| Hotline: 0983.970.780

FAO: Việt Nam có thể thắng được dịch tả lợn châu Phi nếu…

Thứ Năm 14/03/2019 , 13:54 (GMT+7)

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi ở Việt Nam với 17 tỉnh thành có bệnh FAO khuyến cáo chiến lược kiểm soát cụ thể để từng bước đẩy lui và chiến thắng dịch…

Chiến lược của FAO

Diễn đàn Khuyến nông@Nông nghiệp tại Hà Nội ngày 14/3 với sự tham gia của đại diện khuyến nông các tỉnh thành phía Bắc, nhà khoa học và chủ trại chăn nuôi. Tuy chuyên đề có tên là “Giải pháp phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi lợn” nhưng nội dung chỉ xoay quanh đến yếu tố chính dịch tả lợn châu Phi.

Ông Nguyễn Huy Đăng-Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Hà Nội

Tại đây, đại diện của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) đã tham vấn chiến lược chống lại dịch bệnh nguy hiểm này cho Việt Nam. Theo kinh nghiệm của FAO các yếu tố truyền và lây lan dịch tả lợn châu Phi là vận chuyển đường dài chiếm 17%, cho ăn thức ăn thừa chiếm 62% còn lại là phương tiện giao thông và yếu tố con người. Bởi thế, chiến lược kiểm soát dịch của Trung Quốc là không cho thức ăn thừa từ bếp ăn (trên quy mô toàn quốc); Kiểm soát vận chuyển lợn sống, thịt lợn và sản phẩm từ thịt. Xử lý và tiêu hủy tất cả lợn trong trại nhiễm bệnh, hỗ trợ 1.200 NDT/con (tương đương khoảng 4 triệu/con).

Đối với Việt Nam, chiến lược ứng phó mà FAO khuyến cáo là: Phát hiện sớm và ứng phó nhanh; Điều tra ổ dịch; Kiểm soát vận chuyển; Xử lý và tiêu hủy; Nghiêm cấm cho thức ăn thừa từ bếp ăn. Mục đích là phải tiêu diệt virus nhanh hơn sự lây lan của nó. Cụ thể, công tác lấy mẫu để điều tra ổ dịch, với các trại nghi nhiễm nếu lợn chết thu thập mẫu từ 5 con (lấy hạch bẹn để kiểm tra vì dễ lấy và đỡ phải mổ phanh gây nguy cơ ô nhiễm, lây lan), nếu lợn ốm thì lấy mẫu máu.

FAO cam kết khả năng hỗ trợ đối với Việt Nam bằng các nguồn lực toàn cầu, khu vực. Cụ thể, sẽ hỗ trợ kỹ thuật quy trình điều tra ổ dịch; Cung cấp tài liệu truyền thông nguy cơ; Trung tâm quản lý khẩn cấp thú y; Quản lý khẩn cấp; Xử lý và tiêu hủy; Kế hoạch hành động trung và dài hạn; Đánh giá tác động kinh tế xã hội và các biện pháp ứng phó với dịch. “Chúng ta có thể cùng nhau chiến thắng trận chiến này”.
 

Câu chuyện của Hà Nội

Hà Nội là địa phương có tổng đàn vật nuôi lớn đứng tốp đầu cả nước  trong đó riêng đàn lợn có gần 2 triệu con với 988 cơ sở, điểm giết mổ các loại nên có nguy cơ dịch tả lợn châu Phi lây lan. Trong khi đó, hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ chưa thể bỏ được ngay vì vấn đề an sinh xã hội. Theo ông Nguyễn Huy Đăng-Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Hà Nội vừa qua đã có biểu hiện bán chạy lợn ốm, lợn dịch trên thị trường bởi xét nghiệm các mẫu thịt, xúc xích đã cho thấy những dấu vết của bệnh tả lợn châu Phi. Đây là nguồn nguy cơ lớn khi nhiều người tận dụng các nguồn thức ăn thừa để nuôi lợn.

 
Việt Nam đã chuẩn bị cho dịch tả lợn châu Phi cách đây 5 năm với quy trình xét nghiệm được huấn luyện thành thục.

Ổ dịch đầu tiên của Thủ đô xuất hiện ngày 22/2/2019 tại một hộ chăn nuôi lợn rừng có 25 con ở khu Đầm Lấm, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên với dùng thức ăn thừa lấy ở ngoài quán về, không nấu mà cho ăn thẳng. Một ổ dịch khác ở phường Lĩnh Nam quận Hoàng Mai với tổng đàn 46 con cũng sử dụng thức ăn thừa. Tuy gia chủ có khẳng định đã nấu lại nhưng ở môi trường chăn nuôi nhiều ruồi, muỗi, chuột bọ có thể là trung gian gây lây bệnh. Rồi dụng cụ chứa thức ăn thừa, xe vận chuyển không được sát trùng cũng có thể lây bệnh.

Vừa rồi Hà Nội đã đi thực tế, kiểm tra thức ăn thừa ở nhà hàng, khách sạn, quán ăn thì thấy có những “làng nghề” chuyên lấy nước gạo, thức ăn thừa về chăn nuôi lợn, tập trung chính ở quận Long Biên, huyện Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng. Còn quy mô nhỏ hơn thì huyện nào cũng có. Trong 5 không mà Hà Nội đang phát động gồm không giấu dịch, không giết mổ lợn ốm chết, không vận chuyển lợn ốm chết, không bán chạy lợn bệnh, không sử dụng thức ăn thừa thì không sử dụng thức ăn thừa là khó bởi vì tập quán này.

Nỗi lo của người chăn nuôi bây giờ là dịch bệnh
Không khai báo dịch sẽ không được hỗ trợ, vứt lợn bệnh ra môi trường sẽ bị xử phạt.

“Chúng tôi đang tư vấn cho thành phố phải quản lý chặt thức ăn thừa của các nhà hàng, khách sạn, quán ăn bằng cách quy định phải có thùng chứa với nắp đậy kín để chống ruồi muỗi, chuột bọ. Nếu cấm dùng thức ăn thừa thì người ta đổ bỏ cũng dễ lây lan dịch bệnh nên hộ chăn nuôi nào dùng phải nấu chín lên, xe vận chuyển phải kín và phải vệ sinh tiêu độc, khử trùng ở nơi chứa. Phương châm chống dịch tả lợn châu Phi là 4 tại chỗ như xử lý thiên tai với chỉ huy tại chỗ, nhân lực tại chỗ (thú y, an ninh, đoàn thanh niên), phương tiện tại chỗ và chôn tại chỗ (ở những trang trại rộng còn các hộ nhỏ thì chôn ở quỹ đất 2 của xã). Kinh phí được lấy từ các quỹ dự phòng của địa phương”. Ông Đăng thông tin.

Cũng theo ông nhận định, vừa rồi các tỉnh, thành bị dịch tả châu Phi nặng, tổn thất lớn đều là những nơi đã sáp nhập hệ thống thú y vào trung tâm dịch vụ như Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình… “Qua đợt dịch này, chúng tôi mới thấy tác dụng của hệ thống thú y của mình vẫn được giữ nguyên từ chi cục thú y, trạm thú y huyện, ban chăn nuôi thú y xã, phường, thị trấn đến các thú y thôn bản. Họ có chế độ lương hay hỗ trợ hàng tháng nên có trách nhiệm khai báo dịch rất nhanh, huy động được lực lượng tham gia chống dịch nên đến bây giờ dù có nhiều ổ dịch nhưng mới có 437 con lợn bệnh của các hộ nhỏ lẻ bị tiêu hủy còn trang trại thì chưa.

Quay trở lại ở những tỉnh, thành đã sáp nhập trạm thú y vào trung tâm dịch vụ nên cán bộ chỉ lo đi làm dịch vụ nên không báo cáo dịch, không giám sát dịch và chống dịch hiệu quả. Những nơi có dịch nặng trên lúa năm ngoái cũng là có thể đã sáp nhập hệ thống chuyên môn bên dưới.  Có lãnh đạo tỉnh còn than thở không thể huy động lực lượng đi chống dịch được khi công của họ chỉ 50.000đ/ngày trong khi làm dịch vụ ngoài phải 300-400.000đ.

Quan điểm chung là đã mắc bệnh dịch tả châu Phi thì không chữa nữa vì không hiệu quả và có thể lây lan ra diện rộng.

 

Xem thêm
Cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc

HÀ NỘI Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc.

Lãi hàng trăm triệu đồng nhờ trồng đào Tết

Quảng Ninh Nhờ cây đào Tết, nhiều hộ dân tại xã Quảng Minh (huyện Hải Hà, Quảng Ninh) lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm, vươn lên khá giả.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.