| Hotline: 0983.970.780

Gỡ 'thẻ vàng' IUU tại Quảng Ninh chuyển biến chậm

Thứ Tư 05/10/2022 , 21:33 (GMT+7)

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, công tác gỡ thẻ vàng IUU của tỉnh Quảng Ninh còn chậm và tồn tại nhiều vấn đề cần khắc phục ngay.

Tàu cá có chiều dài 6-12m của tỉnh Quảng Ninh được cấp giấy phép chỉ đạt trên 50%. Ảnh: Nguyễn Thành.

Tàu cá có chiều dài 6-12m của tỉnh Quảng Ninh được cấp giấy phép chỉ đạt trên 50%. Ảnh: Nguyễn Thành.

Số lượng tàu cá được cấp phép còn thấp

Hiện, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp để triển khai khắc phục những tồn tại trong việc gỡ thẻ vàng IUU.

Theo đó, Sở NN-PTNT Quảng Ninh đã thành lập Đoàn công tác liên ngành của tỉnh để kiểm tra, triển khai các nội dung khuyến nghị của đoàn thanh tra EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định tại 4 huyện, thị xã, thành phố trọng điểm, để kiểm tra, hướng dẫn và xử lý dứt điểm các tồn tại về cấp giấy phép khai thác thuỷ sản, kiểm soát tàu cá cập, rời cảng, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình...

Được biết, từ đầu năm 2022 đến nay, Văn phòng kiểm soát nghề cá tại cảng Cái Rồng đã thực hiện kiểm soát 1.685 lượt tàu cá cập, rời cảng, trong đó có 817 lượt tàu cá cập cảng, 868 lượt tàu cá rời cảng. Tổng sản lượng thuỷ sản bốc dỡ qua cảng khoảng 2.110 tấn, chủ yếu là cá, mực, tôm; thu 793 cuốn nhật ký khai thác thuỷ sản, nhật ký thu mua chuyển tải thuỷ sản.

Trong giai đoạn năm 2018-2022, toàn tỉnh đã phát hiện 5.790 vụ vi phạm về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, xử phạt 5.754 vụ vi phạm, thu phạt trên 42,2 tỷ đồng. Tịch thu, tiêu hủy 34 tàu cá và nhiều tang vật vi phạm; di dời, phá dỡ 14 bè mảng, 4 cơ sở nuôi trồng thủy hải sản trái phép; tổ chức ngăn chặn, xua đuổi 469 phương tiện tàu cá, bè mảng của ngư dân nước ngoài vi phạm chủ quyền, đánh bắt hải sản trái phép.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, một trong những vấn đề mà tỉnh Quảng Ninh cần triển khai đó là nhanh chóng cấp giấy phép hoạt động cho tàu cá có chiều dài từ 6-12m. Được biết, tàu cá có chiều dài từ 6-12m thuộc thẩm quyền quản lý của UBND các huyện, thị xã, thành phố hiện nay là 3.882 tàu, chiếm 60,5% tổng số tàu toàn tỉnh; đã thực hiện đăng ký 3.686 tàu, đạt 94,9% (trong đó tàu cá đăng ký chính thưc là 2.307 tàu, đăng ký tạm thời 1.379 tàu, chưa đăng ký 196 tàu); đã cấp phép là 2.043 tàu, đạt tỷ lệ 52,6% tổng số tàu.

Có thể thấy, số lượng tàu được cấp phép là con số rất khiêm tốn, chỉ chiếm hơn 50% tổng số tàu. Đây là loại tàu cá có số lượng lớn nhất ở Quảng Ninh, hoạt động chủ yếu tại các vùng gần bờ; địa bàn quản lý rộng, tàu cá neo đậu phân tán ở nhiều nơi gây khó khăn cho công tác kiểm soát tàu cá và sản lượng khai thác.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thành.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thành.

Tiến tới giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn

Chiều 5/10, Đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến làm Trưởng Đoàn đã có buổi kiểm tra thực tế tại cảng cá Cái Rồng (huyện Vân Đồn) và làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh về việc gỡ thẻ vàng của EC về hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định.

Tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, công tác chống IUU của tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, song nhìn nhận vẫn có tồn tại cần tiếp tục khắc phục cũng như những khó khăn cần sự hỗ trợ của các đơn vị trung ương, trong đó bao gồm Bộ NN-PTNT.

Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị lực lượng nước ngoài bắt giữ, xử lý. 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên đã lắp thiết bị giám sát hành trình (219 chiếc), đồng thời đã được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, đăng ký, cấp phép khai thác thủy sản; 556 chiếc tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15m đã ký cam kết an toàn thực phẩm; 4.771/4.771 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên đã cập nhật thông tin vào phần mềm cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, nhu cầu về lương thực thực phẩm, trong đó có thủy sản hiện nay là rất cao, đây là cơ hội cho xuất khẩu thủy sản đối với Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng. Bởi vậy, việc gỡ thẻ vàng IUU cần phải tập trung thực hiện một cách nhanh chóng, quyết liệt và hiệu quả.

Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, công tác gỡ thẻ vàng IUU tại Quảng Ninh diễn ra còn chậm, sau nhiều lần kiểm tra nhưng tình trạng cải thiện chưa đáng kể, kết quả chưa cao như kỳ vọng, vẫn còn những cảnh báo quan trọng chưa đảm bảo điều kiện để gỡ. Tiêu biểu như việc Quảng Ninh vẫn còn tồn tại số lượng lớn tàu cá có kích thước và công suất nhỏ; công tác đăng ký tàu cá và cấp giấy phép khai thác thuỷ sản đạt tỷ lệ thấp, đặc biệt là đội tàu dưới 12m.

Vẫn còn tình trạng tàu cá từ 15m trở lên mất kết nối thiết bị giám sát hành trình khi đi hoạt động trên biển. Số tàu cá và sản lượng khai thác được kiểm soát tại cảng còn thấp, số liệu báo cáo giữa các đơn vị trong Văn phòng kiểm soát nghề cá còn chưa đồng bộ. Tình trạng khai thác nhưng chưa đi đôi với nuôi trồng và bảo tồn nguồn lợi biển khiến cho ngành thủy sản ở Quảng Ninh khó có thể hướng đến sự bền vững. Đặc biệt, Quảng Ninh chưa có cảng cá được đầu tư xây dựng hoàn thiện và công bố theo quy định.

Riêng về việc công bố cảng cá Cái Rồng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, Quảng Ninh hoàn toàn có thể thực hiện quy trình công bố cảng cá loại II tạm thời và thực hiện ngay trong tháng 10 này. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, Quảng Ninh chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, trước mắt là mục tiêu gỡ thẻ vàng của EC, về lâu về dài đây sẽ là giải pháp phát triển thủy sản bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao của tỉnh.

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh cho biết, ngày 15/10 tới, Quảng Ninh sẽ hoàn tất thủ tục để công bố cảng Cái Rồng là cảng cá loại II. Đây là một trong những tiêu chí mà Quảng Ninh còn thiếu để gỡ thẻ vàng IUU. Được biết, ngày 20/10, đoàn kiểm tra của EC sẽ đến Quảng Ninh để kiểm tra công tác khai thác thủy sản, đây là thời điểm quan trọng để Quảng Ninh chứng minh nỗ lực của tỉnh trong việc gỡ thẻ vàng IUU thời gian qua.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đồng thời nâng cao hiệu quả triển khai chống khai thác thủy hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định, tỉnh Quảng Ninh kiến nghị Bộ NN-PTNT một số nội dung sau:

Tiếp tục bố trí kinh phí triển khai Dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Cô Tô theo Quyết định số 3383/QĐ-BNN-KH ngày 27/7/2021 của Bộ NN-PTNT về việc phê duyệt Dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Cô Tô.

Hướng dẫn cụ thể việc thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với kết cấu hạ tầng trong lĩnh vực thủy sản do nhà nước đã đầu tư (Trung tâm sản xuất giống, khu neo đậu tránh trú bão và cảng cá…) để làm cơ sở thu hút nhà đầu tư nguồn lực xã hội quản lý khai thác đảm bảo hiệu quả hơn và giảm áp lực chi của ngân sách nhà nước cho nội dung này.

Xem thêm
Mở rộng nuôi tôm sú 2 giai đoạn vùng ven biển miền Trung

Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn có nhiều triển vọng mở rộng nhằm thay thế hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống tại các tỉnh ven biển miền Trung.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.