| Hotline: 0983.970.780

Công ty thủy lợi Đắk Lắk gặp khó vì đối tác lấy nước không trả tiền

Thứ Năm 06/06/2024 , 07:00 (GMT+7)

Công ty thủy lợi Đắk Lắk được UBND tỉnh giao quản lý các công trình thủy lợi trên địa bàn nhưng đối tác lấy nước không trả tiền nên gặp nhiều khó khăn.

Thời gian qua, Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk (Công ty Thủy lợi Đắk Lắk) đã gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh giải quyết việc Công ty Cổ phần Cấp nước Đắk Lắk sử dụng nước thô của đơn vị này phục vụ kinh doanh nhưng không trả tiền. Tuy nhiên, đến nay hơn một năm nhưng mọi việc vẫn chưa được xử lý khiến cho Công ty thủy lợi Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Lấy nước nhưng không trả tiền

Theo Công ty Thủy lợi Đắk Lắk, các công trình, đập thủy lợi do đơn vị quản lý hiện có 3 công trình ngoài nhiệm vụ cấp nước phục vụ tưới tiêu còn cấp nước thô cho Công ty Cổ phần Cấp nước Đắk Lắk sử dụng cấp nước sinh hoạt. Cụ thể, công trình đang được Công ty Cổ phần cấp nước Đắk Lắk lấy nước là hồ Ea Súp Hạ (huyện Ea Súp); hồ Nam Hồng, Hợp Thành (thị xã Buôn Hồ).

Trong những năm qua, Công ty thủy lợi Đắk Lắk và Công ty Cổ phần Cấp nước Đắk Lắk đã ký kết hợp đồng về việc đồng ý cho Công ty Cổ phần Cấp nước Đắk Lắk sử dụng nước thô để sản xuất. Đồng thời, Công ty này phải trả cho Công ty thủy lợi Đắk Lắk 900 đồng/m3.

Trạm bơi của Công ty Cổ phần cấp nước Đắk Lắk tại hồ Ea Súp hạ. Ảnh: Quang Yên.

Trạm bơi của Công ty Cổ phần cấp nước Đắk Lắk tại hồ Ea Súp hạ. Ảnh: Quang Yên.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 4/2023, Công ty Cổ phần Cấp nước Đắk Lắk có công văn về việc đề nghị cung cấp hồ sơ pháp lý hợp đồng bán nước thô. Theo đó, Công ty Cổ phần Cấp nước Đắk Lắk yêu cầu cung cấp giấy phép khai thác nước mặt; giá dịch vụ sản phẩm thủy lợi khác đã được ban hành của cấp có thẩm quyền.

Tại công văn nêu trên, Công ty Cổ phần Cấp nước Đắk Lắk yêu cầu Công ty thủy lợi nếu không cung cấp đủ thành phần hồ sơ theo yêu cầu trước ngày 15/5/2023 sẽ tạm dừng hợp đồng ký kết. Để giải quyết vấn đề, Công ty Thủy lợi Đắk Lắk nhiều lần có văn bản trả lời cũng như gặp trực tiếp để trao đổi nhưng hai bên không đến thống nhất.

Ông Trịnh Quốc Bảo, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk cho biết, đơn vị là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, hoạt động công ích. Theo đó, nguồn kinh phí hoạt động của doanh nghiệp chủ yếu do ngân sách hỗ trợ nên không có kinh phí để làm cấp phép khai thác mặt nước. Công ty đã nhiều lần báo cáo UBND tỉnh Đắk Lắk xin kinh phí để thực hiện cấp phép khai thác mặt nước cho 3 hồ chứa nêu trên nhưng chưa được bố trí. Chính vì vậy công ty chưa có giấy phép khai thác mặt nước của 3 hồ chứa trên.

Còn đối với việc quy định về giá dịch vụ sản phẩm thủy lợi khác, ông Bảo cho biết, trước đây 2 bên ký kết hợp đồng theo đơn giá tạm tính tại Nghị định 67/2012/NĐ-CP ngày 10/9/2012. Năm 2020, công ty đã căn cứ Nghị định 96/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, tiến hành xây dựng đơn giá trình Sở ban ngành thẩm định. Ngày 10/11/2020, UBND tỉnh Đắk Lắk có báo cáo trình Bộ NN-PTNT và Bộ Tài chính xem xét phê duyệt phương án giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi khác tuy nhiên đến nay vẫn chưa được phê duyệt.

Mỗi ngày, Công ty Cổ phần cấp nước Đắk Lắk hút hàng nghìn m3 nước tại các công trình do Công ty thủy lợi Đắk Lắk quản lý. Ảnh: Quang Yên.

Mỗi ngày, Công ty Cổ phần cấp nước Đắk Lắk hút hàng nghìn m3 nước tại các công trình do Công ty thủy lợi Đắk Lắk quản lý. Ảnh: Quang Yên.

“Đơn vị được UBND tỉnh giao quản lý, khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn. Do đó, đơn vị có trách nhiệm quản lý, khác thác công trình theo nhiệm vụ thiết kế, tiềm năng, lợi thế và phải đảm bảo an toàn. Theo Luật thủy lợi thì đơn vị có quyền và trách nhiệm sử dụng nguồn lực được giao để mở rộng khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi theo quy định của pháp luật; được thu tiền từ việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi theo hợp đồng. 

Con đối với đơn giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác hiện nay chưa được Bộ Tài chính phê duyệt. Đây là khó khăn chung của tất cả các địa phương trên cả nước. Do đó các địa phương khác vẫn đang triển khai thực hiện theo đơn giá tạm tính hoặc đơn giá được quy định tại Nghị định 67/2012/NĐ-CP ngày 10/9/2012”, ông Bảo nói thêm.

Vị Phó Giám đốc cho biết thêm, đây là khó khăn chung của nhiều tỉnh thành trong cả nước chứ không chỉ riêng tại Đắk Lắk. “Mặc dù các hợp đồng cấp nước đã tạm dừng nhưng đơn vị vẫn điều tiết nước để Công ty Cổ phần Cấp nước Đắk Lắk hút nước phục vụ người dân. Để duy trì hoạt động, công ty phải bố trí lao động, kinh phí bảo trì, bảo dưỡng công trình và các chi phí hợp lý khác trong khi nguồn thu do Công ty Cổ phần Cấp nước tạm dừng đã gây rất nhiều khó khăn cho đơn vị”, ông Bảo thông tin.

Chi phí nước thô không được cơ cấu trong giá

Theo ghi nhận của phóng viên, tại hồ Nam Hồng và hồ Ea Súp Hạ hàng ngày Công ty Cổ phần Cấp nước Đắk Lắk hút hàng nghìn m3 nước để phục vụ người dân. Tuy nhiên, công tác quản lý, di tu, bảo dưỡng lại do Công ty Thủy lợi Đắk Lắk thực hiện.

Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần cấp nước Đắk Lắk, trong cơ cấu giá thành sản phẩm không có chi phí nước thô. Ảnh: Quang Yên.

Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần cấp nước Đắk Lắk, trong cơ cấu giá thành sản phẩm không có chi phí nước thô. Ảnh: Quang Yên.

Lãnh đạo Công ty Cổ phần Cấp nước Đắk Lắk cho biết, đơn vị này tạm dừng hợp đồng là do Công ty thủy lợi Đắk Lắk chưa cung cấp được các giấy tờ, văn bản pháp lý mà đơn vị yêu cầu.

Cụ thể là giấy khai thác nước để cấp cho các mục đích kinh doanh, dịch vụ và sản phẩm phi nông nghiệp theo quy định tại Nghị định số 02/2023/NĐ-CP ngày 1/2/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước. Hiện nay, Công ty Thủy lợi Đắk Lắk cũng chưa cung cấp được văn bản pháp lý quy định về giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi khác. Do đó, Công ty Cổ phần Cấp nước Đắk Lắk không có căn cứ để tiếp tục ký hợp đồng.

Theo ông Lê Khắc Dần, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Đắk Lắk, đơn vị được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp giấy phép được khai thác nước mặt tại các công trình trên để phụ vụ người dân. Đơn vị đã yêu cầu công ty thủy lợi cung cấp pháp lý nhưng không cung cấp được nên thống nhất chấm dứt hợp đồng. Bây giờ doanh nghiệp mua nước, trả tiền cho công ty thủy lợi là đơn vị vi phạm.

“Doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép khai thác nước mặt 3 hồ trên. Chúng tôi đã hoàn thành nghĩa vụ về đón các khoản thuế, phí theo quy định. Trong trường hợp Công ty Thủy lợi Đắk Lắk được cấp có thẩm quyền phê duyệt 2 vấn đề trên thì đơn vị mới có căn cứ ký lại hợp đồng”, ông Dần chia sẻ.

Việc không nhận được tiền từ Công ty Cổ phần cấp nước Đắk Lắk khiến Công ty thủy lợi gặp nhiều khó khăn trong quản lý, vận hành công trình. Ảnh: Quang Yên.

Việc không nhận được tiền từ Công ty Cổ phần cấp nước Đắk Lắk khiến Công ty thủy lợi gặp nhiều khó khăn trong quản lý, vận hành công trình. Ảnh: Quang Yên.

Ông Dần cho biết thêm, hiện nay việc sử dụng nước thô từ các công trình thủy lợi không được cơ cấu vào giá thành. “Doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh trình HĐND điều chỉnh tăng giá nước. Tuy nhiên đến nay mới tăng được 25% so với mức giá phê duyệt thời điểm năm 2017. Không tăng giá dẫn đến việc chi phí mua nước thô không được tính vào cơ cấu giá thành”, ông Dần nói thêm.

Công ty Thủy lợi Đắk Lắk đã có báo cáo số 645/BC-QLTL ngày 12/6/2023 gửi UBND tỉnh về việc khai thác nước mặt tại một số công trình thủy lợi. UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét, hướng dẫn cụ thể giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp. Trong trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo, đề xuất UBND tỉnh. Tuy nhiên, đến gần một năm vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để xử lý vụ việc.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.