| Hotline: 0983.970.780

Gì chứ nó sẽ yêu, sẽ lấy chồng, mẹ ở xa, càng tiện

Thứ Sáu 14/07/2017 , 06:50 (GMT+7)

Chị biết không, con gái của em học giỏi, nó đậu đại học khu vực và nhà trường giữ nó lại để làm việc. Nó đang săn học bổng để đi học lên ở nước ngoài đó chị. Có một điều nó lấn cấn là công việc của em làm cho nó mặc cảm.

Chị Dạ Hương kính!

Em từng là độc giả của chị thời chị còn chưa ra Hà Nội cơ. Khi ấy nhà em có một tủ sách, vì chồng em cũng làm công việc liên quan tới sách. Vợ chồng em có một đứa con gái, cũng tại vì em không chịu đẻ nữa nên vợ chồng cứ hục hặc. Rồi ông chồng có bồ, có con trai, tụi em ly dị. Em không đọc sách nữa từ đó.

Bồng con gái về với ba má ở vùng sâu vùng xa, thành kẻ ăn bám, em gởi con cho má, lên thành phố kiếm sống, nuôi con. Quăng quật hoài rồi cũng đứng lại được với công việc bây giờ. Em có hối tiếc thời vợ chồng có nhau, nhà có một tủ sách đọc hoài không hết. Tiếc lắm chị ơi, nhưng không phải vì chồng ham con trai mà tụi em bỏ nhau đâu. Anh ta trăng hoa lắm.

Thôi, không nói chuyện đó nữa, thêm buồn. Công việc của em là lau dọn theo giờ cho một số gia đình. Em cũng không như người ta, em làm vừa sức, thời giờ còn để nghỉ ngơi, xem ti-vi, đọc báo, lướt mạng. Cái hội những người giống em nói em sợ giàu, nghĩa là làm đủ ăn chứ không tranh thủ làm ráng. Em nghĩ khác, đời người mấy chốc, làm còn phải biết hưởng để nuôi dưỡng tinh thần, em mướn một mình một phòng trọ mà có wifi em mới ở. Nhờ vậy mà em “gặp” lại chị trên Internet, mừng như gặp lại người đồng hương miền Tây của mình.

Chị biết không, con gái của em học giỏi, nó đậu đại học khu vực và nhà trường giữ nó lại để làm việc. Nó đang săn học bổng để đi học lên ở nước ngoài đó chị. Có một điều nó lấn cấn là công việc của em làm cho nó mặc cảm. Đã qua cái thời nó tự tin vì “đồng tiền xương máu” (chữ của nó) em kiếm được để nuôi nó. Là một giảng viên tương lai, nó muốn em nghỉ ngơi, về CT ở với nó, một đầu lương thôi nhưng em không phải làm cái việc mà nó ngượng (nó không dám nói ra cái sự ngượng nhưng em biết).

Làm sao em có thể ngồi không khi mình chưa tới năm mươi? Vả lại, ở thành phố nhiều cơ hội, bị nhà nầy đạp ra, nhà kia chảnh chọe, em cũng không thất nghiệp, đường đi nước bước ở đây em thuộc như lòng bàn tay rồi. Em buồn lắm, hồi con còn bé, dễ sống với con, giờ nó nên vóc nên bà, lại thấy chạnh lòng quá. Em có nên nghe con không chị? Cầm bằng như về với nó, ngồi chờ lương con, em thấy việc rời thành phố như mình ly dị lần nữa vậy chị?

----------------------

Em thương mến!

Đầu tiên chị khen em đã dũng cảm đứng lên chứ không ngã quỵ sau cú chồng có bồ dẫn đến ly hôn. Dễ có mấy người dám xa con, lên thành phố làm người giúp việc nhà như em. Mà không, nhiều chứ, nhiều phụ nữ còn gan hơn em nữa, họ đi Đài Loan làm ô-sin, làm thợ, đi xa tới Trung Đông để làm như em. Quá đáng khâm phục, quá đáng ca ngợi những phụ nữ như em, như những người trong đội quân chị vừa nói.

Ở đâu quen đó. Thành phố có rộng mấy thì mình cũng chỉ thuộc những phường những quận mình thân thiết thôi. Chị khen em lần nữa khi biết vừa làm vừa “nuôi dưỡng đời sống tinh thần” của mình. Có lẽ nhờ vi lượng đó mà con em thành trợ giảng ở đại học khu vực, chứ không chỉ nhờ “đồng tiền xương máu” không đâu. Cốt cách của cha mẹ làm nên cốt cách đứa con, điều ấy dù em và con ở xa nhau nhưng nó có những mối dây nối liền mà mắt thường không nhìn thấy được.

Con nó nên người, thậm chí xuất sắc. Nhưng nó sẽ có đời sống riêng của nó. Gì chứ nó sẽ yêu, sẽ lấy chồng, mẹ ở xa, càng tiện. Mẹ về áp sát, đồng lương con chật hẹp, vả lại em tự do quen rồi, kể cả tự do chi tiêu. Vậy nên phải “đấu” con để nó cho mình yên. Không bắt buộc mẹ bỏ nghề, không ép mẹ về gần, càng không nên mặc cảm về công việc của mẹ. Rất nên đối thoại với con về sứ mệnh, giá trị làm người, về tự do độc lập, nó làm ở môi trường đó, nó hiểu và có thể, nó chưa dám một mình chiến đấu với nỗi mặc cảm thường tình thôi.

Nó sẽ đi du học, nếu có hoài bão lớn và theo đuổi. Khi ấy, lương nó không còn, em sẽ lại một thân một mình. Khi còn sức lao động là còn phải cày cục, em cứ tự tin vào cái lẽ đồng tiền lương thiện mà sống thì sẽ qua hết. Ở Hà Nội chị biết, mà giờ ở Sài Gòn chắc cũng vậy, nhiều cô tự học tiếng Anh, tự học những kỹ năng giao tiếp và sử dụng điện tử để đi làm cho người nước ngoài, thu nhập còn hơn lương giáo viên của con em đó. Họ có xấu không, có kém không, họ quá giỏi và quá xứng đáng ngưỡng mộ đó chứ.

Một lần nữa ghi nhận em là phụ nữ thành công. Một lần nữa mong em cứ như vậy cho tới khi có cháu ngoại, mình có tiền để còn cho cháu đồng sinh nhật, hay một bộ quần áo, một gói quà chứ. Một lần nữa mong em bình an và văn minh lên với đô hội. Một lần nữa cảm ơn em đã nhớ chị, “theo” chị cho đến tận hôm nay.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.