| Hotline: 0983.970.780

Giàu nhất làng nhờ... thương tật

Thứ Tư 24/03/2010 , 14:00 (GMT+7)

“Nói về thiếu ăn thì gần như cả thôn hơn 60 hộ đều vậy hết đó anh. Vùng đất ni không làm chi được hết, cá mú biển giả thì treo niêu từ mấy tháng nay” - ông Nguyễn Đình Phương, trưởng thôn Tây Thôn (xã Ngư Thủy Nam, Lệ Thủy, Quảng Bình).

“Nói về thiếu ăn thì gần như cả thôn hơn 60 hộ đều vậy hết đó anh. Vùng đất ni không làm chi được hết, cá mú biển giả thì treo niêu từ mấy tháng nay” - ông Nguyễn Đình Phương, trưởng thôn Tây Thôn (xã Ngư Thủy Nam, Lệ Thủy, Quảng Bình).

>> Mừng rơn vì được công nhận... nghèo
>> Mong một bữa no
>> Ra Tết là hết gạo
>> Công dân thị xã cũng chạy ăn từng bữa
>> Lời khẩn cầu từ Pắc Cạm
>> Leo 20 km đường núi lấy một can nước
>> Đói thấu mùa giáp hạt

Mệ Não mách: “Nhà chỉ còn khoảng chục lon gạo là hết...”.

MAY MÀ CÓ LƯƠNG

Chúng tôi ghé nhà anh Nguyễn Văn Mỵ, người được mệnh danh “giàu có” nhất làng. Căn nhà xây cũng tuềnh toàng được lợp ngói xi măng và đòn tay bằng cây phi lao cũng chẳng thẳng thớm gì. Trong nhà chỉ có bộ bàn ghế kiểu salon cũ và chiếc ti vi chừng dùng đã lâu nên vỏ đã có màu bàng bạc. Trải chiếu giữa nhà, anh Mỵ kêu chị vợ lấy nước rồi gãi đầu tâm sự: “Tui trước đi bộ đội về, có chế độ thương tật nên mỗi tháng được 1,2 triệu đồng. Nhà có 6 đứa con đều đi làm ăn trong Nam và lấy chồng, giờ chỉ có thằng út ở nhà học lớp 6 nên lương của tui được 1,2 triệu mà chia cho 3 người, vị chi mỗi tháng được 400 ngàn mỗi người. Vậy là cao rồi. Bà con họ nói hộ “giàu” là vì rứa đó. Nhưng cũng khổ lắm anh. Cái chi cũng vô đó hết. Tính ra chi không đủ. Rồi bà con hàng xóm có việc chi cũng chạy đến vay tạm một ít. Ai khi túng thì mình cũng giúp đỡ chớ. Mà giúp không biết khi mô bà con trả lại cho. Thôi cũng tính cho nó qua”.

Quanh nhà anh Mỵ chỉ có cát trắng và cây xoan dại, không trồng được cây gì. Anh than thở: “Mấy năm trước còn trồng được khoai sắn, nay thì chịu vì không có nước tưới”. Cạnh nhà bếp, cái giếng sâu đến 12 mét mà đã cạn trơ đáy khi chưa vào mùa hè. Gia đình phải bỏ thuê thợ khoan giếng sâu hơn vài chục mét nữa mới có nước dùng. Không có nước tưới nên chẳng trồng được cây gì. Phía vùng đất canh tác của thôn có gần 6 ha. Nhà anh Mỵ cùng được phân 3 sào. Đợt rồi anh trồng lạc. Chi phí giống hết 100 ngàn đồng, phân bón hết 800 ngàn đồng. Khi thu hoạch thương lái mua được 800 ngàn đồng. Anh cười như than: “Trồng lạc mà cũng còn lỗ nữa là trồng cây chi. May mà có đồng lương của Nhà nước chứ không thì cũng đói mù tạt luôn”.

Chị vợ anh ngồi bên chồng cũng góp vô chuyện, nhà chỉ nuôi được 2 con lợn còi vì cũng chẳng lấy chi cho lợn ăn. Nhà ở nông thôn nuôi lợn là tận dụng thức ăn cây trồng trong vườn như kiểu bỏ tiền vô ống tiết kiệm. Chứ thôn Tây Thôn không trồng được cây khoai, sắn chi cả nên nuôi lợn bằng thức ăn công nghiệp thì càng lỗ hơn. Vậy là phụ nữ cũng chỉ biết việc lặt vặt trong bếp...

Tôi hỏi trưởng thôn Nguyễn Đình Phương: “Ở đây nghèo sao toàn nhà xây tường gạch?”. Anh Phương trả lời luôn: “Thì do trước đây biển cũng có dư dả nên bà con có dành dụm được một tí, rồi cứ vay mượn nhau cố kiếm ngôi nhà xây cho chắc chắn với gió bão. Nhà xây thật đó, nhưng vô nhà thì không có tài sản chi đáng giá mô. Bàn ghế cũng không. Ngay nhà trưởng thôn khách đến cũng trải chiếu ngồi giữa nền mà. Cũng may hồi đó có phong trào làm nhà xây. Lớn nhỏ chi cũng xây hết nên cũng đỡ ra. Chứ bây giờ lo gạo ăn cũng chẳng đủ đừng nói chuyện khác. Cả thôn có khoảng 30 thanh niên thì đi vắng sạch. Toàn bộ vô miền Nam làm thuê”.

Làng biển bãi ngang như bị bó gọn trong cảnh đói nghèo. Năm nay, thời tiết có vẻ yên hòa, nhưng lại “động” chuyện biển. Hiện tượng lạ từ trước đến nay: Biển đẹp nhưng cá tôm không vào bờ. Như năm trước thời giờ này, làng biển khá nhộn nhịp vì người mua đợi ở bến. Thuyền vô cũng chí ít 5 - 7 chục cân hay vài tạ cá cơm, cá phướn... Bây giờ thì chịu chết.

Nghe hỏi chuyện đi biển, trưởng thôn Phương thở dài cái phượt: “Lạ rứa anh, không hề có tôm cá chi hết. Gạo trong thùng thì cũng chỉ còn mươi lon thôi. Còn lại gạo cơm chi cũng trong ngoài biển cả đó, mà biển thì khác lạ”.

Vì biển bãi ngang không sắm được thuyền lớn và ngư cụ hiện đại mà chỉ có thuyền bơ nan đánh cá, tôm ở ven bờ. Giải thích hiện tượng lạ này, anh Phương cho rằng: “Tàu thuyền trang bị hiện đại như đèn cao áp, máy dò cá, lưới nhiều tầng... còn vô đánh bắt sát bờ thì còn tôm cá mô cho ngư dân ven bờ như tụi tui”.

CHỈ CÒN GẠO CỨU ĐÓI

Vợ chồng anh Mỵ: “Tui giàu nhất làng là nhờ... thương tật”.

Sát nhà anh Mỵ là nhà mệ Soản. Mệ năm nay đã tuổi 75 nhưng còn khỏe. Hai vợ chồng con trai đi làm thuê xa. Nhà có 3 đứa cháu nội thì đứa lớn 16 tuổi đã đi làm thuê ở với người bà con dưới thành phố Đồng Hới, còn lại 2 đứa đi học. Buổi trưa, cả 3 mệ cháu nhìn ra cửa ngóng. Tôi hỏi, mệ thật thà trả lời: “Thì coi vợ chồng thằng Hiền (tên con trai mệ) có gửi đồng mô ra cho không chứ gạo cũng sắp hết rồi, cả tiền học của hai đứa cháu cũng hối rồi. Thằng Hiền cũng vô Nam làm thuê đánh cá cho người ta, khi có khi không. Vợ nó ở nhà cũng không làm chi ra tiền nên vô Khe Sanh (Quảng Trị) làm thuê rẫy cỏ cà phê cho họ mỗi ngày được 50 ngàn đồng. Cứ vài ngày có người ra là mẹ hắn chắt bóp gửi ra cho 3 mệ cháu đong gạo mà ăn. May mà có mẹ nó chứ trông vô ba nó e nỏ còn hạt gạo mô dính nồi”.

Ngôi nhà neo người nhất thôn là của mệ Nảo, cũng vào tuổi 75 như mệ Soản, nhưng mệ Nảo sống một mình. Bữa trưa, mệ nấu một lon gạo rồi ăn một nửa nồi, một nửa dành cho bữa tối. Thức ăn có niêu còng kho với muối mà mệ móc cát bắt dưới bãi biển hồi sáng. Gặp tôi, mệ khoe: “Trước Tết có nhận được 7 cân gạo cứu trợ, vừa ăn hết thì nhận được thêm 15 cân nữa, chừ còn dư hơn chục lon (lon bơ sữa bò)”. Mệ có hai con trai nhưng đã có gia đình ở riêng và cũng đi làm thuê trong miền Nam. Một năm đôi lần về cho mệ chút tiền để mua gạo ăn dần…

Ông Ngô Tiến Dũng, trưởng thôn Tân Thượng Hải (xã Ngư Thủy Trung, Lệ Thủy) cho hay: Thôn có 45 hộ, nhưng chỉ có 26 thuyền bơ nan. Trước đây, mỗi năm bình quân mỗi bơ nan cũng đánh bắt được trên 5 tấn hải sản. Từ đầu năm đến nay, bà con đi biển nhiều lần nhưng sản lượng đánh bắt chỉ đủ dùng cho bữa ăn gia đình, hiếm khi có dư mang ra chợ bán. Gia đình được coi là có thu thập đánh bắt cao nhất là anh Lê Văn Minh. Anh Minh đi biển 6 chuyến và tổng cộng sản lượng đánh bắt được chưa đầy 40 kg. Hầu hết bà con trong thôn đều không có lúa dự trữ. Chỉ có đánh cá ở biển bán mua gạo mà cá không có thì hết gạo thôi. Lúc đó lại phải chạy vạy vay mượn khi nào biển có cá bán trả lại nợ. Bây giờ ở thôn tình trạng đói đứt bữa thì chưa, nhưng nhà nào nhiều lắm thì cũng chỉ còn chục lon gạo để dành từ đợt cứu trợ vừa rồi”. (Còn nữa)

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hơn 300 cơ sở ở Thái Nguyên vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện hơn 320 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bình luận mới nhất