| Hotline: 0983.970.780

'Đất hóa đá, nông dân phát điên' vì nắng hạn

Chủ Nhật 04/09/2022 , 10:10 (GMT+7)

Nhiều vùng nông thôn của Trùng Khánh, Trung Quốc đang chìm trong im lặng với nhiệt độ ngoài trời lên tới 42 độ C và không có nông dân nào dám bén mảng ra đồng.

Bà Zhou Qi (đứng trước), một nông dân ở làng Xinshi, Trùng Khánh, nói rằng tất cả các cây trồng của gia đình đều đã chết khô. Ảnh: CNA / Emil Wan

Bà Zhou Qi (đứng trước), một nông dân ở làng Xinshi, Trùng Khánh, nói rằng tất cả các cây trồng của gia đình đều đã chết khô. Ảnh: CNA / Emil Wan

Thời tiết quá oi bức khiến cho cả con người lẫn mùa màng bị ảnh hưởng, trong bối cảnh lạm phát lương thực tăng cao. Nhiều nông dân cho biết, họ phải bắt đầu làm việc trên cánh đồng lúc 3 giờ sáng vào những ngày này, và khi có ánh mặt trời là họ phải tìm nơi trú ẩn là những bóng râm hoặc vào trong nhà.

Ông Wang Yong Fu, 70 tuổi, người đã gắn bó cả đời với công việc đồng áng chỉ tay vào những cây cà chua đang héo rũ, teo tóp do điều kiện thời tiết khắc nghiệt nói: “Vấn đề quan trọng lúc này là không thể làm ăn gì nổi. Cho dù có cố đến mấy cũng không thể, mặc dù chúng tôi vẫn ra đồng hàng ngày”.

Nhiệt độ cao kéo dài suốt nhiều tuần lễ và không có mưa đã khiến 66 con sông và 25 hồ chứa ở Trùng Khánh bị cạn trơ đáy. Tại địa phương này có nơi nhiệt độ đỉnh điểm lên tới mức kỷ lục 45 độ C trong tháng qua.

Theo CNA, tháng 7 và tháng 8, Trung Quốc trải qua đợt nắng hạn kéo dài và gay gắt nhất kể từ khi các kỷ lục khí tượng bắt đầu được ghi nhận vào năm 1961

Nắng nóng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp ở nhiều vùng lương thực trọng điểm của đất nước và có thể dẫn đến lạm phát lương thực cao hơn nữa trong tương lai.

Một số nông dân địa phương cho biết, họ chỉ có thể thu được năng suất thấp hơn 80% so với những mùa vụ trước đây. “Tôi sản xuất trên hai cánh đồng. Tất cả các cây trồng đều khô nẻ và chết cháy. Đất thì đã cứng như đá”, Zhou Qi, nông dân 73 tuổi ở làng Xinshi, Trùng Khánh than thở.

Trong khi đó, Đài quan sát Khí tượng trung ương cảnh báo rằng đợt nắng nóng chưa từng có sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến việc sản xuất các loại cây trồng quan trọng như đậu tương, lúa mì và ngô.

Thậm chí các chuyên gia còn cảnh báo, máy móc nông nghiệp có xu hướng bắt lửa dưới nhiệt độ cao, điều này khiến người nông dân ít dám sử dụng chúng trong mùa hè này.

Hiện đã bước sang thời điểm mùa gieo trồng mới ở Trung Quốc nhưng các chuyên gia cho biết tác động của hạn hán sẽ còn âm ỉ cho tới khi đến mùa thu hoạch. “Các loại rau ăn lá rất nhạy cảm với nhiệt độ. Vì vậy, ngay cả khi không có hạn hán, chỉ cần vài ngày liên tiếp nền nhiệt ở ngưỡng 40 độ C, là nó đã gây thiệt hại năng suất”, Even Pay, chuyên gia phân tích nông nghiệp thuộc công ty khởi nghiệp phân tích chính sách Trivium China cho biết.

Cánh đồng cà chua héo rũ vì thiếu nước tưới. Ảnh: CNA

Cánh đồng cà chua héo rũ vì thiếu nước tưới. Ảnh: CNA

Giá rau xanh các loại cùng với trái cây tươi đã tăng lần lượt 12,9% và 16,9% trong tháng Bảy, so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi giá thịt lợn cũng đã tăng 20,2% trong tháng Bảy, so với cùng kỳ năm trước.

Theo thống kê của chính phủ Trung Quốc, hơn hai triệu ha đất canh tác và 350.000 vật nuôi đã bị ảnh hưởng do đợt nắng nóng và hạn hán mùa hè lịch sử năm nay.

Ông Wang, một nông hộ nhỏ vừa trồng lúa và các loại rau cho biết, một số con gà của gia đình đã chết. “Khoảng 10 ngày nay, chuồng gà vì nóng quá đã khiến cả con gà to nhất nặng hơn 4kg cũng chết”.

Giới chuyên gia cho hay, nếu không có biện pháp làm mát, chỉ cần nhiệt độ 40 độ C trong vài ngày là gia súc, gia cầm đều chết nóng. Ngoài ra hiện còn một yếu tố khác đang đẩy lạm phát lên cao là chi phí nhập khẩu ngũ cốc ngày càng tăng, do hạn hán khiến mực nước các sông xuống thấp đến mức một số tuyến đường vận chuyển nội địa không còn khả thi.

Sông Dương Tử là kênh hậu cần quan trọng để vận chuyển các mặt hàng nông sản nhập khẩu như ngô và đậu tương, và thường được bốc dỡ tại một cảng ở Vũ Hán để chế biến thành thức ăn chăn nuôi phục vụ các khu vực ở miền trung Trung Quốc.

Tuy nhiên các kênh vận chuyển này đã bị chia cắt, đứt gãy  và buộc các tàu phải dỡ hàng gần bờ biển hơn nhiều, điều này làm đội thêm thời gian và chi phí. Nhiều ngày qua, một số nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn cho biết họ sẽ tăng giá sản phẩm cho lợn, gia cầm và thủy sản.

Lão nông  Wang Yong Fu, 70 tuổi, than rằng không thể trồng bất kỳ loại cây trồng nào trong đợt nắng nóng khắc nghiệt này. Ảnh: CNA 

Lão nông  Wang Yong Fu, 70 tuổi, than rằng không thể trồng bất kỳ loại cây trồng nào trong đợt nắng nóng khắc nghiệt này. Ảnh: CNA 

Các khu vực bị ảnh hưởng bởi hạn hán chiếm khoảng 30% diện tích sản xuất lúa của Trung Quốc. Nhưng ngay cả khi thiếu gạo - một loại lương thực chính ở quốc gia trên 1,3 tỷ dân, các chuyên gia cho biết chính phủ có khả năng ổn định giá lương thực bằng cách khai thác các kho dự trữ quốc gia.

Dự trữ lương thực của Trung Quốc là lớn nhất thế giới, đủ để cung cấp cho dân số nước này trong vòng một năm, ngay cả khi mất mùa toàn diện trong năm nay. Wang Dan, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Hang Seng cho biết: “Tôi không nghĩ rằng sẽ có một cuộc khủng hoảng lương thực trong thời điểm này”.

(CNA)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.