| Hotline: 0983.970.780

F0 điều trị tại nhà như thế nào?

Thứ Hai 13/09/2021 , 14:49 (GMT+7)

Nhằm giảm số ca mắc Covid-19 tử vong, biến chứng nặng, TP.HCM có nhiều giải pháp hỗ trợ, chăm sóc F0 thể nhẹ, trung bình tại nhà trước bối cảnh các bệnh viện quá tải.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long kiểm tra túi thuốc dành cho F0 điều trị tại nhà.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long kiểm tra túi thuốc dành cho F0 điều trị tại nhà.

TP.HCM đang trong những ngày giãn cách xã hội nghiệm ngặt, số ca mắc Covid-19 (F0) ngày càng tăng, khiến cho bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19… quá tải. Nhằm giảm số ca mắc Covid-19 tử vong, biến chứng nặng, TP.HCM có nhiều giải pháp hỗ trợ, chăm sóc F0 thể nhẹ, trung bình tại nhà trước bối cảnh các bệnh viện quá tải.

F0 nào được cách ly tại nhà?

Theo Sở Y tế TP.HCM, người mắc Covid-19 (FO) mới, có kết quả xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên dương tính SARS-CoV-2, được phát hiện tại cộng đồng phải hội đủ các điều kiện sau mới được cách ly tại nhà.

Thứ nhất, F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ (không có suy hô hấp, trong đó SpO2> 96% khi thở khí trời, nhịp thở < 20 lần/phút).

Thứ hai, F0 phải trong độ tuổi từ 1 đến 50, không có bệnh nền, không đang mang thai, không béo phì.

Nếu không thỏa hai điều kiện trên thì phải đảm bảo đã tiêm đủ 2 mũi vacxin phòng Covid-19 hoặc sau 14 ngày kể từ ngày tiêm mũi đầu tiên.

Ngoài ra, người F0 cách ly tại nhà khi có thể tự chăm sóc bản thân như ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh...; có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu. Trường hợp F0 là trẻ em hoặc người không tự chăm sóc cá nhân được thì cần phải có người hỗ trợ chăm sóc.

F0 điều trị tại nhà phải có phòng riêng.

F0 điều trị tại nhà phải có phòng riêng.

Đồng thời, F0 phải có phòng riêng, có cửa sổ thông thoáng, có nhà vệ sinh riêng, có số điện thoại riêng, có sẵn số điện thoại của cơ sở y tế, số điện thoại của Tổ phản ứng nhanh quận, huyện để liên hệ khi cần thiết. Có bàn hoặc ghế cá nhân đặt trước cửa phòng cách ly để nhận thức ăn và các vật dụng cá nhân cần thiết; có thùng rác cá nhân có nắp và túi rác đi kèm. Có sẵn dung dịch khử khuẩn tay và bề mặt, nước súc họng hoặc nước muối sinh lý (0,9%), khẩu trang y tế, nhiệt kế.

Sau 14 ngày cách ly tại nhà, F0 sẽ được lấy mẫu xét nghiệm bằng test nhanh hoặc RT-PCR để chuẩn bị kết thúc thời gian cách ly.

403 Trạm Y tế lưu động hỗ trợ F0 điều trị tại nhà

Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, các địa phương đang có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cần thành lập các Trạm Y tế lưu động để chăm sóc, hỗ trợ tốt nhất cho F0 tại nhà. TP.HCM là địa phương có số ca mắc lớn nhất trên cả nước, hiện các bệnh viện dã chiến, điều trị Covid-19 đều quá tải, việc thiết lập trạm y tế lưu đồng nhằm hỗ trợ cho các F0, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên là cần thiết trong bối cảnh hiện nay

Nhân viên y tế quận Tân Bình phát thuốc tới cho F0 điều trị tại nhà.

Nhân viên y tế quận Tân Bình phát thuốc tới cho F0 điều trị tại nhà.

Đến nay, TP.HCM đã thiết lập 403 Trạm Y tế lưu động sẵn sàng chăm sóc tốt nhất cho F0 đang điều trị tại nhà. Theo bác sĩ CK2 Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, trung bình mỗi trạm chăm sóc từ 30 đến 50 bệnh nhân Covid-19 (F0) tại nhà, với đầy đủ trang thiết bị y tế như bình ô-xy, máy đo SpO2, dụng cụ cấp cứu cơ bản, trang thiết bị phòng chống dịch, túi thuốc hỗ trợ nâng cao thể lực và các loại thuốc cần thiết khác theo chỉ dẫn của Bộ Y tế.

Mỗi Trạm Y tế lưu động được bố trí tối thiểu 1 bác sĩ, 3-5 nhân viên y tế và đội ngũ hỗ trợ từ các lực lượng như tình nguyện viên, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên… Nhiệm vụ của các trạm này là quản lý, hỗ trợ, theo dõi, điều trị F0 tại nhà, sớm phát hiện các dấu hiệu chuyển nặng để có biện pháp chuyển lên tuyến trên kịp thời, hạn chế tối đa tử vong; triển khai mạnh mẽ việc xét nghiệm Covid-19 tại cộng đồng, đặc biệt là xét nghiệm bằng test nhanh ở các "vùng đỏ", "vùng cam" để sớm phát hiện F0 quản lý cho tốt; triển khai tiêm chủng vacxin phòng Covid-19.

Ngoài ra, Trạm Y tế lưu động cũng hướng dẫn từng người dân cách phòng tránh và các thắc mắc liên quan đến Covid-19. Các trạm lưu động này cũng chịu trách nhiệm khám bệnh, sơ cấp cứu các bệnh thông thường khác để bảo đảm người dân trong vùng dịch vẫn được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản kịp thời nhất.

Theo PGS.TS.BS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), chiến lược thành lập các Trạm Y tế lưu động là phù hợp với bối cảnh chống dịch hiện nay và mới chỉ đi vào hoạt động chưa đầy 1 tuần nhưng bắt đầu cho thấy rõ hiệu quả. Người dân cảm thấy yên tâm hơn vì dịch vụ y tế không bị đứt gãy trong khi thực hiện giãn cách xã hội.

Số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, số F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 62.904 người, trong đó có 39.245 trường hợp F0 cách ly tại nhà ngày từ đầu và 23.659 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Đây là đối tượng chính mà các trạm y tế lưu động phục vụ.

Hiện TP.HCM đang triển khai lấy mẫu xét nghiệm toàn thành phố trong thời gian thực hiện biện pháp tăng cường giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 23/8. Do đó, số lượng F0 dự báo sẽ tăng trong thời gian tới.

Các túi thuốc điều trị Covid-19 tại nhà được quận Tân Bình chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi trao tới tay F0.

Các túi thuốc điều trị Covid-19 tại nhà được quận Tân Bình chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi trao tới tay F0.

Gói thuốc điều trị Covid-19 tại nhà

Ngày 27/8, Sở Y tế TP.HCM tiếp tục cập nhật phiên bản thứ 5 về thuốc điều trị cho F0 cách ly tại nhà cho người trên 18 tuổi bao gồm 3 gói (A, B, C).

Gói thuốc A, dùng trong 7 ngày, là những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và thuốc nâng cao thể trạng: Paracetamol 500mg, uống 1 viên khi sốt trên 38,5 độ C, có thể lặp lại mỗi 4 giờ đến 6 giờ nếu vẫn còn sốt; Các loại vitamin (vitamin tổng hợp hoặc vitamin C), uống ngày 2 lần, sáng 1 viên, chiều 1 viên.

Gói thuốc B, dùng trong 3 ngày, là thuốc kháng viêm và thuốc chống đông chỉ sử dụng trong tình huống đặc biệt.

Gói thuốc C là thuốc kháng vi rút được sử dụng theo Chương trình can thiệp cộng đồng có kiểm soát của Bộ Y tế.

Trong trường hợp người bệnh khi cảm thấy khó thở, thở hụt hơi, khó thở tăng lên khi vận động, nhịp thở khi nghỉ ngơi trên 20 lần/phút hoặc đo Sp0, dưới 95% thì phải liên hệ ngay với bác sĩ để được hỗ trợ. Nếu chưa liên hệ được bác sĩ, người bệnh có thể uống thêm thuốc kháng viêm và thuốc chống đông, không tự ý uống quá 3 ngày.

Thuốc kháng viêm: Dexamethasone 0,5mg, 12 viên sau khi ăn vào buổi sáng hoặc Methylprednisolone 16mg, uống ngày 2 lần mỗi lần 1 viên sau ăn sáng, chiều; hoặc Prednisolone 5mg, uống 8 viên sau ăn).

Thuốc chống đông: Rivaroxaban 10mg, uống ngày 1 viên vào buổi sáng hoặc Apixaban 2,5mg với liều sáng (1 viên), chiều (1 viên).

Trong thời gian này người bệnh cần tiếp tục liên hệ bác sĩ để được hỗ trợ, tùy tình trạng sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ quyết định dùng tiếp các thuốc này hay không.

Gói thuốc C, dùng trong 5 ngày, là thuốc kháng virus được chỉ định đối với trường hợp F0 có triệu chứng nhẹ, có kiểm soát. F0 khi sử dụng thuốc này phải ký “Phiếu chấp thuận tham gia Chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát tại cộng đồng cho người mắc Covid-19 nhẹ” trước khi cấp phát và sử dụng.

Khi đó F0, có thể sử dụng Molnupiravir viên 200mg hoặc viên 400mg, uống ngày 2 lần sáng 800mg, chiều 800mg trong 5 ngày liên tục.

Điểm lưu ý là thuốc Molnupiravir không sử dụng cho phụ nữ đang mang thai và cho con bú, người suy gan, viêm gan siêu vi cấp, suy thận, viêm tụy cấp hoặc mạn. Trong trường hợp người bệnh Covid-19 đang sử dụng thuốc Molnupiravir nếu cần phải uống thuốc kháng viêm và chống đông thì ngưng sử dụng thuốc Molnupiravir.

Ngoài việc sử dụng thuốc đối với các F0 cách ly tại nhà, thì F0 phải thực hiện khai báo trên phần mềm “Y Tế HCM” mỗi ngày trong 14 ngày.

(Kiến thức gia đình số 35)

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.