| Hotline: 0983.970.780

Đánh thức tiềm năng hồ Dầu Tiếng

Thứ Ba 14/01/2020 , 09:23 (GMT+7)

Công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng vốn có tiềm năng cực lớn với nhiệm vụ ban đầu là cung cấp nước cho nông nghiệp và sinh hoạt suốt hơn 30 năm qua. 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp (thứ 2 từ phải qua), ông Nguyễn Tiếp Tân (bìa trái), ông Trần Quang Hùng (bìa phải, Chủ tịch và Giám đốc công ty Thuỷ lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa) cùng chủ đầu tư dự án điện mặt trời tại vùng bán ngập hồ Dầu Tiếng.
 
Nay, nó đã được “đánh thức” và nâng tầm lên đa mục tiêu, thành công trình an ninh Quốc gia, càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Nhiệm vụ ban đầu của công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng là cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt. Nhưng hiện nay, công trình có thêm nhiệm vụ mới, đó là phát huy tối đa tiềm năng, trở thành công trình “Đa mục tiêu”.
Cụ thể, ngoài nhiệm vụ chính, công trình còn có thêm các dịch vụ thuỷ lợi khác, đó là phát triển điện mặt trời, khai thác khoáng sản cát, trồng rừng, khai thác nguồn lợi thuỷ sản và phát triển du lịch. Không những thế, công trình còn được nâng cao vai trò, được xếp vào công trình an ninh Quốc gia. Chính vì thế, nhiệm vụ, trọng trách của đơn vị được giao quản lý, bảo vệ công trình hồ Dầu Tiếng là công ty Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa cũng trở nên nặng nề hơn, vất vả hơn. 
 
Thời gian qua, với sự điều phối và quản lý của Công ty Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa mà hệ thống các kênh chính, nhánh đều được hiện đại hóa đồng bộ, cung cấp nước ổn định cho cả 3 vụ sản xuất trong năm. Hiện Chính phủ đã có đề án kiên cố hóa cho hệ thống kênh từ hồ Dầu Tiếng, với vai trò và nhiệm vụ của mình công ty đang đẩy nhanh thực hiện đề án trên, đặc biệt là hệ thống kênh đông. Khi các dự án hoàn thiện, sẽ đảm bảo tốt hơn về lượng tích nước của hồ, nâng cao khả năng cung ứng nước và giảm thiểu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu.
 
Hệ thống pin mặt trời ở vùng bán ngập, nhìn đã đẹp mắt.
 
Về trồng rừng và phát triển du lịch, vừa qua, tỉnh Tây Ninh đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án bảo vệ và phát triển rừng, kết hợp với du lịch sinh thái tại đảo Nhím trong hồ Dầu Tiếng. Dự án gồm các hạng mục cải tạo, phục hồi lại toàn bộ diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng trên đảo Nhím, phục hồi cảnh quan để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Sau khi dự án hình thành, sẽ kết nối chuỗi du lịch sinh thái hồ Dầu Tiếng với Khu du lịch núi Bà Ðen bằng hệ thống cáp treo từ đỉnh núi Bà Ðen đến đảo Nhím, để phục vụ khách tham quan. 
 
Một tiềm năng kinh tế lớn của công trình hồ Dầu Tiếng đã được khởi động, đó là điện mặt trời trên mặt nước hồ và vùng bán ngập. Tháng 6 vừa qua, 2 trong 3 cụm Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng DT1 và DT2 đã khánh thành, hòa lưới điện quốc gia. Đây được coi là tổ hợp điện mặt trời lớn nhất châu Á. Sau khi hoàn thành cả 3 cụm, dự kiến sản xuất khoảng 4,3 triệu kWh/ngày (1,56 tỷ kWh/năm), bằng khoảng 1/5 nhà máy thủy điện Hòa Bình.
 
Nhìn từ trên xuống, những tấm pin năng lượng điện mặt trời tạo ra một góc cảnh quan đẹp như tranh.
 
Ông Trần Quang Hùng, quyền Giám đốc Công ty Khai thác Thuỷ lợi Dầu Tiếng – Phước Hoà, đơn vị đang quản lý, khai thác công trình hồ Dầu Tiếng, trăn trở: “Với vai trò của công trình như vậy, nhiệm vụ của chúng tôi không hề đơn giản. Với sự nỗ lực hết mình, thời gian qua, các hoạt động, vận hành của công trình đang đi vào quỹ đạo, trong sự kiểm soát chặt chẽ. Một trong những kết quả thấy trước mắt, đó là lâu nay, hoạt động khai thác cát trong lòng hồ khiến nguồn nước bị ô nhiễm, nhưng sau một thời gian “siết” hoạt động khai thác cát, thì nước trong hồ đã hết ô nhiễm, trong trở lại”. 

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Bình luận mới nhất