| Hotline: 0983.970.780

Đoạn kết của người hùng dọn dẹp vỉa hè Sài Gòn

Thứ Bảy 07/09/2019 , 07:10 (GMT+7)

Sau gần 3 tháng xin nghỉ không lương, ông Đoàn Ngọc Hải đã được lãnh đạo TPHCM đồng ý cho từ chức Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn.

Như vậy, người hùng dọn dẹp vỉa hè từng gây xôn xao dư luận một thời, đã được thôi việc.

00-45-42_ong_don_ngoc_hi
Ông Đoàn Ngọc Hải.

Đến nay, xét trong đội ngũ cán bộ Việt Nam ở cấp sở, có lẽ ông Đoàn Ngọc Hải là hiện tượng gây tranh luận nhiều nhất. Người khen ông Đoàn Ngọc Hải cũng nhiều, mà người chê ông Đoàn Ngọc Hải cũng không ít.

Xuất thân là một nhân viên thu thuế, ông Đoàn Ngọc Hải từng trải qua nhiều chức vụ nho nhỏ trước khi được ngồi ghế Phó Chủ tịch UBND quận 1 - TPHCM. Chức vụ của ông Đoàn Ngọc Hải có to không? Chỉ được nhận lương bổng ngang với Phó Giám đốc Sở thôi, nhưng địa bàn mà ông Đoàn Ngọc Hải công tác lại là khu vực trung tâm Sài Gòn, nơi tụ hội những giá trị tiêu biểu nhất của thành phố nhộn nhịp nhất Việt Nam. Cư dân của quận 1 gồm những ai? Người quyền lực cũng có, người giàu sang cũng có, người bần hàn cũng có, mà người giang hồ cũng có. Vì vậy, ra oai ở quận 1, chưa bao giờ là chuyện múa gậy vườn hoang.

Ông Đoàn Ngọc Hải được giao lĩnh vực quản lý đô thị. Cái vị trí ấy, nhiều người đã kinh qua xuôi chèo mát mái, với những kiểu thỏa hiệp khéo léo và với những kiểu thương lượng khôn ngoan. Ông Đoàn Ngọc Hải thì khác. Một ngày đẹp trời của tháng 1/2017, ông Đoàn Ngọc Hải thành lập đội phối hợp liên ngành để ra quân lập lại trật tự lòng lề đường.

Rất hào hứng, rất khí thế!  Bước đầu tuy thành công, nhưng chiến dịch của ông Đoàn Ngọc Hải teo tóp dần, hạ nhiệt dần. Vì trót tuyên bố “không lấy lại được vỉa hè cho người đi bộ sẽ cởi áo về vườn” nên ngày 8/1/2018 thì ông Đoàn Ngọc Hải viết “Đơn xin từ chức”. Ai cũng xót xa và ai cũng nuối tiếc cho ông Đoàn Ngọc Hải. Đùng một cái, ngày 12/5/2018, ông Đoàn Ngọc Hải lại thay đổi ý kiến bằng cách viết “Đơn rút đơn từ chức” với lý do “tôi thấy mình cần tiếp tục làm việc, cống hiến khả năng sức lực để phục vụ nhân dân, góp phần nhỏ bé vào việc xây dựng thành phố và đúng với trách nhiệm của người đảng viên".

Ông Đoàn Ngọc Hải tiếp tục làm Phó Chủ tịch UBND quận 1 được một năm. Ngày 4/6/2019, UBND TPHCM công bố quyết định điều chuyển ông Đoàn Ngọc Hải sang làm Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty xây dựng Sài Gòn. Chức vụ thì ngang nhau, không có gì mất mát thu nhập hoặc hao tổn danh dự. Thế nhưng, quyết định vừa công bố buổi sáng thì buổi chiều ông Đoàn Ngọc Hải lại nộp đơn xin từ chức.

Hành động của ông Đoàn Ngọc Hải thực sự làm choáng váng những lãnh đạo cấp trên. Ngay tại hành lang kỳ họp Quốc hội, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm vừa rời cương vị Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM, không che giấu sự bất ngờ xen lẫn sự thất vọng: "Mỗi người có một cách ứng xử của mình sao cho chuẩn mực. Tôi thì rất quý anh Đoàn Ngọc Hải trong tâm huyết, đóng góp cho sự phát triển của thành phố. Là một cán bộ trẻ, mình cũng muốn tạo điều kiện cho phát triển. Nhưng ứng xử vừa rồi của anh Đoàn Ngọc Hải cũng làm tôi rất ngạc nhiên và cũng rất khó hiểu đối với một cán bộ, đảng viên.

Không phải việc gì tổ chức làm cũng phải đi nói hết cho người dân nghe được, vì có những vấn đề nội bộ. Cho nên trong một chừng mực nào đó, ứng xử của anh Đoàn Ngọc Hải thiếu tôn trọng với tổ chức. Tự bản thân mình thiếu tôn trọng bản thân mình. Bởi vì nói cho cùng muốn người ta tôn trọng, đánh giá đúng được mình thì trước hết phải tôn trọng mình và phải có ứng xử chuẩn mực".

Hành động xin từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải có thông điệp phản đối công tác sắp xếp nhân sự không phù hợp, đã tạo những ý kiến trái chiều trên các diễn đàn. Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Lê Vĩnh Tân cũng quan tâm đến vụ việc của ông Đoàn Ngọc Hải, và nhận định: "Cán bộ phân công là do tổ chức, còn người cán bộ đó cảm thấy khả năng, trình độ của mình như thế nào, có phù hợp hay không thì có quyền báo với tổ chức, còn quyền quyết định là do tổ chức". Tuy nhiên, rắc rối xung quanh lá đơn từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải không phải vấn đề dễ giải quyết đối với nhiều vị lãnh đạo TPHCM. Sở Nội vụ TPHCM đã có những bước tham mưu cho UBND TPHCM để giải quyết theo quy trình.

Nếu trừ đi buổi sáng có mặt tại Tổng Công ty xây dựng Sài Gòn để nhận quyết định bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc, thì ông Đoàn Ngọc Hải chưa từng đi làm ngày nào ở đây. Gia đình ông Đoàn Ngọc Hải rất khá giả, nên thu nhập không phải là điều quá đáng bận tâm. Và có lẽ ông Đoàn Ngọc Hải cũng không đòi hỏi quyền lợi vật chất gì khi từ giã cuộc đời công chức. Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM- Trần Lưu Quang thẳng thắn: “Theo ý kiến cá nhân tôi, anh Đoàn Ngọc Hải một khi không còn muốn làm thì nên cho nghỉ. Trong bụng đã không muốn làm, thì sao có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được”.

Ông Đoàn Ngọc Hải từng có hai cái đơn xin từ chức, một cái nộp ngày 8/1/2018 và một cái nộp ngày 4/6/2019. Ông Đoàn Ngọc Hải cũng từng có một cái “Đơn rút đơn từ chức” nộp ngày 12/5/2018. Với tình hình hiện tại, ông Đoàn Ngọc Hải dường như không còn cơ hội để có cái “Đơn rút đơn từ chức” thứ hai. Đó là câu chuyện đáng buồn hay đáng vui, có lẽ chỉ riêng mình ông Đoàn Ngọc Hải mới cảm nhận đầy đủ mà thôi.

(Kiến thức gia đình số 36)

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm