| Hotline: 0983.970.780

Hai khái niệm trong nông nghiệp

Thứ Tư 07/04/2010 , 11:10 (GMT+7)

Xin cho biết khái niệm "Ba giảm Ba tăng" và khái niệm "Một phải Năm giảm" trong nông nghiệp?

* Xin cho biết khái niệm "Ba giảm Ba tăng" và khái niệm "Một phải Năm giảm" trong nông nghiệp? 

Nguyễn Cao Ninh, P 507,17T2, Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội

Chương trình “3 giảm, 3 tăng” là tiến bộ kỹ thuật về lĩnh vực bảo vệ thực vật nhằm quản lý dinh dưỡng và dịch hại tổng hợp trên cây lúa một cách khoa học. Áp dụng biện pháp này giảm được lượng lúa giống từ 20 - 80kg/ha, giảm chi phí thuốc trừ sâu, điều chỉnh lượng phân bón phù hợp, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế, tạo ra sản phẩm sạch, bảo vệ môi trường sinh thái và sức khoẻ cộng đồng. Ở Long An, các mô hình trồng lúa "3 giảm 3 tăng" được xây dựng từ vụ hè thu năm 2003 đã sớm khẳng định hiệu quả thiết thực, là cơ sở để phát triển rộng đến nhiều địa phương.

Tính từ năm 2003 đến vụ đông xuân vừa qua, Long An đã tổ chức 477 điểm thực hiện mô hình với hơn 14.000 nông dân tham gia. Kết quả là: Mật độ gieo sạ đã giảm bình quân 26,76 kg/ha so với tập quán cũ. Phân đạm giảm bình quân 14,65 kg N tương đương với 31,85 kg phân urê/ha. Số lần phun thuốc trừ sâu giảm bình quân 1,34 lần. Năng suất bình quân tăng 276,25 kg/ha. Tăng hiệu quả kinh tế và tăng chất lượng lúa. Chi phí sản xuất hợp lý cho mỗi kg lúa giảm bình quân 191,71 đồng.

Vụ đông xuân năm 2006 – 2007, hơn 9.000 nông dân thuộc 4 quận, huyện của thành phố Cần Thơ là Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Ô Môn đã được tập huấn kỹ về chương trình "3 giảm 3 tăng". Kết quả áp dụng kỹ thuật "3 giảm 3 tăng" cho năng suất lúa cao hơn các thửa ruộng canh tác theo tập quán cũ từ 0,3 tấn đến 1,49 tấn/ha. Năng suất, chất lượng lúa tăng lên giúp nông dân tăng thu nhập cao hơn. Ở Ô Môn thu nhập bình quân tăng 602.000 đồng/ha, ở các huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt tăng từ 800.000 đến 1 triệu đồng/ha.

Theo tính toán, tiền tiết kiệm giống mỗi ha là 125.600 đồng; tiết kiệm phân 231.404 đồng; thuốc trừ sâu tiết kiệm 156.372 đồng; năng suất tăng lên làm tăng 2.980.000 đồng. Tổng cộng mỗi ha nông dân tăng thu nhập 3,5 đến 4 triệu đồng. Vào vụ sản xuất, bà con đã san bằng mặt ruộng để dẫn nước tưới đều khắp; sử dụng giống xác nhận, được bảo đảm cả tỉ lệ nẩy mầm cũng như độ sạch, được xử lý trước khi gieo sạ. Khi gieo sạ, bà con dùng máy sạ hàng hết 120 kg/ha, tiết kiệm được 165 kg/ha so tập quán cũ (sạ 285 kg/ha). Về bón phân đạm, trước đây bà con quen bón trung bình 130 kg/ha, nay chỉ bón từ 70 đến 100 kg/ha (giảm từ 23 đến 46%). Về phun thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm 4 đúng, số lần phun thuốc giảm 50% nhưng lúa vẫn xanh tốt, các loại dịch hại trên ruộng giảm mạnh, diện tích lúa nhiễm rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá không đáng kể.

Theo Cục Bảo vệ Thực vật thì Một phải Năm giảm là: Phải dùng giống lúa xác nhận. Giảm lượng nước vừa đủ, giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm lượng giống gieo sạ, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm phân bón. Mô hình này có thể giúp nông dân vừa tiết kiệm được giống, vật tư nông nghiệp, tiền bơm nước... tổng cộng khoảng 1,5 triệu đồng/ha; tạo lợi nhuận tối ưu và sản xuất lúa an toàn, bền vững.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.