Làm báo để được dấn thân và trải nghiệm
Dám "dấn thân" là cụm từ diễn đạt trọn vẹn nhất để chúng tôi khởi đầu hành trình đi tìm đường dây vận chuyển, mua bán giống gia cầm nhập lậu vào Việt Nam. Tôi rất tâm đắc với câu nói của một vị tiền bối trong nghề báo, "làm báo vì không chọn được công việc gì khác tốt hơn thì bạn sẽ mãi mãi không thể trở thành một nhà báo giỏi".
Và "nghề báo không phải là một lựa chọn tốt cho số đông. Nếu bạn không có đam mê kể chuyện, không có đam mê tìm kiếm những câu chuyện thú vị, không muốn tìm câu trả lời cho những vấn đề phức tạp của cuộc sống, không đủ tò mò, không ham trải nghiệm những cảm xúc mới lạ... thì lựa chọn làm báo sẽ là một sự vô nghĩa lớn".
Với một phóng viên trẻ, từ khi còn là sinh viên năm 2, tôi đã hăng say và thích thú với các tác phẩm báo chí thể loại điều tra. Hành trình làm phóng sự điều tra về gà lậu đã mang đến cho bản thân tôi rất nhiều cảm xúc, buồn có, vui mừng có.
Loạt phóng sự "Giống gia cầm lậu khuynh đảo ngành chăn nuôi", với tổng số 14 bài đăng tải trên Báo Nông nghiệp Việt Nam, được tổ chức thực hiện trong hơn 1,5 tháng, đã lột tả chân thực nhất tính chất nhức nhối, phức tạp của vấn nạn gia cầm giống nhập lậu, những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chăn nuôi - thú y và dấu hiệu buông lỏng quản lý của lãnh đạo địa phương, các lực lượng chức năng trong việc ngăn chặn gia cầm giống lậu.
Ngay từ đầu, bản thân tôi đã xác định phải dồn sức để hoàn thành tốt nhất loạt phóng sự điều tra này, nên lúc làm việc nhiều khi quên ăn, quên ngủ, thậm chí việc bỏ bữa, làm việc thâu đêm trở thành chuyện bình thường.
Những tình huống chúng tôi gặp phải ẩn chứa đầy hiểm nguy, vất vả nhưng cũng đầy tự hào khi loạt bài phóng sự điều tra đã góp phần phanh phui sự thật về những chiêu trò, thủ đoạn tinh vi về đường dây vận chuyển, mua bán gia cầm nhập lậu, từ đó cơ quan chức năng vào cuộc để "dẹp loạn".
Trước khi bắt đầu tìm hiểu về hoạt động kinh doanh, vận chuyển con giống nhập lậu, phóng viên đã tìm hiểu thông tin sơ lược trên mạng về các hội nhóm buôn bán con giống gia cầm, giá cả, các loại vacxin, thời điểm chăn nuôi các giống gia cầm.
Để tạo "vỏ bọc" với các đầu nậu, trùm buôn, tôi đã thay đổi số điện thoại, thay đổi các tài khoản mạng xã hội Facebook, Zalo, thông tin cá nhân trước đó 2 tuần. Bởi nếu trong quá trình điều tra bị các đối tượng nghi ngờ thân phận, sẽ nguy hiểm đến bản thân và người thân.
Hôm đó, Hà Nội nắng giòn, vừa mới dự hội nghị, chụp ảnh, đưa tin hoạt động của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, gửi xong tư liệu về tòa soạn, tôi mặc vội chiếc áo xe ôm công nghệ để xuống chợ con giống gia cầm Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên cách trung tâm Thủ đô khoảng 40km về hướng tỉnh Hà Nam, để bắt đầu điều tra.
Vừa đến khu chợ, bỗng trời đổ mưa xối xả, cũng may tôi kịp trú nhờ vào một cửa hàng kinh doanh con giống gia cầm. Thấy tôi ướt như chuột, tội nghiệp quá nên bà chủ buôn nói "chạy được mấy chuyến rồi, mưa thế không về đi còn chạy cố làm gì hả cháu, ham hố thêm mấy đồng bạc rồi lại ốm ra".
Ròng rã nhiều ngày, tất cả cơ sở kinh doanh con giống gà, vịt, ngan ở chợ gia cầm Đại Xuyên được tôi thuộc nằm lòng, và dùng ống kính ghi lại hoạt động mua bán, vận chuyển con giống nhập lậu.
Kết quả, sau ba ngày lên phóng sự đầu tiên, một cơ sở kinh doanh con giống gia cầm Trung Quốc bị xử phạt 13 triệu đồng và tất cả các đại lý kinh doanh con giống gia cầm tại đây phải ký cam kết không kinh doanh con giống gia cầm nhập lậu.
Ăn, ngủ cùng... gà
Rời mảnh đất Phú Xuyên sau khi đã đầy đủ tư liệu, điểm đến mới của tôi là tỉnh Hải Dương - nơi có các ông trùm, bà trùm gà, vịt Tàu đất Bắc. Để có thể tiếp cận đối tượng Việt "hàng Tàu" tại Ninh Giang, Hải Dương, tôi một lần nữa phải hóa thân thành dân IT chuyên nghiệp, muốn tìm nhà cung cấp gà chíp Tàu số lượng cả vạn con mỗi ngày để chạy quảng cáo bán hàng trên Facebook, phục vụ người chăn nuôi tái đàn "đón sóng" thị trường dịp Tết.
Vốn là người rất cẩn trọng và kín tiếng với người lạ, nhưng thấy mảng kinh doanh online còn nhiều dư địa mở rộng, Việt - một tay buôn hàng Tàu có tiếng - đã tỏ ra nhiệt tình và tiết lộ hàng loạt bí mật động trời trong ngành buôn giống gia cầm nhập lậu cho phóng viên. Khi đã tin tưởng tuyệt đối, sau 3 ngày, Việt hẹn tôi về bàn chuyện làm ăn tại một nhà nghỉ ở gần nhà anh ta.
Tôi tức tốc từ Hà Nội về Hải Dương, tới địa chỉ Việt gửi cho cũng gần 12 giờ đêm. Tại đây, Việt tiếp tục màn tra khảo tôi về lai lịch, đã từng làm ở đâu? Đã chạy kinh doanh online cho những Công ty nào? Số lượng đơn hàng và doanh thu, lợi nhuận hàng bao nhiêu?..., Bởi lần làm ăn lớn này Việt rất thận trọng, tất cả câu hỏi đó tôi đã thuộc làu làu, chỉ việc "trả bài" cho Việt.
Như dự tính, Việt nghe xong thì tin tưởng tuyệt đối và kể hết cho tôi nghe mánh khóe trong việc kinh doanh con giống gia cầm Trung Quốc. Trở ngại lớn nhất của những phóng viên điều tra là làm thế nào để chứng minh được thứ Việt đang bán hằng ngày là con giống có nguồn gốc Trung Quốc, bởi ngay cả cơ quan chuyên môn cũng khó xác định đâu là gà nội, đâu là gà nhập lậu từ nước ngoài, khi gà, vịt đã về đến Việt Nam.
Do vậy, phải tìm cách để các mối buôn như Việt tự nói ra nguồn gốc xuất xứ của con giống đến từ đâu. Sau quá trình nỗ lực nhập vai, trước ống kính máy quay, Việt đã thú nhận về nguồn gốc của con giống cũng như đường đi của chúng. Sau đó, Việt cầm tay chỉ việc cho tôi từ việc nhập, nuôi và bắt con giống gia cầm vận chuyển lên chợ Đại Xuyên.
Khi nắm được quy luật, cung đường vận chuyển, tôi nằm chờ mật phục, ghi lại những hình ảnh sắc nét, sau đó đặt lên bàn làm việc các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương và Hà Nội. Và, khi xem những hình ảnh đó, các đối tượng vận chuyển con giống gia cầm lậu không thể chối cãi được.
Tất cả hoạt động kinh doanh con giống Trung Quốc của Việt “hàng Tàu”, trùm buôn “Hậu Biểu” ở đất Ninh Giang và đại lý con giống ở chợ gia cầm Đại Xuyên đã phải chấm dứt chỉ trong hai ngày sau khi loạt bài điều tra được đăng trên mặt báo. Cùng với đó là loạt phóng sự truyền hình (4 phần) về vấn nạn này trên Báo điện tử nongnghiep.vn.
Sau nhiều ngày vắng mặt trong những bữa cơm của gia đình, trở về nhà, mẹ và chị gái nhìn tôi không khỏi chạnh lòng. Tôi gầy rộc đi và hốc hác vì nhiều đêm thức trắng để bắt gà cùng chủ buôn, rồi một mình bám theo những chuyến xe đêm chở gà lậu từ Hải Dương lên Hà Nội.
Các tài liệu, bằng chứng trong loạt bài điều tra là cơ sở để lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương đánh giá đúng tính chất nhức nhối và nguy hiểm của hoạt động buôn lậu gia cầm giống, từ đó nâng cao vai trò, trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai các giải pháp tăng cường kiểm soát, ngăn chặn gia cầm giống nhập lậu, bảo vệ sản xuất trong nước.
Bộ NN-PTNT đã ban hành 6 văn bản chỉ đạo ngay sau khi bài đầu tiên của loạt bài điều tra “Giống gia cầm lậu khuynh đảo ngành chăn nuôi” được đăng tải trên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn phải tổ chức họp khẩn và chỉ đạo "nóng" lập chuyên án điều tra về vận chuyển, mua bán con giống nhập lậu trên địa bàn. Kết quả đã bắt giữ các vụ mua bán, vận chuyển gà, vịt giống nhập lậu. Lực lượng chức năng của tỉnh Cao Bằng cũng đã khởi tố vụ án vận chuyển 19.500 con giống gia cầm nhập lậu trái phép vào Việt Nam và khởi tố 21 bị can có liên quan.
Qua loạt bài điều tra “Giống gia cầm lậu khuynh đảo ngành chăn nuôi” đã phản ánh được thực trạng nhức nhối của ngành chăn nuôi, đó là việc gia cầm giống nhập lậu vẫn tràn vào Việt Nam, gây ra những hệ lụy khôn lường. Đồng thời, đưa ra các ý kiến cảnh báo và kiến nghị giải pháp để siết chặt quản lý vận chuyển, kinh doanh, sử dụng con giống không rõ nguồn gốc xuất xứ, con giống gia cầm nhập lậu, góp phần phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ người sản xuất và nền chăn nuôi của nước nhà.
Khi làm các đề tài điều tra, bản thân tôi luôn tâm niệm, phải dám dấn thân để đưa cái xấu ra ánh sáng.
Từ loạt bài điều tra, tôi thấy bản thân mình cần học hỏi nhiều hơn và thực sự dấn thân để có những tác phẩm báo chí hay mang đến cho độc giả, và tôi cũng kỳ vọng sẽ có một thế hệ phóng viên điều tra mới, tiếp tục phụng sự bạn đọc với những tác phẩm thực sự lan tỏa, có giá trị tác động đến xã hội trong lĩnh vực nông nghiệp.