| Hotline: 0983.970.780

Đường sạt lở từ mùa bão năm ngoái vẫn chưa khắc phục

Thứ Sáu 24/09/2021 , 16:02 (GMT+7)

Mùa mưa bão đã đến, thế nhưng những tuyến đường bị sạt lở vào cuối năm 2020 ở huyện Phước Sơn (Quảng Nam) vẫn chưa thể khắc phục khiến người dân vô cùng bất an.

Gần 1 năm trôi qua kể từ ngày xảy ra sạt lở, các tuyến đường ĐH1, ĐH2 và ĐH3 ở huyện Phước Sơn (Quảng Nam) vẫn chưa thể sửa chữa. Ảnh: L.K.

Gần 1 năm trôi qua kể từ ngày xảy ra sạt lở, các tuyến đường ĐH1, ĐH2 và ĐH3 ở huyện Phước Sơn (Quảng Nam) vẫn chưa thể sửa chữa. Ảnh: L.K.

Vào cuối tháng 9, đầu tháng 10/2020, mưa bão đã khiến cho huyện Phước Sơn bị thiệt hại nặng nề, đặc biệt là các tuyến đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng. Trong số đó, những con đường huyết mạch ĐH1, ĐH2, và ĐH5 vào các xã Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc bị chia cắt, cô lập hàng trăm hộ dân.

Sau khi mùa mưa bão kết thúc, việc sửa chữa khắc phục những hư hỏng trên các tuyến đường này là vô cùng cấp thiết nhằm đảm bảo giao thông, đi lại cho người dân. Huyện Phước Sơn cũng đã có các phương án để phục hồi các tuyến đường. Thế nhưng, đến nay đã gần 1 năm trôi qua, mùa mưa bão cũng đã tới nhưng các phương án này vẫn chưa thể hoàn tất thủ tục để triển khai.

Qua quan sát, các tuyến đường này đến bây giờ vẫn còn khá ngổn ngang đất đá, cành cây khô chưa được dời đi. Một số đoạn, những hòn đá to nằm trơ trọi ngay giữa mặt đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nếu như những ai đi qua có 1 thoáng bất cẩn. Đoạn khác, nhiều điểm hai bên đường hàng trăm khối đất đá trên đỉnh núi vẫn còn “chực chờ” đổ xuống mỗi khi có mưa lớn. 

Nhiều đoạn đường xuất hiện những hàm éch tiềm ẩn nguy hiểm cho người dân khi qua lại. Ảnh: L.K.

Nhiều đoạn đường xuất hiện những hàm éch tiềm ẩn nguy hiểm cho người dân khi qua lại. Ảnh: L.K.

Anh Hồ Văn C. (trú xã Phước Thành, huyện Phước Sơn) cho biết: “Mỗi lần đi qua những con đường này, người dân chúng tôi ai cũng ngán ngẩm. Bây giờ đã bước vào mùa mưa nên lại càng lo sợ hơn. Đường sá như thế này thì nguy hiểm quá, biết bao nhiêu tai họa rình rập. Trước đây nhiều vị trí phía dưới mặt đường bị khoét sâu tạo thành hàm ếch, chưa biết sẽ sụt lún bất cứ lúc nào”.

Ông Hồ Văn Phức, Chủ tịch UBND xã Phước Thành cho rằng, việc các tuyến đường ĐH1, ĐH2 và ĐH5 bị hư hỏng, cầu cống bị cuốn trôi nhưng đến nay chưa được tu sửa khiến cho người dân 3 xã Phước Lộc, Phước Kim và Phước Thành thường xuyên đi lại rất lo lắng, nhất là mỗi khi mưa lớn.

“Với tình trạng này, mùa mưa bão năm nay tình trạng cô lập sẽ có thể xảy ra. Vì vậy, địa phương rất mong lãnh đạo huyện, tỉnh có cơ chế thành lập Ban chỉ huy tiếp tục hỗ trợ giúp 3 xã vùng cao, trong đó có xã Phước Thành”, ông Phức nói.

Một số đoạn hai bên đường ngổn ngang đất đá, khả năng cao sẻ bị sạt lở mỗi khi có mưa lớn. Ảnh: L.K.

Một số đoạn hai bên đường ngổn ngang đất đá, khả năng cao sẻ bị sạt lở mỗi khi có mưa lớn. Ảnh: L.K.

Trả lời cho việc chậm thi công, sửa chữa này, ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho rằng, đây là lần đầu tiên địa phương xảy ra hiện tượng thiên tai lớn nên ứng xử của chính quyền các cấp chưa kịp thời. Theo đó, sau khi sạt lở xảy ra, trong vòng 7 ngày địa phương phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, lúc đó tất cả các lực lượng đang thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn nên không để ý.

“Qua 7 ngày thì không còn được nữa, tất cả những công trình xây dựng phải đưa vào mục đầu tư công. Mà thủ tục của đầu tư công thì phải đảm bảo đầy đủ các bước. Cho đến lúc lựa chọn nhà thầu thi công và bàn giao mặt bằng cũng mất hơn 400 ngày. Dự kiến, kinh phí sữa chữa khắc phục các tuyến đường ĐH1, ĐH2, ĐH3 và 2 cây cầu trên tuyến đường này hết khoảng 500 tỷ đồng và đến cuối quý IV/2021 mới lựa chọn được nhà thầu thi công”, ông Trung nói.

Cũng theo ông Trung, mặc dù thời điểm đó đã lựa chọn được đơn vị thi công và bàn giao mặt bằng nhưng vẫn chưa thể sửa chữa vì đúng vào thời điểm mưa bão. Do vậy, tinh thần là hư tới đâu sửa tới đó. Về mặt huyện cũng sẽ chủ động nguồn kinh phí bằng nguồn ngân sách dự phòng của huyện, đảm bảo giao thông đi lại cho nhân dân sau những trận mưa lớn.

Vị lãnh đạo huyện Phước Sơn cũng thừa nhận, vào mùa mưa bão năm nay, nguy cơ sạt lở ở các tuyến đường ĐH1, ĐH2 và ĐH5 là rất lớn. Do đó, địa phương này đã giao cho phòng Kinh tế hạ tầng khảo sát tất cả các địa điểm có nguy cơ sạt lở và sẽ cắm biển báo trước ngày 30/9. Cùng với đó là bố trí phương tiện máy móc, nhiên liệu ở những khu vực có nguy cơ sạt lở để sẵn sàng ứng phó, mở đường thông tuyến.

“Nếu sạt lở sẽ rất dễ dẫn đến tắc đường, cô lập nên chúng tôi cũng đã thực hiện phương án tích trữ lương thực  cho người dân ở 3 xã Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc và 1 bộ phận người dân xã Phước Công. Dự kiến sẽ mua khoảng 70 tấn lương thực, thực phẩm vận chuyển về tích trữ tại các nhà làng ở các thôn, xã và Trung tâm huyện. Đồng thời vận động các hộ tiểu thương trên địa bàn tích trữ lương thực, thực phẩm với phương châm nhà nước và nhân dân cùng phòng chống thiên tai”, ông Lê Quang Trung.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.