| Hotline: 0983.970.780

Giá rau cần đột ngột giảm mạnh, nông dân không kịp trở tay

Thứ Năm 04/02/2021 , 11:55 (GMT+7)

Nhiều hộ trồng rau cần tại Bắc Giang đang đứng trước nguy cơ trắng tay khi các thương lái dừng việc thu mua do ảnh hưởng của dịch covid-19.

Gía rau cần đang ở mức 2 triệu/sào, giảm mạnh so với trước khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Ảnh: Trung Quân.

Gía rau cần đang ở mức 2 triệu/sào, giảm mạnh so với trước khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Ảnh: Trung Quân.

Ghi nhận tại xã Hoàng Lương và xã Hoàng Thanh, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang khi có thông tin dịch covid-19 bùng phát trở lại, thị trường tiêu thụ rau cần bất ngờ bị bó hẹp và giảm giá đột ngột khiến nhiều gia đình không khỏi lo lắng, bất an. Nhiều diện tích rau cần đến độ thu hoạch mà không bán được, đang đứng trước nguy cơ phải nhổ bỏ.

Bà Nguyễn Thị Châm, thôn Thanh Lâm, xã Hoàng Lương (Hiệp Hòa) có 5 sào trồng rau cần cho biết: Hiện, giá rau cần thấp hơn rất nhiều so với thời điểm trước khi có thông tin dịch covid quay trở lại ở một số địa phương. Chỉ tính riêng trong vụ đông gia đình chị gieo trồng được 4 lứa, với 3 lứa trước thời điểm đầu vụ bán được giá 10-13 triệu/sào, sau đó giảm dần không đáng kể. Nhưng đến hiện tại giá rau cần chỉ còn 2 triệu/sào.

Cũng theo bà Châm, với giá bán như thời điểm trước khi covid-19 quay lại, nếu trừ chi phí đi người trồng có lãi 5 triệu/sào. Tuy nhiên, với giá 2 triệu/sào như hiện tại không đủ chi phí đầu tư. Nếu giá bán không thay đổi hộ nào may mắn hòa vốn còn không thì coi như làm không công, thậm chí bù lỗ.

Cách đó không xa, bà Vũ Thị Tâm, người cùng thôn Thanh Lâm buồn bã: Gia đình bà có 6 sào trồng rau cần. Hiện, đã bán được 4 sào với giá 4-4,5 triệu/sào. Tuy nhiên, do dịch covid-19 trở lại khiến 2 sào còn lại của gia đình bà đã đến độ thu hoạch mà vẫn không có thương lái hỏi mua. Với đặc tính của rau cần nếu để quá lứa cây sẽ dài không rửa được. Mặt khác, càng để già chất lượng sẽ không ngon. Vì vậy, nếu trong 1 tuần nữa không bán được đành nhổ bỏ, dọn ruộng.

Nhiều ruộng rau cần người dân đã phải nhổ bỏ vì rau quá tuổi không bán được. Ảnh: Trung Quân.

Nhiều ruộng rau cần người dân đã phải nhổ bỏ vì rau quá tuổi không bán được. Ảnh: Trung Quân.

Tại xã Hoàng Thanh (Hiệp Hòa) người dân cũng đang tranh thủ từng ngày khi còn có thương lái hỏi mua để thu hoạch nhanh các ruộng cần chính vụ. Mặc dù bán với giá rẻ nhưng vẫn còn may mắn hơn một số diện tích rau quá lứa người dân đã phải nhổ bỏ.

Bà Nguyễn Thị Hằng, thôn Ngọc Sơn, xã Hoàng Thanh buồn bã: Gia đình tôi có 7 sào trồng rau cần hiện tất cả đã đến độ thu hoạch. Trước đó thương lái đã hỏi mua 3 sào hẹn đến ngày rau đủ thời gian sẽ tới thu mua. Nhưng đến hiện tại các ruộng rau vẫn trong tình trạng “sáng ngóng, chiều mong” do thương lái trả lời rằng rau chỉ được thu hoạch nếu có nơi tiêu thụ.

“Với giá bán như hiện tại mỗi sào gia đình tôi thiệt hại 2 triệu/sào, với 7 sào gia đình tôi mất trắng 14 triệu do dịch covid", chị Hằng chua xót.

Theo thông thường, dịp cận tết Nguyên đán là thời điểm rau cần được tiêu thụ mạnh nhất nhưng lại gặp dịch bệnh nên các thương lái nhập rất ít, thậm chí không nhập, đợi nghe ngóng tình hình diễn biến của dịch mới quyết định.

Chị Hậu, thương lái thu mua rau cần cho hay: Một tuần trở lại đây giá rau cần đột ngột giảm mạnh là do thị trường tiêu thụ bị thu hẹp quá nhanh. Dịch covid quay lại ở một số tỉnh nên các nhà hàng, xí nghiệp trường học dừng hoạt động, sức ăn lẻ của người dân không đáng kể. Một nguyên nhân nữa là do cận Tết người dân mua hàng khô sẽ nhiều hơn nên rau tươi chững lại.

Lượng cầu giảm mạnh nên các thương lái nhập hàng rất dè dặt, thậm chí dừng thu mua rau cần để nghe ngóng tính hình. Ảnh: Trung Quân.

Lượng cầu giảm mạnh nên các thương lái nhập hàng rất dè dặt, thậm chí dừng thu mua rau cần để nghe ngóng tính hình. Ảnh: Trung Quân.

Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hoàng Lương chia sẻ: Diện tích trồng rau cần toàn xã là 180ha. Hiện nay, còn khoảng 100ha chưa được thu hoạch, giá bán đang ở mức rất thấp từ 3.000-4.000/kg, có ruộng bán giá 2.000/kg (thấp hơn thời gian trước từ 7.000-8.000/kg).

Theo ông Tĩnh, nguyên nhân dẫn đến giá rau giảm thứ nhất là do vào chính vụ đông, tất cả các loại rau đều thu hoạch rộ, nên người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn. Mặt khác, do dịch covid 19 trở lại nên sức ăn của thị trường cũng giảm đột ngột khiến lượng tiêu thụ chậm lại.

“Nếu tình dịch không cải thiện, thị trường vẫn chậm như hiện tại thì có khoảng 60-70ha diện tích không thể thu hoạch, người dân phải nhổ bỏ, thiệt hại kinh tế là rất lớn”, ông Tĩnh nhận định.

Xem thêm
Ngành ong mật chuyển dịch từ 'sổ hóa' sang 'số hóa'

Việc áp dụng các công nghệ IoT, AI, Blockchain trong đảm bảo chất lượng sản phẩm, minh bạch quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm là giải pháp bền vững ngành ong.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.