| Hotline: 0983.970.780

Dự án đê bao 200 tỷ 'đắp chiếu' vì thiếu đất

Thứ Sáu 17/03/2023 , 07:56 (GMT+7)

Dự án đê bao ngăn lũ phí nam sông Krông Ana được khởi công từ năm 2020 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành do thiếu 120.000m3 đất đắp.

Dự án dừng, máy móc "trùm mền"

Dự án Đê bao ngăn lũ phía nam sông Krông Ana được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt tháng 10/2018. Công trình đi qua 3 xã Đắk Liêng, Buôn Tría và Buôn Triết của huyện Lắk với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng. Trong đó 70 tỷ đồng ngân sách tỉnh và 130 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương bổ sung cho các công trình chống hạn cấp bách thuộc Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư.

Dự án do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh (gọi là Ban tỉnh) làm chủ đầu tư. Nhà thầu chính thi công công trình do Liên danh Đê bao ngăn lũ Tây Nguyên gồm 5 công ty thực hiện với thời gian từ ngày 1/10/2020 đến 31/12/2023.

Tổng khối lượng đất đắp của dự án này cần 159.000m3, trong đó mới thi công và đắp được khoảng 39.000m3, như vậy để hoàn thành công trình còn thiếu gần 120.000m3.

z4186680582680_d32bbd14e2a88b101139d090f34c7995 (1)

Máy móc của các đơn vị thi công hoạt động cầm chừng hoặc "đắp chiếu" vì thiếu mỏ vật liệu. Ảnh: Quang Yên.

Trong quá trình khảo sát, thiết kế, chủ đầu tư đã tổ chức đánh giá trữ lượng, chất lượng của 8 mỏ vật liệu (trong đó sử dụng 2 mỏ và 6 mỏ dự phòng). Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Lắk chưa có mỏ đất san lấp nào được cấp phép khai thác. Trong quá trình triển khai thi công, để tiết kiệm chi phí vận chuyển, chủ đầu tư đã thống nhất sử dụng mỏ số 2 và mỏ 6.

Tuy nhiên, các mỏ đất của dự án đã được đưa vào quy hoạch sử dụng đất không nằm trong quy hoạch khoáng sản đã được phê duyệt UBND tỉnh phê duyệt. Do đó, chưa đủ cơ sở để Sở Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác nên không có vật liệu để đắp.

Thiếu vật liệu đất đắp buộc nhà thầu phải rút máy móc, thiết bị về, quá trình thi công phải tạm dừng từ tháng 6/2022.

Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Đình Hải, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Sài Gòn, một trong những Liên danh các nhà thầu cho biết, đơn vị đảm nhận thi công 8 km bờ đê của dự án.

Hiện nay, doanh nghiệp mới triển khai đắp được 3km, còn lại 5km không có đất đắp nên buộc phải tạm dừng, kéo máy móc về. Việc thiếu nguồn đất đắp khiến nhà thầu gặp không ít khó khăn, bởi giá nguyên, vật liệu hiện tại tăng gần gấp đôi so với giá ở thời điểm đấu thầu (năm 2020).

“Trước đây chúng tôi có xin ý kiến với huyện về việc mua đất của người dân để san lấp thì được đồng ý. Tuy nhiên mới mua được ít thì phải dừng lại vì cơ quan cấp trên không cho phép. Việc không có đất đắp khiến nhà thầu chịu thiệt hại nặng vì máy móc, công nhân đưa xuống dự án phải di chuyển nhiều lần”, ông Hải chia sẻ.

z4186680598411_e63f822a19d281c9e43aaf562eb3e0b3 (1)

Dự án mới thi công được chưa đến 50% khối lượng công trình. Ảnh: Quang Yên.

Còn ông Nguyễn Hữu Xưởng, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Ngũ Hành Sơn cho hay, đặc thù thi công công trình thủy lợi chỉ được 6 tháng mùa khô, thậm chí năm nào mưa nhiều thì thời gian này rút ngắn lại, có khi chỉ được 4 - 5 tháng.

Theo ông Xưởng, hiện Đắk Lắk đã sang tháng 3, nhưng một số vị trí mặt bằng chưa được bàn giao, cộng thêm vấn đề thiếu đất đắp mặt đê nên đơn vị buộc phải rút hết máy móc, thiết bị về từ giữa năm 2022.

“Trước đây doanh nghiệp tự bỏ tiền túi ra để mua đất của người dân để đắp cho dự án nhưng bị công an yêu cầu ngưng vì chưa được cấp phép. Đơn vị được giao thi công gần 4km đường nhưng đến nay mới đắp đất, triển khai được gần 1km. Số km còn là chưa được giao mặt bằng và cũng không có mỏ đất để san lấp nên máy móc, công nhân chỉ hoạt động cầm chừng gây thiệt hại rất lớn”, ông Xưởng nói.

Sẽ chậm tiến độ nếu thiếu đất kéo dài

Theo kế hoạch, gần 10 tháng nữa, dự án đê bao phải hoàn thành đưa vào sử dụng. Tuy nhiên do đang thiếu một khối lượng đất đắp lớn, khối lượng thực hiện và tỷ lệ giải ngân đạt thấp, trong khi mùa mưa lại sắp tới, để kịp tiến độ dự án là điều rất khó.

Cụ thể, đối với công trình thân đê, đoạn qua xã Buôn Tría, nhà thầu mới nhận được 1,7/4,87km mặt bằng, trong đó đã đắp đất được khoảng 1km; một số đoạn chưa được bàn giao mặt bằng. Tương tự, đoạn đê bao thuộc địa phận xã Buôn Triết nhà thầu mới chỉ đắp đất được 2,7/8km và còn 0,5km chưa bàn giao mặt bằng.

Bên cạnh đó, một số hạng mục công trình trên đê thi công dở dang hoặc chưa thi công được như: đường điện số 1, trạm bơm số 2… Tính đến nay, dự án mới giải ngân được hơn 120,6/200 tỷ đồng (đạt hơn 60,3%).

z4186680583749_c7bfc702d470e6687d5194febf936621

Do chậm hoàn thành, mùa lũ năm trước đã gây vỡ đê bao bằng đất, nước tràn vào ruộng lúa của người dân gây thiệt hại nặng nề. Ảnh: Quang Yên.

Thời gian còn lại không nhiều, trong khi vướng mắc lớn nhất đối với việc triển khai dự án này vẫn là nguồn vật liệu đất đắp, quy trình mất nhiều thời gian.

Theo quy định hiện nay, để được cấp phép khai thác vật liệu san lấp, tổ chức, cá nhân phải thực hiện đủ 9 bước: vị trí mỏ phải nằm trong quy hoạch khoáng sản - lập hồ sơ thăm dò - lập hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác - lập báo cáo kết quả thăm dò và trình phê duyệt trữ lượng - lập hồ sơ phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, ký Quỹ bảo vệ môi trường - lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định chủ trương đầu tư - lập hồ sơ cấp phép khai thác và phê duyệt tiền cấp quyền khai thác - lập hồ sơ phê duyệt thiết kế mỏ - lập hồ sơ đất đai.

Trước thực tế đó, chủ đầu tư kiến nghị với UBND tỉnh cho phép sử dụng kết quả khảo sát, thăm dò mỏ vật liệu dự kiến sử dụng phục vụ cho dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi vào ngày 3/5/2019, để làm thủ tục cấp phép khai thác đất san lấp thi công.

Thời gian thi công kéo dài, không những tăng chi phí đầu tư xây dựng mà còn làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người dân. Vì khu vực triển khai dự án đê bao là vùng thấp trũng của huyện Lắk, tiếp giáp với sông Krông Ana nên vào mùa mưa hằng năm, nước lũ đổ về khiến nước sông và một số con suối dâng lên khiến vùng chuyên canh lúa nước ở các xã như Đắk Liêng, Buôn Tría, Buôn Triết phải gánh chịu thiệt hại rất lớn về cây trồng, thậm chí một số mùa vụ bà con nơi đây đã từng “trắng tay” hoàn toàn sau lũ.

Theo lãnh đạo UBND huyện Lắk, đã có các quy hoạch mỏ đất nhằm phục vụ cho dự án đê bao ngăn lũ phía nam sông Krông Ana. Dự kiến trong thời gian tới các mỏ được phê duyệt sẽ có nguồn đất phục vụ dự án.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm