Trong một tín hiệu đấu dịu hiếm thấy trong vòng 1 tháng qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói trên kênh truyền hình phổ thông của Đức ARD rằng, Ukraine có toàn quyền và được tự chủ quyết định việc "đi theo" Liên minh Âu-Á do ông Putin khởi xướng.
Tuyên bố này được đánh giá là tín hiệu làm hòa mới nhất từ châu Âu với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Bản thân bà Merkel không giấu diếm là chuyến đi Kiev cuối tuần trước của bà có mục đích hậu thuẫn cho đối thoại hòa bình giữa hai nhà lãnh đạo Ukraine - Nga tại Minsk vào hôm nay.
"Nếu Ukraine quyết định chọn đường đi với Liên minh Âu-Á vào lúc này, Liên minh châu Âu sẽ không bao giờ tìm cách gây hấn, nhưng đó phải là quyết định tự thân (của Ukraine)", bà Merkel nhấn mạnh.
Bà Merkel khẳng định rằng bà muốn tìm ra con đường "không làm hại Nga" vì Đức "muốn có quan hệ thương mại tốt đẹp với Nga" bởi "chúng ta đều phụ thuộc lẫn nhau cũng như có nhiều cuộc xung đột trên thế giới cần chúng ta hợp tác giải quyết".
Nhiều khả năng Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko sẽ có cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh Liên minh thuế quan tại Minsk, thủ đô Belarus ngày hôm nay, thứ Ba 26/8.
"Chúng tôi không loại trừ khả năng có cuộc gặp này", phát ngôn viên Tổng thống, ông Dmitry Peskov nói với hãng tin Itar-Tass.
Theo ông Peskov, có rất nhiều vấn đề quan trọng cần được nhắc tới trong cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo, nổi bật hàng đầu là cuộc khủng hoảng đang diễn ra sâu sắc tại Ukraine, thảm họa nhân đạo ở khu vực miền Đông và nhu cầu về việc ngừng bắn tại đây. "Việc Kiev ký thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu cũng sẽ là chủ đề nổi cộm", ông Peskov không né tránh đề cập đến các vấn đề gai góc giữa hai nước hiện nay.
Liên minh thuế quan được thành lập theo sáng kiến của Nga, nhằm tạo ra không gian tồn tại cho các nước trong khu vực trước thách thức từ Đối tác Đông Âu - một dự án của EU để hình thành khu vực thương mại tự do cho các nước Xôviết cũ.
Liên minh thuế quan sẽ chính thức đổi tên thành Liên minh Âu-Á từ ngày 1/1/2015.
Bà Merkel và ông Poroshenko tại Kiev
Khi được bầu làm Tổng thống, ông Poroshenko đã ký thỏa thuận tự do thương mại (DCFTA) với EU và cam kết sẽ phê chuẩn trong tháng 9, trước cuộc bầu cử Quốc hội mới.
Theo quy định, DCFTA không cho phép Ukraine gia nhập Liên minh thuế quan, hiện có 3 thành viên là Nga, Belarus, Kazakhstan.
Nhưng bà Merkel nói một thỏa hiệp với Moscow là có khả năng.
Bản thân ông Poroshenko cũng nói EU sẽ không làm gì chống lại một số hình thức hợp tác giữa Ukraine với Nga.
Một số nhà ngoại giao EU nhận xét quan điểm của bà Merkel thể hiện rõ đường lối không can thiệp vào chính sách ngoại giao của Kiev.
Nhưng cũng có người nghi ngờ rằng Moscow và Berlin đang "đi đêm" vượt mặt cả Brussels lẫn Kiev. Các ý kiến này dẫn thông tin công ty năng lượng Đức RWE cuối tuần qua đã bán công ty lọc hóa dầu Dea cho công ty Nga LetterOne trong thỏa thuận kinh tế trị giá 5,1 tỷ euro.
Trước đó, Phó Thủ tướng Đức cũng có nhận xét rằng liên bang hóa là giải pháp duy nhất và hữu hiệu nhất vào thời điểm này để đem đến hòa bình cho Ukraine.
Hôm qua, Ngoại trưởng Pháp cũng nhắc đến khả năng đối thoại với Nga luôn mở rộng.