Cư dân có thể liên hệ trực tiếp với Công ty Điện lực Thanh Xuân
“Bí thư quận Thanh Xuân đã hỏi tôi về việc Chủ đầu tư chung cư Việt Đức Complex vì sao lại để người dân bức xúc, nghi vấn bị chặt chém tiền điện. Chủ đầu tư chưa bàn giao khách hàng, bàn giao tài sản nên chúng tôi chưa thể bán điện trực tiếp cho dân”, ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Xuân, cho biết hôm 12/10.
Về giá bán điện, ông Phương cho biết căn cứ văn bản số 6157/BCT-ĐTĐL và Thông tư 25/2018 của Bộ Công thương, Công ty Điện lực Thanh Xuân đã áp định mức số hộ dùng sau công tơ tổng theo hồ sơ mà Chủ đầu tư và Ban quản lý tòa nhà cung cấp. Việc treo công tơ bán điện đến từng hộ trong tòa nhà là việc của Ban quản lý và Chủ đầu tư.
“Không có chuyện Công ty Điện lực Thanh Xuân nhờ “bán hộ” hay “thu hộ”. Chúng tôi cũng không móc nối với Chủ đầu tư để trục lợi”, ông Phương nói.
Về nghi vấn của cư dân trong chuyện các đơn vị “đá bóng trách nhiệm”, khiến người dân chịu thiệt, ông Phương cho biết: “Chúng tôi chưa nhận được đơn thư đề nghị của cư dân để bán điện trực tiếp. Chủ đầu tư chưa bàn giao nên chúng tôi chưa có căn cứ nào để lắp đặt công tơ đúng quy chuẩn cho hộ dân”.
Theo ông Phương, khách hàng đã mua nhà tại Việt Đức Complex có thể liên hệ trực tiếp với Công ty Điện lực Thanh Xuân để được tư vấn, hướng dẫn thủ tục lắp đặt công tơ đúng quy chuẩn. Ngoài ra, khách hàng cũng có thể làm đơn gửi Công ty Điện lực Thanh Xuân đề nghị hỗ trợ.
Ông Phương cũng cung cấp các văn bản cho thấy Chủ đầu tư đã được nghiệm thu hoàn thành tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy từ tháng 8/2019.
Lãnh đạo Công ty Điện lực Thanh Xuân cho biết đây là tiêu chí quan trọng để ngành điện có căn cứ lắp đặt công tơ, đường dây đến từng hộ gia đình. “Việc vì sao Chủ đầu tư hơn một năm qua không bàn giao thì chúng tôi không hiểu được. Số điện trên công tơ có “nhảy múa” hay không thì phải qua kiểm định kỹ thuật, đối chiếu sổ sách giữa các bên”.
Coi thường pháp luật
Chung cư Sông Đà – Việt Đức Complex có tổng diện tích 11.754m2, gồm 4 tòa nhà cao hơn 20 tầng, có 3 tầng hầm, 3 tầng trung tâm thương mại dịch vụ, 24 tầng căn hộ.
Chủ đầu tư là liên danh Công ty cổ phần đầu tư Sông Đà – Việt Đức. Năm ngoái, Cục Phòng cháy chữa cháy & Cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an ra quyết định xử phạt Chủ đầu tư chung cư Sông Đà Việt Đức Complex có địa chỉ tại số 164 Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân (Hà Nội) số tiền là 80 triệu đồng vì chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy đã để cư dân vào ở.
Chủ đầu tư còn ra thông báo nếu chủ sở hữu căn hộ trên hợp đồng không đến nhận bàn giao thô, Chủ đầu tư sẽ tự hoàn thiện với giá 6 triệu đồng/m2. Sau 80 ngày kể từ ngày bàn giao, chủ căn hộ phải hoàn thiện nội thất, nếu không sẽ bị xử phạt 100 nghìn đồng/ngày.
Sức ép của chủ đầu tư khiến nhiều khách hàng khi đó vội vã chuyển nhà đến ở, dù không được đảm bảo an toàn cháy nổ.
Hơn một năm qua, Chủ đầu tư Sông Đà – Việt Đức Complex cố tình chây ỳ không thực hiện việc bàn giao danh sách các chủ căn hộ để công ty Điện lực Thanh Xuân kí hợp đồng trực tiếp. Và cư dân sinh sống tại chung cư Sông Đà – Việt Đức Complex đang phải chịu giá điện cao bất thường.
Cách hành xử 'độc quyền' của Chủ đầu tư trong việc lắp công tơ điện, bán điện cho các hộ dân cứ như thể Chủ đầu tư là một đơn vị trung gian kinh doanh điện. Vậy Chủ đầu tư Sông Đà – Việt Đức Complex có được phép kinh doanh điện hay không? Câu trả lời là: Không.
Do ngành điện chỉ thu từ công tơ tổng nên nhiều cư dân bị "chặt chém" tiền điện nghi ngờ họ đang phải gánh cả chi phí điện của khu thương mại, điện chiếu sáng, điện thang máy.... Những chi phí điện này đáng ra phải hạch toán vào phí dịch vụ.
Ngoài ra, Điện lực Thanh Xuân thu tiền từ 1 công tơ với Chủ đầu tư cũng đồng nghĩa với việc cư dân phải trả tiền điện sinh hoạt theo giá điện kinh doanh.
Theo NNVN, UBND Quận Thanh Xuân và ngành điện cần kiểm tra làm rõ chi phí chênh lệch tiền điện mà người dân phải gánh chịu trong suốt một năm qua. Nếu số dư lớn, cần chuyển cơ quan điều tra xác định có dấu hiệu của hành vi lợi dụng, chiếm đoạt tài sản của cư dân hay không?