| Hotline: 0983.970.780

Có một 'hoang mạc' 200ha giữa tỉnh Bình Định

Thứ Năm 19/03/2020 , 08:37 (GMT+7)

Sau 11 năm xây dựng, Khu công nghiệp Hòa Hội giờ vẫn còn là 1 “hoang mạc”, lãng phí đến gần 200ha đất trong khi người dân ở đây không có đất canh tác.

Đất nông nghiệp thu hồi của người dân địa phương để xây dựng KCN Hòa Hội giờ vẫn là bãi đất hoang hóa. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đất nông nghiệp thu hồi của người dân địa phương để xây dựng KCN Hòa Hội giờ vẫn là bãi đất hoang hóa. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Những nông dân thất nghiệp

Khi Nhà nước có chủ trương xây dựng Khu Công nghiệp (KCN) Hòa Hội nằm trên địa bàn 2 thôn Hòa Hội và Mỹ Hóa thuộc xã Cát Hanh, huyện Phù Cát (Bình Định), người dân địa phương bị thu hồi gần hết đất sản xuất, nhưng ai nấy đều hớn hở vui mừng. Bởi họ kỳ vọng cuộc sống của con cháu mình sẽ được “công nghiệp hóa” theo nhịp sống của KCN.

Thế nhưng sau 11 năm xây dựng, KCN Hòa Hội được chuyền tay đến 2 nhà đầu tư nhưng hiện vẫn còn là 1 vùng đất hoang hóa, không chút “sinh khí”.

Dự án KCN Hòa Hội “treo” quá lâu đã làm tắt ngấm kỳ vọng đổi đời trong lòng hàng trăm hộ dân ở đây.

Ông Nguyễn Văn Sỹ, cư dân thôn Mỹ Hóa, than phiền: “Khi bắt đầu triển khai xây dựng KCN Hòa Hội, đất đai canh tác của người dân chúng tôi hầu hết bị thu hồi để phục vụ cho dự án. Đã 11 năm trôi qua, người dân chúng tôi không còn đất sản xuất, mất nguồn thu nhập.

Ai nấy cũng ngong ngóng chờ KCN hoàn thành để con cháu xin vào làm việc, kiếm lương tháng bù vào khoản thu nhập từ nông nghiệp bị mất đi, thế nhưng chờ mãi mà chẳng thấy KCN đâu. Không còn đất canh tác, hiện chúng tôi trở thành nông dân thất nghiệp. Nhiều người phải ly hương đi khắp nơi tìm việc tạo kế sinh nhai, cuộc sống rất bấp bênh”.

Theo chúng tôi được biết, để nhường đất xây dựng KCN Hòa Hội, có khoảng 300 hộ dân ở 2 thôn Mỹ Hóa và Hòa Hội có nhà ở, đất vườn, đất nông nghiệp và tài sản trên đất bị ảnh hưởng, thu hồi để giải phóng mặt bằng. Trong đó, đa số các hộ bị giải tỏa trắng về nhà ở, đất ở; bị thu hồi từ 80 - 90% diện tích đất nông nghiệp.

Trong khi người dân địa phương không có đất SX thì những diện tích đất màu mỡ như thế này nằm phơi mưa phơi nắng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Trong khi người dân địa phương không có đất SX thì những diện tích đất màu mỡ như thế này nằm phơi mưa phơi nắng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Sau 11 năm xây dựng mà KCN Hòa Hội hiện chỉ là 1 khu đất trống được san ũi bằng phẳng rộng mênh mông với diện tích gần 200ha. “Dấu tích” duy nhất của KCN là hệ thống cống thoát nước xây dựng dang dở và khu nhà điều hành xây xong chưa sử dụng ngày nào hiện đã xuống cấp trầm trọng.

Tấm bảng đồ án quy hoạch dự án KCN Hòa Hội giờ đã bong tróc, trông như 1 tờ bản đồ bằng giấy bị nhúng nước không còn nhìn thấy gì.

Người dân 2 lần mừng hụt

Vào tháng 8/2009, đơn vị chủ đầu tư là Công ty cổ phần Hòa Hội, ngành chức năng và chính quyền địa phương đã tổ chức lễ khởi công KCN Hòa Hội rất hoành tráng.

Theo quy hoạch, KCN Hòa Hội được xây dựng trên diện tích hơn 260ha với tổng vốn đầu tư hơn 440 tỷ đồng.

Kế hoạch đến tháng 3/2011 KCN Hòa Hội sẽ hoàn thành toàn bộ hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1; cuối năm 2013 hoàn thành các hạng mục còn lại và đi vào hoạt động. Thế nhưng do chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính nên vào tháng 4/2011 UBND tỉnh Bình Định ra quyết định đình chỉ đối với Công ty Hòa Hội.

Dấu tích duy nhất của KCN Hòa Hội là hệ thống cống thoát nước xây dựng dang dở. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Dấu tích duy nhất của KCN Hòa Hội là hệ thống cống thoát nước xây dựng dang dở. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đến cuối tháng 5/2016, UBND tỉnh Bình Định đồng ý chủ trương giao việc đầu xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Hòa Hội cho Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển KCN và Đô thị Phúc Lộc. Dù đã được “chuyền tay” qua 2 nhà đầu tư nhưng đến nay KCN Hòa Hội vẫn còn là bãi đất hoang hóa, nham nhở.

Thực trạng trên chẳng những gây bức xúc cho người dân địa phương, mà đến cả lãnh đạo chính quyền sở tại cũng hẫng hụt không kém.

“Địa phương chúng tôi bị mừng hụt đến 2 lần. 1 lần vào năm 2009 và 1 lần vào năm 2017. Cả 2 lần, trong thời gian đầu các chủ đầu tư đều rầm rộ triển khai thi công, nhưng sau đó lại lẳng lặng rút lui, để rồi cuối cùng KCN Hòa Hội chỉ là bãi đất trống.

Nếu dự án KCN Hòa Hội đi vào hoạt động theo đúng kế hoạch thì người dân địa phương sẽ được hưởng lợi rất nhiều, nhất là vấn đề giải quyết lao động. Dự án bị “treo” quá lâu khiến người dân không thể không bức xúc”, ông Võ Văn Sáu, Chủ tịch UBND xã Cát Hanh (huyện Phù Cát), bộc bạch.

Tấm bảng đồ án quy hoạch dự án KCN Hòa Hội giờ đã bong tróc, trông như 1 tờ bản đồ bằng giấy bị nhúng nước không còn nhìn thấy gì. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Tấm bảng đồ án quy hoạch dự án KCN Hòa Hội giờ đã bong tróc, trông như 1 tờ bản đồ bằng giấy bị nhúng nước không còn nhìn thấy gì. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Việc dự án KCN Hòa Hội thi công chậm tiến độ, thời gian qua chúng tôi đã “hết giấy hết mực” làm văn bản kiến nghị các ngành chức năng và UBND tỉnh tìm biện pháp tháo gỡ. Thế nhưng mãi đến nay tình trạng trì trệ trong thi công xây dựng KCN Hòa Hội vẫn tồn tại. Chúng tôi rất mong các ngành chức năng can thiệp để đơn vị chủ đầu tư sớm tiếp tục triển khai xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, đưa KCN Hòa Hội vào hoạt động như kỳ vọng của người dân địa phương”, ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.