| Hotline: 0983.970.780

Rệu rã công trình thủy lợi ở TT- Huế

Thứ Năm 19/12/2013 , 10:03 (GMT+7)

Tại các “xã lúa” của tỉnh TT- Huế, trong nhiều năm qua, nhiều công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp khiến sản xuất nông nghiệp của nông dân gặp khó khăn.

Tại các “xã lúa” của tỉnh TT- Huế, trong nhiều năm qua, nhiều công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp khiến sản xuất nông nghiệp (SXNN) của nông dân gặp khó khăn. Trong khi đó, cũng có những công trình, trạm bơm xây tiền tỷ nhưng lại bỏ hoang, không phát huy được hiệu quả, khiến ruộng đồng ngập úng, nông dân điêu đứng.

Làm lúa nhờ trời

Những ngày này, hàng trăm nông dân ở xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền) lo lắng, đứng ngồi không yên khi hệ thống kênh mương Tây Hưng 1 bị hư hỏng nặng, dẫn đến không đưa được nước vào đồng ruộng, trong khi lịch gieo cấy vụ ĐX đã cận kề.

Hệ thống kênh mương trên địa bàn xã Quảng Lợi hầu hết được đầu tư từ lâu, qua thời gian, đặc biệt sau các trận lũ lớn càng hư hỏng nặng đã khiến 300 ha lúa vụ ĐX của hơn 500 xã viên HTX Thắng Lợi SX chủ yếu là nhờ trời.

Ông Nguyễn Hòa, một hộ dân trồng lúa ở Quảng Lợi, cho biết: “Năm nay công trình thủy lợi hư hỏng quá nặng, chưa được khắc phục không thể chủ động tưới, điều tiết nguồn nước nên nguy cơ mất mùa rất cao. Tui trồng cả thảy 3 ha lúa, nguồn lương thực chính của gia đình chủ yếu dựa vào đây, nếu mất mùa thì quả là khó khăn”.


Công trình thủy lợi tại Quảng Điền nơi xuống cấp hư hỏng, nơi bỏ hoang

Có mặt tại tuyến kênh mương Tây Hưng 1, theo ghi nhận của chúng tôi, tại cụm cửa tưới bị gãy chiều dài khoảng 15 m nên không thể hoạt động để tưới hoặc tiêu úng vụ cho vụ ĐX. Bên cạnh đó, trên các cửa xả lũ của hệ thống kênh mương không có bể tiêu năng, khi nước chảy mạnh tạo những hàm ếch khoét sâu ngay dưới chân mương khiến nhiều đoạn nứt nẻ, lún sụt có nguy cơ bị gãy đổ.

Tại cửa cống xứ đồng Cây Đông bị nứt gãy một số điểm, cống nằm cạnh HTX Thắng Lợi cũng bị lún sụt không thể hoạt động. Ông Nguyễn Đình Viêm, Chủ nhiệm HTX Thắng Lợi, lo lắng: “Vụ mùa năm nay dự đoán bà con sẽ gặp khó khăn do hệ thống thủy lợi hư hỏng khá nặng. Tuy nhiên, do kinh phí khắc phục nằm ngoài khả năng của HTX nên đến nay các điểm hư hỏng vẫn chưa được xử lý kịp thời để SX vụ ĐX trước mắt”.

Ông Viêm nhận định, công trình thủy lợi hư hỏng, không phát huy hiệu quả sẽ khiến hơn 300 ha lúa toàn vụ của HTX chủ yếu SX nhờ trời. Trong một tháng nữa, nếu không có mưa thì vụ ĐX chỉ gieo cấy được khoảng 50% diện tích, số còn lại phải chuyển đổi sang trồng màu.

Đối với vụ HT, các sự cố kênh mương không khắc phục kịp thời, toàn bộ 300 ha sẽ không thể SX được, lúc đó bà con nông dân phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.

Công trình tiền tỷ bỏ hoang

Trong hơn 3 năm qua, hàng trăm hộ dân là các xã viên của HTX Thống Nhất (xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền) SX gặp phải khó khăn khi hai trạm bơm xây với kinh phí hơn 1 tỷ đồng bỏ hoang không hoạt động được, trong khi ruộng gần phá ngập nước cần tiêu úng.

Ông Hồ Hai, Chủ nhiệm HTX Thống Nhất, cho biết: “Do đặc thù địa phương nằm gần phá Tam Giang nên một bộ phận diện tích lúa khá lớn (70 ha) của hơn 400 hộ dân trên cánh đồng Ô Thất Tộc quanh năm bị ngập úng.

Để tạo điều kiện SX cho bà con, năm 2010, thông qua chương trình nông nghiệp phát triển nông thôn đã đầu tư hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng để xây dựng 2 trạm bơm tưới tiêu, phục vụ SX. Nhưng từ khi đưa vào sử dụng đến nay trạm bơm không vận hành được nên đành bỏ hoang".

Có mặt tại trạm bơm, chúng tôi thấy do lâu ngày không hoạt động, không được bảo dưỡng nên đa phần các hạng mục bị hoen gỉ, hư hỏng. Theo thiết kế, hai trạm bơm chạy bằng động cơ điện nhưng do không đủ kinh phí để lắp đặt các hệ thống điện nên phải chuyển qua chạy bằng động cơ diezen.

Do hệ thống ống hút, xả được thiết kế lớn, đặt trên cao nên khi chuyển qua chạy động cơ diezen cồng kềnh, cần lượng nước mồi để bơm quá lớn, máy đặt cao nên không hút được.

Hơn 3 năm qua, HTX không khắc phục được để đưa vào phục vụ SX do thiếu kinh phí. Hiện tại, để phục vụ tưới tiêu cho bà con nông dân xuống vụ ĐX, HTX Thống Nhất đã tiến hành hợp đồng máy tư nhân, theo đó, phải chi trả 15 kg thóc/sào. Số tiền hợp đồng này bà con xã viên phải chi trả.

“Trạm bơm tiền tỷ bỏ không, trong khi dân phải bỏ tiền (quy ra thóc) để trả cho máy bơm của tư nhân. Làm lúa lấy công làm lãi mà như thế này thì nghịch lý hết sức”, ông Phan Điền, một nông dân bức xúc.

Ông Phan Nông,  Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thái, cho hay địa phương có trên 90% bà con SXNN mà chủ yếu là trồng lúa nên khi công trình trạm bơm không phát huy hiệu quả khiến nhiều nông dân khó khăn. Trước thực trạng đó, địa phương đã làm tờ trình kiến nghị UBND huyện Quảng Điền đầu tư kinh phí, tiến hành thay đổi lại thiết kế cho trạm bơm nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.