* Xin cho biết đặc điểm sống và công dụng của cây đước mọc rất nhiều ở vùng ven biển Cà Mau?
Bùi Công Hà, Thới Bình, Cà Mau
Cây đước có tên khoa học là Rhizophora apiculata Blume, thuộc họ Đước (Rhizophoraceae).Theo nhà báo Thanh Dũng thì cây đước thích hợp đất bùn mịn, có thủy triều lên xuống định kỳ, nước mặn hoặc lợ, khí hậu ấm áp. Đước là sắc mộc có giá trị cao nhất ở rừng ngập mặn Cà Mau.
Đước từ lúc ra hoa đến khi trái chín phải mất 6 tháng, trái đước nảy mầm từ lúc còn treo lơ lửng trên cây, khi rụng xuống được sóng biển đánh trôi dạt khắp nơi, gặp nơi bùn lầy, trái đước trụ lại, rễ non bám vào phù sa, quá trình bén rễ cũng là quá trình nâng trái đước đứng thẳng lên. Sau 20 đến 25 ngày bám rễ trong đất, mầm đước đã có một búp non màu đỏ như lửa và xòe được hai lá xanh đầu tiên.
Từ khi trái đước rụng xuống đến khi khai thác được gỗ phải mất khoảng thời gian 20 năm, độ cao trung bình của đước từ 20 - 25m. Độc đáo của cây đước chính là bộ rễ. Đước có 2 loại rễ: Rễ cọc và rễ phụ. Rễ cọc thì nhỏ nhưng cắm sâu xuống lòng đất, còn rễ phụ (còn gọi là chang đước) thì rất lớn, mọc tua tủa quanh gốc cây, bám sâu vào lòng đất nhão, chính vì vậy mà cây đước luôn đứng vững trên đất sình lầy, gió rung chẳng chuyển, bão lay chẳng sờn.
Cây đước khi đã mọc thành rừng thì không có một loại cây gì có thể chen vào sống chung được nên rừng đước thường có sự phân chia lãnh địa riêng lẻ: đước ra đước, mắm ra mắm, chà là ra chà là… chúng sống chung trong môi trường là đầm lầy ngập mặn chứ không sống chung bên cạnh nhau. Đây cũng là điểm khác biệt của rừng đước so với các loại rừng khác. Rừng đước là biểu tượng và là niềm tự hào của Cà Mau, bởi ngoài giá trị lâm sinh, nó còn gắn liền với lịch sử và văn hóa của một vùng đất - vùng đất Cà Mau như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Đước đã mọc thành rừng gỗ cứng/ Gió càng lay càng vững thành đồng”.