"Toàn bộ 27 nhà lãnh đạo đã nhất trí về gói viện trợ bổ sung 50 tỷ euro cho Ukraine trong ngân sách EU", ông Michel chia sẻ trên mạng xã hội X.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hoan nghênh quyết định trên, cho rằng khoản viện trợ này sẽ củng cố sự ổn định kinh tế và tài chính lâu dài của Kiev khi cuộc chiến với Nga sắp bước sang năm thứ 3.
Ukraine, vốn phụ thuộc mạnh mẽ vào các viện trợ của phương Tây khi kể từ khi xảy ra xung đột với Nga, cho biết họ dự kiến sẽ nhận được đợt viện trợ tài chính đầu tiên trị giá 4,5 tỷ euro từ EU vào tháng 3/2024.
Số tiền này sẽ được lấy từ ngân sách chung của EU và được phân bổ trong 4 năm cho Kiev để trả lương cho công chức, giữ cho các cơ quan chính phủ hoạt động và đảm bảo hệ thống phúc lợi.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban trong nhiều tháng qua đã cảnh báo rằng ông sẽ phủ quyết đề xuất này, lập luận rằng EU không biết số tiền này sẽ được chi tiêu như thế nào và không biết điều gì sẽ xảy ra ở Ukraine trong những tháng tới. Thủ tướng Orban cũng cho rằng Ukraine không thể đánh bại Nga trên chiến trường và các nhà lãnh đạo phương Tây nên thúc đẩy Kiev hướng tới một lệnh ngừng bắn và đàm phán hòa bình.
Ông Orban cũng mô tả Ukraine là "một trong những quốc gia tham nhũng nhất thế giới". Đầu tháng này, Bộ Quốc phòng Ukraine tiết lộ số tiền tham nhũng trong chi tiêu quốc phòng là 262 triệu USD, viện dẫn số liệu kiểm toán nội bộ. Tổ chức Minh bạch Quốc tế gần đây đã xếp hạng quốc gia này đứng thứ 104 trên 180 trong báo cáo Chỉ số Tham nhũng (CPI).
Đầu tuần này, tờ Financial Times tiết lộ rằng Hội đồng châu Âu đã vạch ra kế hoạch cắt giảm hỗ trợ cho Budapest và làm suy yếu nền kinh tế Hungary nếu ông Orban duy trì quyền phủ quyết. Ông Orban cáo buộc EU đang cố gắng "tống tiền" ông, và nói rằng ông đã đề xuất một "thỏa thuận có tính chất thỏa hiệp", theo đó Ukraine sẽ nhận được ít tiền viện trợ hơn mỗi năm, điều mà bất kỳ quốc gia thành viên nào cũng có thể phủ quyết.
Tuy nhiên, Brussels đã ngay lập tức từ chối đề xuất của ông Orban. "Họ nói rằng nếu chúng tôi hành xử như một quốc gia độc lập, Hungary sẽ ngay lập tức phải đối mặt với một cuộc phong tỏa tài chính lớn. Brussels thực sự có khả năng làm điều đó", ông Orban nói.
Theo các điều khoản của thỏa thuận hôm 1/2, các nhà lãnh đạo EU sẽ tiếp tục thảo luận về cách thức phân bổ gói viện trợ hàng năm, trong khi ngân sách sẽ được đánh giá lại 2 năm/lần. Nhiều nhà ngoại giao châu Âu nói với Politico rằng các biện pháp này được đưa vào để xoa dịu Thủ tướng Hungary.
Tuy nhiên, một số quan chức giấu tên khác cho rằng ông Orban không muốn nhượng bộ và đang bị gây áp lực phải chấp nhận rằng "không có lựa chọn nào khác ngoài việc nhượng bộ về khoản viện trợ cho Ukraine".