Đại lộ Thăng long được xây dựng với 6 làn đường theo 2 hướng lưu thông Hà Nội - Sơn Tây, còn được gọi là cao tốc Láng - Hòa Lạc. Sau nhiều năm đưa vào khai thác, sử dụng, hai nhánh đường gom của Đại lộ Thăng Long đến nay đã biến dạng đến khó có thể nhận ra diện mạo ban đầu.
Theo quan sát của PV, hai nhánh đường gom Đại lộ Thăng Long và nhiều cây cầu vượt bắc ngang tuyến còn đang bị hủy hoại bởi nạn xe quá tải hoành hành. Dọc tuyến có nhiều trạm trộn bê tông như Sông Đà - Việt Đức, An Phúc… đang hoạt động, xe tải nặng ra vào nhộn nhịp từ sáng đến đêm. Khu vực quanh các trạm trộn này, mặt đường đứt vỡ, lún sâu; vỉa hè bong tróc toàn bộ, bị trưng dụng làm chỗ đỗ xe bồn, xe tải.
Các cầu vượt: Phương Bản, Tây Mỗ, T24… oằn mình dưới sức nặng của xe tải, biến dạng, trồi sụt bất thường, bùn đất, bê tông đóng thành mảng dầy, kéo dài suốt mặt cầu. Anh Nguyễn Văn Hoàn (Hoài Đức) chia sẻ: “Đi qua cầu vượt như đi qua một con đường mòn chưa được đầu tư xây dựng tử tế, vừa bẩn thỉu vừa mấp mô, gồ ghề phát sợ”.
Mỗi ngày có tới hàng trăm chuyến xe bồn, xe tải ra vào trạm trộn hoặc chở bùn, đất, phế liệu, vật liệu xây dựng qua lại trên đường gom Đại lộ Thăng Long. Xe chạy với tốc độ cao, cuốn bụi mù mịt; còi hơi inh ỏi khiến người tham gia giao thông lúc nào cũng bất an, hoảng sợ.
Ngoài ra, dọc tuyến đường gom, đặc biệt là từ Km0 - Km12, đi qua địa bàn quận Nam Từ Liêm và huyện Hoài Đức, rác thải, phế liệu, bùn đất rải khắp nơi, bụi bặm mịt mù, ngột ngạt.
Hai bên đường, bùn đất thải xếp thành từng đống, đụn dày đặc. Trời mưa, đất theo nước mưa và bánh xe tải kéo lê ra đường, lầy lội, trơn trượt, cực kỳ nguy hiểm cho phương tiện qua lại. Khi nắng, hoặc khô ráo, bụi giăng như sương trắng, phủ mờ cả không gian. Nhiều vị trí biển cấm đổ trộm bùn đất, phế thải được cắm ngay trên… đống bùn đất ngập ngụa. Cọc tiêu, mốc giới đường thậm chí còn bị nhổ lên, nằm lẫn lộn trong rác, đất.
Chị Trương Thị Hà (Cầu Giấy) than thở: “Mỗi tuần tôi về quê Sơn Tây một lần, đi qua đường này là như cực hình, vừa bẩn thỉu, vừa nơm nớp lo sợ mất an toàn”. Đơn vị được giao duy trì vệ sinh trên Đại lộ Thăng Long là Xí nghiệp Urenco 7 cũng kêu trời vì nạn đổ trộm phế thải trên đường gom. Lãnh đạo đơn vị này cho biết, đã bố trí công nhân thu dọn rác, quét hút hàng ngày trên toàn tuyến nhưng vẫn không xuể, cứ sau một đêm là đất thải, phế liệu lại tràn lan trên hai nhánh đường gom.
Thời gian gần đây, bùn đất còn được “tăng cường” thêm từ công trình thi công đường ống nước sạch sông Đà giai đoạn 2. Nhiều đoạn tuyến công trình rào chắn sơ sài, bùn đất tràn ra lòng đường, có đoạn còn gây sụt lún, nứt cả mặt đường. Nguyên vật liệu, máy móc phục vụ thi công để vương vãi trên mép đường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, nhiều xe tải chở đất từ các công trình xây dựng nhà cao tầng dọc hai bên đường, hoặc trong khu vực quận Nam Từ Liêm còn lũ lượt kéo về đây đổ đất thải. Người dân lấy đất trồng cây cũng tập kết cả trên lòng đường như sân nhà mình.
Điều đáng nói là đi dọc tuyến đường gom Đại lộ Thăng long, cả ngày hầu như không gặp bóng dáng lực lượng chức năng nào tuần tra, kiểm soát; ban đêm lại càng hiếm thấy. Chính vì vậy mà nạn đổ trộm phế thải, bùn đất trên tuyến diễn ra ồ ạt trong suốt một thời gian dài; các trạm trộn bê tông hay dự án đang xây dựng dọc tuyến cũng ngang nhiên tàn phá đường, hè, gây ô nhiễm môi trường bất chấp pháp luật.
Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga nhìn nhận: “Đó là sự bất lực trong quản lý của lực lượng chức năng địa phương. Sự bất lực có thể dần dần trở thành sự thờ ơ, hờ hững, thậm chí là “bật đèn xanh” cho bùn đất, phế thải “bức tử” một trong những tuyến đường quan trọng nhất, đẹp nhất của Thủ đô Hà Nội”.