| Hotline: 0983.970.780

'Báu vật' nghìn tuổi giữa đại ngàn Xuân Liên

Giữ rừng di sản nghìn tuổi

Thứ Tư 07/10/2020 , 07:10 (GMT+7)

Con đường từ bản Vịn tới rừng già Xuân Liên vừa được đổ bê tông với trên 1,4 nghìn bậc tam cấp, 4 chòi nghỉ chân... Đường tới rừng di sản dường như ngắn lại...

Cung đường từ bản Vịn tới chân rừng già Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên được bê tông hóa đã giúp công tác tuần rừng đỡ vất vả hơn. Ảnh: Võ Dũng.

Cung đường từ bản Vịn tới chân rừng già Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên được bê tông hóa đã giúp công tác tuần rừng đỡ vất vả hơn. Ảnh: Võ Dũng.

Trọn ngày tuần rừng di sản

Chúng tôi xuất phát từ bản Vịn vào sáng sớm vào một ngày cuối tháng 9 để đi vào rừng sâu, nơi có 2 cây sa mu, pơ mu được phong cây di sản.

Đoàn tuần tra rừng có cả người già, có đàn ông, đàn bà; có cả lực lượng kiểm lâm thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên. Hành trang là trứng vịt luộc, muối và  xôi nếp nương được gói trong lá dong.

Trưởng bản Lang Hồng Tuyên nhìn lên bầu trời rồi “phán”: “Chúng ta sẽ ăn trưa trong rừng vào đầu giờ chiều, tại lán nghỉ chân cuối cùng trên đường tuần tra. Ăn trưa xong thì di chuyển khoảng 3 giờ đồng hồ nữa, về đến bản trời sẽ mưa”.

Các thành viên trong tổ bảo lâm bản Vịn, lực lượng kiểm lâm không ai nói gì. Ai cũng biết, lời của trưởng bản Vịn nói chẳng khác gì mệnh lệnh. Ở bản Vịn, trưởng bản Lang Hồng Tuyên là cái đài dự báo thời tiết.

“Ngày trước, đi tuần rừng chỉ có xôi nếp nương và muối trắng, nước thì lấy trong rừng. Giờ đi tuần rừng có thêm trứng vịt nhưng mấy hôm nay, vịt trong bản đẻ ít nên chỉ gom được cho mỗi người một quả. Chúng ta sẽ nghỉ ăn trưa tầm vào tầm 1 giờ chiều tại lán nghỉ chân cuối cùng, bên cạnh một con suối. Đoàn cố gắng ra khỏi rừng trước 4 giờ chiều để không gặp mưa”, trưởng bản Lang Hồng Tuyên “thông qua kế hoạch tuần tra rừng”.

Theo kết quả công bố hiện trạng rừng tỉnh Thanh Hóa năm 2019, toàn tỉnh có trên 641ha rừng. Trong đó rừng tự nhiên trên 390 nghìn ha. Những năm qua, chủ rừng là các khu bảo tồn, ban quản lý rừng phòng hộ đã giao khoán bảo vệ cho cộng đồng gần 95 nghìn ha. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, nhìn chung, hình thức giao khoán rừng cho cộng đồng bảo vệ đang phát huy hiệu quả, an ninh rừng được giữ vững. Nhiều thôn bản nhờ nhận khoán bảo vệ rừng đã có thêm nguồn kinh phí để xây dựng các công trình trọng điểm trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Quãng đường hơn 3 giờ di chuyển để lên đến cây di sản chúng tôi tạm dừng chân tại 3 trạm nghỉ. Đây là những trạm được lợp bằng lá cọ, sàn lát ván, thi thoảng nhìn xuống chân lại xuất hiện những chú vắt rừng, chúng bò nhanh hơn cả sâu đo, chỉ một thoáng không chú ý là đã bám vào chân người đi đường.

Lang Thị Dũng, con gái trưởng bản Lang Hồng Tuyên cũng là thành viên tổ bảo lâm. Dũng bảo, bây giờ đi rừng sướng hơn rồi, có dép rọ, có đôi tất cao, bọc lấy ống quần nên vắt ít tìm được chỗ bám vào nhưng sợ nhất là gặp rắn độc. Rừng nhiều muông thú nhưng cũng nhiều rắn độc, dẫm phải chúng là chuyện không hiếm.

Dũng chưa dứt lời thì trên đường đi xuất hiện một con rắn khô mộc, màu chẳng khác gì lá khô cây rừng. Dũng nhắc mọi người đi chậm, rẽ sang đường khác để không làm kinh động đến thần rắn.

“Đó là rắn khô mộc. Chúng có màu sắc gần giống với lá cây rừng khô, thường nằm ngang các đường đi để sưởi nắng, nếu không cẩn thận dẫm phải là bị cắn ngay. Trưởng bản Lang Hồng Tuyến, trong một lần cắt lá dong bên đường để ngồi cũng bị một con rắn lục tấn công, phải đi chữa thầy lang hết cả tháng trời mới khỏi”, Lang Thị Dũng kể lại.

Nhưng muỗi, vắt rừng và rắn độc vẫn không ngăn được tình yêu của ông Tuyên với rừng cây di sản. Với ông Tuyên, một tuần không được nhìn thấy rừng di sản chẳng khác gì xa cách người con gái thương nhớ trong lòng cả tháng trời.

“Vẫn phải đi tuần rừng chứ! Ta không sợ rắn nhưng sợ gặp bất ngờ không kịp trở tay thôi. Giờ, nếu gặp rắn, phải tránh xa ra hoặc dùng gậy xua nó đi đường khác”, trưởng bản Lang Hồng Tuyên tâm sự.

Quần thể sa mu dầu, pơ mu tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên có diện tích trên 4 nghìn ha với hơn 1 nghìn cây sa mu, pơ mu có đường kính trên 1m. Ảnh: Võ Dũng.

Quần thể sa mu dầu, pơ mu tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên có diện tích trên 4 nghìn ha với hơn 1 nghìn cây sa mu, pơ mu có đường kính trên 1m. Ảnh: Võ Dũng.

“Mỗi năm, bản chọn 30 người vào tổ bảo lâm. Thành viên tổ bảo lâm là những người khỏe mạnh, trung thực, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ bất cứ lúc nào; bất kể đêm hôm, nghe tin cây rừng bị đốn hạ là tức tốc lên đường. Chế độ của họ được trả 150 nghìn/người/ngày tuần tra rừng; nếu phải ở qua đêm thì 200 nghìn/người”, Trưởng bản Lang Hồng Tuyên chia sẻ.

Sau hơn 3 tiếng đi bộ, cuối cùng chúng tôi cùng đến được với cây pơ mu được phong cây di sản. Cây nằm gần như giữa lối đi. Đường kính cây, theo xác định của các nhà khoa học là 2,5m với tuổi đời trên 1 nghìn năm. Cây nằm hiên ngang, rêu xanh bám đầy ở một phía. Phía còn lại trơ vỏ trắng, xù xì, mùi thơm tinh dầu của pơ mu có sức cuốn hút lạ thường. Xung quanh cây di sản này còn rất nhiều các cây lá kim, hạt trần, đường kính trên dưới 1m.

Đi tiếp một giờ đồng hồ nữa chúng tôi gặp cây sa mu di sản. Cây nằm gần như biệt lập ngay bên vách núi. Phía tây, ngay sát gốc cây là những con đường bậc thang được đắp bằng đất, phía đông là chân vách núi. Theo tài liệu khoa học, cây sa mu này có đường kính 3,5m còn theo thực tế, 6 người trong tổ bảo lâm chỉ ôm xuể 1/2 gốc cây.

Chúng tôi tạm nghỉ trưa vào hơn 1 giờ chiều trong một lán dựng tạm bên cạnh một dòng suối. Sau bữa trưa đạm bạc, mọi người thúc giục nhau tiếp tục lên đường và đi qua một quần thể sa mu gồm rất nhiều cây có đường kính trên dưới 1m.

Trưởng bản Lang Hồng Tuyên cho biết, đây là quần thể sa mu cuối cùng trên đường tuần tra rừng. 5 giờ chiều chúng tôi về đến bản Vịn, trời âm u, mây vần vũ, sấm chớp đì đùng. Cơn mưa rừng ập đến, đúng như lời trưởng bản Lang Hồng Tuyên đã “phán” trước lúc lên đường.

Lời giải đảm bảo an ninh rừng

Năm 2000, Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên thành lập, được Nhà nước giao quản lý trên 23,8 nghìn ha rừng đặc dụng. Khu bảo tồn có hệ thực vật phong phú với rất nhiều loài cây gỗ quý như quần thể cây hạt trần, dổi, vàng tâm, pù hương...

Trong đó, quý nhất là quần thể gồm trên 1 nghìn cây sa mu, pơ mu già và hệ cây rừng tái sinh phân bố trên diện tích gần 4 nghìn ha. Hai trong số cây sa mu, pơ mu với tuổi đời trên 1 nghìn năm ở quần thể này được phong cây di sản. Hệ động vật cũng phong phú và quý hiếm không kém với vượn đen má trắng, vọoc xám, mang, cu li, khỉ...

Hệ động, thực vật phong phú với nhiều loài động vật quý hiếm. Ảnh: Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên cung cấp.

Hệ động, thực vật phong phú với nhiều loài động vật quý hiếm. Ảnh: Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên cung cấp.

Trước thời điểm đó, an ninh rừng khu vực này luôn nằm trong tình trạng nóng. Rừng sâu, đường đi hiểm trở lại giáp ranh với nhiều địa phương trong khi lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm mỏng. Điều đó khiến công tác bảo vệ rừng, bảo vệ hệ động thực vật ở đây được đặt ở mức báo động.

Trước tình hình đó, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên quyết định giao 17 nghìn ha rừng đặc dụng cho 12 thôn bản trên địa bàn huyện Thường Xuân cho cộng đồng quản lý.

Riêng bản Vịn được Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên khoán bảo vệ 1,7ha rừng đặc dụng.

Những cánh rừng của bản Vịn có chiều dài giáp ranh 42km với huyện Quế Phong (Nghệ An) với nhiều quần thể động thực vật quý hiếm. Đáng chú ý là quần thể cây hạt trần sa mu, pơ mu quý hiếm (trên 1 nghìn cây) trong đó có 2 cây di sản đường kính từ 2,5 - 3,5m.

Bằng phương pháp khoan sinh trưởng đo đếm vòng năm, các nhà khoa học xác định, hai cây pơ mu và sa mu dầu này có tuổi đời trên 1 nghìn năm. Quần thể sa mu, pơ mu và hệ động thực vật tại rừng bản Vịn hiện được đưa vào diện bảo vệ đặc biệt phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.

Trong chuyến về với rừng cây di sản, ông Lang Hồng Tuyên, bí thư kiêm trưởng bản Vịn, tổ trưởng tổ bảo lâm bản Vịn nói với chúng tôi, điều lo lắng nhất khi cộng đồng nhận khoán bảo vệ đó là không tìm được người tâm huyết, khỏe mạnh.

Bữa cơm đạm bạc trong chuyến tuần tra rừng của tổ bảo lâm bản Vịn. Ảnh: Võ Dũng.

Bữa cơm đạm bạc trong chuyến tuần tra rừng của tổ bảo lâm bản Vịn. Ảnh: Võ Dũng.

Tìm được người rồi, nếu không có chế độ đảm bảo thì họ nghỉ cũng không biết làm sao. Rất may, trước đó vài năm, bản Vịn được giao 1.360ha rừng theo Nghị định 02 và 1,2 nghìn ha rừng trồng. Sinh kế từ rừng coi như cơ bản được đáp ứng...

Tổ bảo lâm bản Vịn đã thành lập năm 2000 với số lượng thành viên hàng năm giao động 8 - 10 người. Đến nay, do tính chất công tác tuần tra, bảo vệ rừng phải tổ chức thường xuyên nên số lượng các thành viên trong tổ bảo lâm tăng lên 30 người, chia làm 4 nhóm.

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Nghệ An thực hiện tốt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững

Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tạo chuyển biến căn cơ trên địa bàn Nghệ An, tỉnh này triển khai thực sự hiệu quả thông qua tỷ lệ giải ngân 100%.

Quảng Bình phạt 2,8 tỷ đồng từ các vụ vi phạm hành chính lĩnh vực lâm nghiệp

Trong quý I/2024, lực lượng kiểm lâm Quảng Bình dự kiến nộp 2,8 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước từ 272 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm