| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng quản lý nông nghiệp bằng bản đồ số

Thứ Hai 27/05/2024 , 08:00 (GMT+7)

Sau một thời gian triển khai, đề án phát triển nông nghiệp và hệ thống bản đồ số nông nghiệp huyện An Dương đã hoàn thành và ứng dụng.

Tiến sĩ Hoàng Hiệp (ngoài cùng bên phải), Viện trưởng Viện nghiên cứu Tăng trưởng xanh (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) bàn giao đề án cho đại diện huyện An Dương. Ảnh: Đinh Mười.

Tiến sĩ Hoàng Hiệp (ngoài cùng bên phải), Viện trưởng Viện nghiên cứu Tăng trưởng xanh (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) bàn giao đề án cho đại diện huyện An Dương. Ảnh: Đinh Mười.

Đề án do huyện An Dương (TP Hải Phòng) phối hợp với Viện Nghiên cứu Tăng trưởng xanh (Học Viện Nông nghiệp Việt Nam) triển khai, gồm 3 báo cáo chuyên đề và 7 bản đồ chuyên ngành, được thực hiện trong 6 tháng (từ 8/2023 - 1/2024). Huyện An Dương là địa phương đầu tiên ở Hải Phòng triển khai và hoàn thành đề án này.

Nội dung đề án tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về thực trạng, chất lượng đất và tiềm năng sử dụng đất đai; xây dựng hệ thống quản lý trực tuyến dữ liệu tài nguyên đất đai và quy hoạch nông nghiệp huyện An Dương; quy hoạch phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái gắn với phát triển du lịch trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Trong quá trình triển khai xây dựng đề án, các ngành, các địa phương, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ, tổ chức thực hiện hoàn thành nhiều nội dung, với khối lượng công việc lớn như: Tổ chức thu thập thông tin, tài liệu; điều tra, quan trắc, lấy mẫu nước, mẫu không khí…

Các đơn vị chuyên môn đã triển khai lấy gần 500 mẫu thổ nhưỡng nông hoá, đánh giá chất lượng môi trường nước và không khí. Các mẫu sau khi thu thập đã được tiến hành phân tích các chỉ tiêu chất lượng theo tiêu chuẩn.

Mô hình trồng ớt ở xã An Hòa, huyện An Dương. Ảnh: Đinh Mười.

Mô hình trồng ớt ở xã An Hòa, huyện An Dương. Ảnh: Đinh Mười.

Bên cạnh đó, việc khảo sát, đánh giá hiện trạng sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, đánh giá liên kết chuỗi, ngành hàng, hiện trạng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, hiện trạng ứng dụng khoa học kỹ thuật và chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện An Dương cũng được tiến hành.

Thông qua các hoạt động lấy mẫu và phân tích môi trường, Viện Nghiên cứu Tăng trưởng xanh đã tiến hành xử lý nội nghiệp, phân tích, đánh giá tiềm năng đất đai, mức độ thích hợp, phân tích, dự báo xu hướng phát triển, xây dựng hệ thống các bản đồ nhằm phục vụ công tác quy hoạch, định hướng phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả, bền vững.

Theo UBND huyện An Dương, đề án được xây dựng bài bản, khoa học, phù hợp với quy hoạch của địa phương và quy hoạch phát triển chung của TP Hải Phòng. Điểm nổi bật của đề án là toàn bộ các dữ liệu, số liệu và bản đồ đã được số hóa, tạo thành một hệ thống dữ liệu trực tuyến kết nối với hệ thống DSS trực tuyến của huyện, cho phép truy cập và khai thác thông tin một cách thuận lợi, dễ dàng phục vụ cho cơ quan quản lý ra quyết định lựa chọn vùng sản xuất, phương án sản xuất nông nghiệp phù hợp.

Ông Lê Văn Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện An Dương cho biết, những năm qua, cùng với nhiệm vụ xây dựng đơn vị hành chính quận, phát triển đô thị, huyện dành sự ưu tiên quy hoạch quỹ đất cho phát triển nông nghiệp, gìn giữ các làng nghề truyền thống.

Mặt khác, địa phương đã phối hợp với các sở, ngành của TP Hải Phòng khôi phục và nhân giống cam Đồng Dụ, hoa Hải Đường ở xã Đặng Cương, phát triển hoa lay ơn ở xã Đồng Thái..., đồng thời triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng với hàng loạt mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả.

Phát triển trồng hoa hải đường ở xã Đặng Cương (huyện An Dương) là một trong những mô hình sẽ được triển khai thí điểm theo đề án. Ảnh: Đinh Mười.

Phát triển trồng hoa hải đường ở xã Đặng Cương (huyện An Dương) là một trong những mô hình sẽ được triển khai thí điểm theo đề án. Ảnh: Đinh Mười.

Tuy vậy, trước yêu cầu phát triển đô thị, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện An Dương dần thu hẹp, sản xuất nông nghiệp vẫn còn thiếu chuỗi liên kết, manh mún, lạc hậu, hiệu quả kinh tế chưa cao. Hiện sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn ít có tính đặc trưng từng vùng và sản xuất bị tác động bởi biến đổi thời tiết, khí hậu, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường... nên việc đánh giá toàn bộ hiện trạng của ngành nông nghiệp nhằm định hướng quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp là cực kỳ quan trọng và cấp bách.

Trước mắt, đề án sẽ triển khai thực hiện thí điểm một số mô hình sản xuất nông nghiệp dựa trên các kết quả phân tích, đánh giá hiện trạng, tiềm năng đất đai như: Mô hình sản xuất hoa chất lượng cao kết hợp với du lịch sinh thái tại xã Tân Tiến; mô hình canh tác lúa chất lượng cao tại xã Bắc Sơn; mô hình sản xuất nấm tại xã Hồng Phong; mô hình trồng rau quả trong nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã An Hòa; mô hình sản xuất khoai tây giống mới năng suất, chất lượng cao tại các xã Tân Tiến, An Hồng, Đại Bản…

“Với hệ thống bản đồ số hoá được công bố rộng rãi, người dân và doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt được tiềm năng đất đai, các thông tin về quy hoạch, từ đó thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư vào sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả, bền vững”, ông Lê Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện An Dương cho hay.

Huyện An Dương hiện có gần 5 nghìn ha đất nông nghiệp với tổng giá trị sản xuất trung bình hàng năm gần đây đạt trên 1 nghìn tỷ đồng. Với điều kiện đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào, là điều kiện thuận lợi cho huyện An Dương phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, tiên tiến, chất lượng cao.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Thời cơ thuận lợi để phát triển cây ca cao

Sau nhiều thăng trầm, giảm mạnh diện tích, cây ca cao vẫn có chỗ đứng ở Bà Rịa – Vũng Tàu và đang mang lại niềm vui cho nông dân nhờ giá tăng cao.