| Hotline: 0983.970.780

Điện lực Lai Châu tự ý vào nhà dân trồng cột điện

Thứ Ba 30/03/2021 , 17:38 (GMT+7)

Bà Nguyễn Thị Huệ trở về nhà ở bản Máy Đường, thị trấn Tam Đường (huyện Tam Đường, Lai Châu) và không khỏi ngỡ ngàng khi vườn nhà xuất hiện thêm 2 cột điện mới.

Sau khi tự ý vào nhà dân trồng cột điện, Công ty Điện lực Lai Châu còn để bừa bãi vật liệu trong nhà dân. Ảnh: H.Đ

Sau khi tự ý vào nhà dân trồng cột điện, Công ty Điện lực Lai Châu còn để bừa bãi vật liệu trong nhà dân. Ảnh: H.Đ

Lo lắng vì xâm nhập tư gia bất hợp pháp

Sau thời gian đi làm việc xa, bà Nguyễn Thị Huệ trở về nhà ở bản Máy Đường, thị trấn Tam Đường (huyện Tam Đường, Lai Châu) không khỏi ngỡ ngàng khi vườn nhà xuất hiện thêm 2 cột điện mới.

Trong khi đó, gia đình bà không nhận được bất kỳ thông báo nào từ Công ty Điện lực Lai Châu khi triển khai trồng cột điện mới trong diện tích đất của gia đình.

“Thời gian tôi có việc bận ở xa không có nhà, mặc dù tôi đã khóa cổng nhưng khi về nhà tôi phát hiện thấy cửa cổng nhà tôi bị phá khóa và đã có người xâm nhập trái phép trên đất nhà tôi.

Sau khi vào kiểm tra tôi thấy có cát đá, vôi vữa bừa bãi từ cổng vào sân, hè rồi ra cả vườn. Hoa màu trong vườn bị dẫm nát, đường nước bị bục vỡ, rác thải thì bừa bãi trong vườn và có 2 cột điện mới được dựng trên đất của nhà tôi. Hiện trạng đất nhà tôi bị thay đổi.

Tôi đã nhiều lần liên lạc phía điện lực Lai Châu để xác minh sự việc và nếu đúng do bên điện lực làm thì cùng nhau giải quyết. Tuy nhiên tôi không nhận được câu trả lời thoả đáng. Tôi thực sự rất lo lắng mỗi khi xa nhà khi mà ngôi nhà tôi không được an toàn như vậy”, bà Huệ bức xúc.

Ông Trần Xuân Bộ - Trưởng bản Máy Đường cho biết, việc xây dựng, thay thế đường dây mới cấp điện cho người dân ở bản được thực hiện từ năm cuối 2019-2020, tuy nhiên không phải tất cả các vị trí trồng cột, điện lực đều trao đổi, thông qua bản trong đó có cột điện ở nhà bà Huệ.

“Cột đấy trước kia cũng không trao đổi gì với bản cả. Bên điện lực họ làm là cứ thế làm thôi”, ông Bộ nói.

Hỗ trợ bồi thường 200 nghìn đồng

Tại vườn nhà bà Nguyễn Thị Huệ, ngoài 2 cột điện mới còn có cột điện cũ. Trước đây điện lực Lai Châu sử dụng cột điện này để truyền tải. Tuy nhiên, từ khi có đường dây mới, cột cũ không sử dụng song cũng không tháo dỡ đi.

Ông Trần Phương – Phó phòng Quản lý đầu tư Công ty Điện lực Lai Châu xác nhận việc thay thế cột, đường điện mới tại bản Máy Đường và trước khi triển khai đã thông báo cho chính quyền địa phương.

Với trường hợp nhà bà Nguyễn Thị Huệ, ông Phương cho biết, được hỗ trợ đền bù là 200 nghìn đồng tuy nhiên người dân không nhận số tiền đền bù này mà lấy lý do xâm nhập cư gia bất hợp pháp.

“Giá đất không thể bồi thường vượt khung, chỉ theo quy định của nhà nước. Cột hạ thế cần khoảng 4m2 để còn tiếp địa xung quanh nhưng thực ra không đáng kể… chỉ khoảng 1m2”, ông Phương nói.

Ông Phương cho rằng, việc triển khai dựng cột mới thực ra chỉ là hoán đổi vị trí, bởi cột cũ đã có từ trước, đã được thống kê đền bù cho dân và vận hành trong nhiều năm. Tuy nhiên, để tiếp cận hồ sơ thì phải có thời gian để bố trí người tìm lại do việc giải phóng mặt bằng tại đây đã thực hiện từ lâu.

“Tôi cũng trao đổi nếu bà Huệ không đồng ý sẽ nhổ cột mới khỏi vườn để kéo dây vào vị trí cột cũ”, ông Phương đưa giải pháp xử lý việc xâm phạm vào nhà dân.

Trước nội dung trên, bà Huệ cho rằng, gia đình chưa nhận được đền bù cột điện cũ và bà sẽ đề nghị Công an huyện Tam Đường xem xét, xác minh về sự việc xâm nhập cư gia bất hợp pháp và phá hoại tài sản của công dân, để gia đình yên tâm mỗi khi vắng nhà.

Được biết, tháng 8/2019, Công ty Điện lực Lai Châu bắt đầu triển khai triển khai thi công công trình giảm bán kính cấp điện, chống quá tải cho các trạm biến áp ở: Khu tái định cư, Huổi Ke, Tiên Bình, Cò Lá (huyện Tam Đường) theo đó xây dựng mới 1,08km đường 35kV và 4 trạm biến áp tại xã Sơn Bình, thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường.

Công ty Điện lực Lai Châu còn chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế phối hợp cùng nhà thầu xây lắp khôi phục và bàn giao tuyến mốc của công trình để tiến hành thi công; thực hiện kiểm đếm, bồi thường, hỗ trợ tái định cư (nếu có) và quá trình triển khai thi công.

Tuy nhiên, không hiểu vì sao việc xây dựng đường điện mới vẫn thực hiện một cách tuỳ tiện như vậy.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.