| Hotline: 0983.970.780

Công ty Kubota Việt Nam: Doanh nghiệp FDI bất tín khiến nông dân khốn đốn!

Thứ Năm 13/09/2018 , 13:05 (GMT+7)

Nhiều khách hàng mua máy nông nghiệp của Công ty TNHH Kubota Việt Nam phản ánh, công ty này có dấu hiệu "móc ngoặc" với ngân hàng, tung tin sai sự thật để trục lợi trong hoạt động kinh doanh...

Sau khi Báo NNVN đăng tải bài viết: "Công ty Kubota Việt Nam có 'lừa dối' khách hàng?" Nhiều độc giả đã gọi điện đến đường dây nóng của tòa soạn để “tố” Công ty Kubota Việt Nam có những hành vi “cò mồi” tín dụng.

Nhiều khách hàng mua máy nông nghiệp của Công ty TNHH Kubota Việt Nam phản ánh, công ty này có dấu hiệu "móc ngoặc" với ngân hàng, tung tin sai sự thật để trục lợi trong hoạt động kinh doanh (cụ thể là chính sách về hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).
 

“Cò mồi” tín dụng?

Sau thời kỳ “tăng trưởng nóng”, hoạt động kinh doanh máy nông nghiệp ở Việt Nam bắt đầu chững lại. Sự tham gia của các thương hiệu máy nông nghiệp uy tín nước ngoài như Daedong (Hàn Quốc), Yanmar (Nhật Bản), hệ thống bán hàng của Công ty TNHH Kubota Việt Nam (địa chỉ tại TX Bến Cát, tỉnh Bình Dương) đứng trước cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường Việt Nam.

13-11-48_kubot_1
Vì tin lời giới thiệu của Kubota, nhiều khách hàng “khóc dở mếu dở” khi vay vốn Ngân hàng Liên Việt

Để lôi kéo khách hàng, các doanh nghiệp phải đưa ra những ưu đãi đặc biệt để tạo lợi thế, nhất là việc hỗ trợ vay vốn tín dụng. Bởi, mỗi chiếc máy làm đất, máy gặt, máy cấy… có giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng, rất ít người có sẵn “cục tiền lớn” như vậy để mua.

Nếu Tập đoàn Yanmar Nhật Bản ký kết hợp tác với Ngân hàng Nông nghiệp- PTNT Việt Nam (Agribank) để cho vay mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp theo Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ (khách hàng được nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu và 50% lãi suất trong năm thứ 3), thì Công ty TNHH Kubota Việt Nam ký kết hợp tác với Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) để cho vay mua máy nông nghiệp.

Để giới thiệu những ưu đãi đặc biệt về chương trình cho vay mua máy nông nghiệp Kubota của LienVietPostBank, đích thân ông Yuji Tabira – Tổng giám đốc Công ty TNHH Kubota Việt Nam (quốc tịch Nhật Bản) đã đặt bút ký vào văn bản số KVC.GN/DL382017 giới thiệu về chương trình hợp tác với ngân hàng Liên Việt.

Trong văn bản này công bố: “Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã được Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch- Đầu tư phê duyệt, áp dụng hỗ trợ cho vay theo QĐ68. Như vậy, chúng ta đã có thêm một kênh hỗ trợ tài chính nữa, giúp cho những người khách hàng có nhu cầu sử dụng máy Kubota có thêm cơ hội được mua và sử dụng sản phẩm Kubota”.

Theo điều tra của PV NNVN, đến thời điểm hiện tại, LienVietPostBank chưa được bất cứ cơ quan nào phê duyệt, áp dụng hỗ trợ cho vay theo Quyết định 68. Như vậy, Công ty TNHH Kubota Việt Nam có dấu hiệu lừa dối khách hàng.
 

Kubota và ngân hàng hưởng lợi, nông dân khốn đốn

Tháng 9/2017, anh Nguyễn Đình Minh (xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) tìm đến đại lý bán máy Kubota (là Công ty TNHH Đầu tư Quốc tế Chính Đạt) ở huyện Đông Anh, TP Hà Nội mua máy gặt đập liên hợp Kubota DC70 trị giá 568 triệu đồng.

Anh Minh cho biết: “Ban đầu tôi muốn vay vốn ưu đãi theo Quyết định 68 ở ngân hàng Agribank vì ngân hàng này có nhiều chi nhánh ở cấp huyện, việc thanh toán sẽ dễ dàng. Tuy nhiên, nhân viên của đại lý Kubota Chính Đạt bảo rằng đã liên hệ với Ngân hàng Liên Việt để cho tôi vay. Cả đại lý Kubota và Ngân hàng Liên Việt đều nói với tôi rằng sẽ hỗ trợ 100% lãi suất 2 năm đầu và 50% lãi suất năm thứ 3. Vì thế tôi mới đồng ý vay vốn của Ngân hàng Liên Việt.

Tuy nhiên, hơn 1 năm rồi tôi không nhận được bất cứ hỗ trợ lãi suất nào, thậm chí ngân hàng còn gửi văn bản thúc gia đình tôi đóng lãi suất tổng cộng hơn 32 triệu đồng. Lý do ngân hàng đưa ra là “vì chưa được Bộ Kế hoạch- Đầu tư phê duyệt cho vay theo Quyết định 68 của Thủ tướng”.

13-11-48_kubot_2
Tưởng rằng được vay vốn theo Quyết định 68, thế nhưng vợ chồng anh Minh và chị Hiền liên tục nhận được giấy đề nghị thanh toán lãi suất của ngân hàng

Ông Nguyễn Đình Miên, đại diện phát ngôn của gia đình anh Minh đặt dấu hỏi: “Công ty Kubota Việt Nam và Ngân hàng Liên Việt đã móc ngoặc với nhau để lừa dối khách hàng nên các đại lý mới giới thiệu cho chúng tôi vay vốn của Ngân hàng Liên Việt? Bởi toàn bộ hóa đơn đỏ, giấy tờ mua bán máy đại lý chuyển hết cho ngân hàng”.

Vì quá bức xúc, ông Miên gọi điện sang nói chuyện với Ngân hàng Liên Việt và nói rằng: "Nếu ngân hàng không xin được hỗ trợ lãi suất thì cho gia đình xin lại hóa đơn đỏ mua máy Kubota để gia đình xin hỗ trợ vốn mua máy nông nghiệp theo chương trình của TP Hà Nội, nhưng họ trả lời rằng hóa đơn đỏ đã được ngân hàng chuyển lên Bộ Kế hoạch- Đầu tư để làm thủ tục rồi, bây giờ chỉ còn hóa đơn công chứng. Tôi không thể chấp nhận được. Tôi mất hết niềm tin vào công ty Kubota cũng như Ngân hàng Liên Việt".

“Nếu Ngân hàng Liên Việt tiếp tục đánh giấy yêu cầu gia đình tôi đóng lãi suất đợt 3, chúng tôi sẽ làm đơn kiện đại lý Kubota và ngân hàng ra tòa án để cơ quan chức năng giải quyết. Trong mối liên kết 3 bên này, chỉ doanh nghiệp và ngân hàng được hưởng lợi nhuận lớn, còn chúng tôi – những người nông dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời lại phải chịu đựng những thiệt thòi to lớn.Vậy công bằng nằm ở đâu?”, ông Miên nói.

13-11-48_kubot_3
Một hợp đồng mua bán máy nông nghiệp giữa đại lý Kubota và khách hàng
Tính ra số tiền lãi chúng tôi phải trả khi vay 420 triệu đồng của Ngân hàng Liên Việt trong 3 năm đầu phải lên tới gần 100 triệu đồng (số tiền này đáng lẽ khách hàng không phải đóng). Đây là số tiền quá lớn với những người nông dân. Vậy, với hàng trăm khách hàng khác cùng chung “số phận” như gia đình tôi khi “trót dại” tin lời của Kubota Việt Nam vay tiền ngân hàng mua máy nông nghiệp, thiệt hại sẽ lên tới hàng chục tỷ đồng”, ông Miên phân trần.

Tương tự như trường hợp gia đình anh Minh, ông Trần Danh Bình (xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội), là khách hàng vay 500 triệu đồng của LienVietPostBank để mua máy gặt đập liên hợp Kubota, cho biết: "Chỉ vì tin vào lời giới thiệu của Công ty Kubota mà chúng tôi vay vốn của Ngân hàng Liên Việt.

Thế nhưng, tiền hỗ trợ lãi suất đâu chẳng thấy, chỉ thấy khổ sở vì cả quần quật làm để trả gốc và lãi suất cho ngân hàng trong suốt cả năm trời".

"Đầu tháng 8 vừa rồi, nhân viên của Ngân hàng Liên Việt điện trực tiếp cho tôi báo rằng đến cuối tháng sẽ trả lại chúng tôi số tiền lãi gia đình đã đóng. Nhưng hiện tại chưa thấy gì.

3 ngày nữa tôi sẽ gọi điện trực tiếp để hỏi lại, nếu ngân hàng không trả tiền lãi suất ứng trước của chúng tôi và bắt chúng tôi đóng thêm tiền lãi suất, chúng tôi cũng sẽ kiện ra tòa", ông Bình nói.

Ngoài việc bị Kubota Việt Nam thông tin không đúng sự thật liên quan đến hoạt động tín dụng, một số khách hàng cũng phàn nàn về chất lượng máy móc, thiết bị của Kubota nhanh xuống cấp và hư hỏng. Báo NNVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.