà lèn.

Chăm sóc, đáng một gốc ớt phải tưới một gáo nước thì san sẻ tưới cho dăm ba gốc để người đi kiểm tra thấy ướt gốc là được, bất biết cây đang khát khô thế nào. Rãnh dưới mặt ruộng ướt, ngại đi vào lấm chân, có người còn xéo ngay trên mặt luống, dẫm cả lên cây.

Có buổi sáng ông Hợi kỳ công theo dõi một lao động xem cách thức tưới của người đó ra sao. Mương nước nằm cách ruộng độ hai chục bước chân. Cái ô doa dung tích 10 lít đáng mỗi tay xách một cái để tưới cho nhanh nhưng không bà này chỉ xách có một.

Khi múc bà đi thật chậm, thật chậm, cảm giác như sợ nước sẽ… đau nếu đập phải thành thùng. Quãng đường mươi mét từ mương nước đến luống rau cả xách, cả tưới bà mất đúng 15 phút. Cứ như thế, một buổi sáng với 4 giờ vàng ngọc, bà xách được 15 ô doa là vừa khít giờ nghỉ trưa trong khi sức ấy dư xách được hàng trăm.

“Nhiều công việc làm nông không thực sự cần đến sức khỏe mà vấn đề thuộc về ý thức lao động. Không có trách nhiệm với người thuê mình đã đành họ còn không có trách nhiệm chính cả với bản thân mình nữa”, ông Hợi nhận xét.

Không chấp nhận cảnh tượng ấy, ông Hợi về Hải Dương tuyển mộ một đoàn quân trồng rau chuyên nghiệp lên để cầm tay chỉ việc cho những nông dân kia thấy thế mà làm. Nhưng tình hình cũng không có gì thay đổi nên ông đành phải rút quân dù biết mười mươi là DN trồng rau kia chẳng chóng thì chầy sẽ “chết” với cách quản lý và sử dụng lao động như vậy.

Qua chuyện này ông đúc kết: “Kinh nghiệm xương máu khi làm nông nghiệp là không thuê đất khi không có quản lý tốt, nên liên kết theo dạng ký hợp đồng với nông dân để họ tự SX còn mình bao tiêu sản phẩm”.

Bộ môn Cây thực phẩm của Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm mỗi tháng mất khoảng 20 triệu tiền công thuê lao động giản đơn như cuốc đất, lên luống, tưới bón…

Người trẻ nhất cũng 45-47 tuổi còn không toàn trên 60 tuổi. Sáng sớm hay buổi trưa họ chăm lo cho SX tại gia đình mình, sức khỏe, trí lực tập trung hết cả ở đấy, từ 8-11h và 13-17h nhọc mệt rồi mới đến Viện làm thêm, hiệu quả rất kém.

Làm cho gia đình mình thì nhiệt tình, không phải nhắc còn làm thuê hễ chủ vắng mặt lại chây ì. Những DN thuê đất, thuê lao động để SXNN phần đa đều phá sản vì thế.

Ông Hợi bảo các mô hình chuyển giao vẫn là công việc thường xuyên mình phải làm trong đó lo nhất là công lao động. Nếu mô hình cần có những công việc cầu kỳ, tốn công thì dù có tốt mấy cũng thường thất bại.

Ví như khi triển khai mô hình phân bón Bồ Đề, yêu cầu kỹ thuật 1 vụ lúa phải phun 5-6 lần cây mới tốt nhưng ở miền Bắc làm như thế là hỏng hẳn vì chẳng ai dám theo. Giờ phải gộp lại phun chỉ 3 lần, 1 lót, 2 thúc thế mà nghe chừng cũng khó mà nhân rộng.

Đèn nhà ai, nhà nấy rạng

Bà Nguyễn Thị Mận, Giám đốc Cty Chế biến Nông lâm sản xuất khẩu Thanh Hà (Hải Dương) có thuê vài chục mẫu đất bãi cồn để trồng rau màu.


Bà Mận đang kiểm tra cây ăn quả

Lúc thuê người làm, bà giao hẹn: “Các ông bà nếu nhận khoán thích đi thì đi, thích về thì về lúc nào cũng được, cứ 1 sào/1 vụ trong 6 tháng là 30 ngày công. Một người có thể đảm đương 2-3 sào là sống khỏe rồi!”. Nghe đến đây, ai cũng dài môi ra mà bĩu: “Em chịu!”.

Họ không muốn chịu trách nhiệm cụ thể khi khoán mà cứ thích chung chung kiểu công nhật. Làm thì ít chống cuốc đứng nói chuyện, hút thuốc lào vặt thì nhiều. Ai làm tốt, làm chăm liền bị… mắng xơi xơi: “Của nhà mày đâu mà cắm đầu vào làm?”. “Chầm chậm thôi cho tao theo với chứ?”.

Có những người làm thuê đầu nghẹo lệch sang hẳn một bên để kẹp chiếc điện thoại di động vào giữa trong khi tay vẫn cầm cuốc, vừa bổ vừa a lô.

Đáng chỉ bỏ nửa lạng đạm một thùng nước tưới họ bỏ gấp năm gấp bảy. Ba ngày sau cây chun lá phải nhổ bỏ hết nhưng nào có sao đâu, đó là cây của chủ cơ mà? Đến kỳ thu hoạch, chục mẫu ớt chín đỏ bãi thì người làm thuê đồng loạt nghỉ. Khi cả chục tấn ớt rụng xuống làm phân xanh cho đất, bà Mận mới nhận được thông điệp từ nhóm làm thuê: Phải giảm mức giao từ 14kg/công xuống 10kg/công họ mới tiếp tục.

Bà ngậm ngùi: “Đó là tư duy đèn nhà ai nhà nấy rạng, chỉ biết mình chứ không biết người. Đáng làm tốt để Cty phát triển mình cũng có lương cao nhưng họ chỉ thích nhàn nhã để về nhà còn lao động”.

Ngoài rau màu, bà Mận còn mở thêm xưởng chế biến vải thiều XK đến vụ phải thuê 60-70 lao động bóc long. Trên 70 tuổi như bà bóc dư sức 10 kg long vải mỗi ngày nhưng khi khoán 8 kg cũng chẳng ai dám nhận mà chỉ thích làm công nhật với mức giao trung bình 3,5-4kg/ngày.

8h đủng đỉnh đến, cầm quả vải xoay xoay, bóc bóc thật chậm như sợ chúng…chóng mặt, 12h về. Một tổ mười người bóc lại phải có một người ngồi chơi rồi giám sát. Ngày công của người bóc 150.000đ nhưng công của người giám sát phải 200.000đ.

1kg long vải đóng hộp, bốc lên container chỉ bán được 35.000đ trong khi riêng chi phí công bóc đã mất trên 30.000đ thua xa bán hàng tươi, lỗ ngay trong quá trình SX. Biết là càng xuất càng lỗ nhưng không thể không làm vì khách Hàn Quốc yêu cầu hàng phải đa dạng, tươi có, chế biến có nên bà Mận ngậm ngùi chấp nhận “bán lạc kèm bia”.

Để XK phải SX theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng hàng đẹp nông dân thường bán ra ngoài còn hàng xấu mới bán cho xưởng. Đã thế họ còn độn quả sâu, quả mốc, quả thối vào giữa. Mỗi lần nhập cả chục tấn làm sao kiểm soát cho xuể?

Tuổi bà nào có còn ham hố chi chuyện làm giàu? Đồng lương hưu dư sức cho bà tiêu pha nhưng với ước mơ làm giàu cho quê hương, mang quả vải Thanh Hà tiếp thị với thế giới nên mỗi mùa bà cũng gắng xuất khoảng 15 container. Hàng đẹp còn có lãi chút ít, hàng xấu đành tự an ủi: “Thôi thì, nông dân mình nó thế!”

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hơn 300 cơ sở ở Thái Nguyên vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện hơn 320 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bình luận mới nhất