| Hotline: 0983.970.780

Hai sắc thái của ruộng hoang: [Bài VII] Đất đai chưa mang lại yên bình và giàu có cho nông dân!

Thứ Tư 31/07/2019 , 13:55 (GMT+7)

Nước mình là nước nông nghiệp, đa số dân là nông dân nên cái gì động chạm đến nông nghiệp, nông dân trong đó có đất đai đều có ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến toàn xã hội…

> Bài I: Anh hùng phủ lấm bụi mờ

> Bài II: Khi đồng ruộng không khác viện dưỡng lão

> Bài III: Xã bỏ 100% vụ mùa, có cho tiền dân cũng không cấy

> Bài IV: Xã có 155 lá đơn xin trả lại ruộng

> Bài V: Chuyện đồng ruộng với cựu Chủ tịch tỉnh sống ở giữa làng

> Bài VI: Sự thấp thỏm của những đại điền chủ kiểu mới

GS.TS.Nhà giáo nhân dân Trần Đức Viên.


Đất ngoài là tài sản đối với người Việt nó còn là quê hương, là máu thịt, là tâm linh (với mồ mả ông cha trong đó), là văn hóa, là tâm hồn… nên chúng ta mới có hai từ “đất nước” để chỉ Tổ quốc mình. Có lẽ do vậy, mà cha ông ta đã đi theo cách mạng, sẵn sàng hy sinh cả mạng sống, sẵn sàng vác dao bầu, đòn gánh, gậy gộc lên phủ huyện cướp chính quyền để mong một mảnh đất cắm dùi.

“Người cày có ruộng” đã làm nên sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần vô địch của tầng lớp cần lao. Từ người nông dân ngày hôm qua vác dao bầu, đòn gánh, gậy gộc lên phủ huyện cướp chính quyền để mong có được “mảnh đất cắm dùi” ấy thì nay không ít con cháu họ lại không thiết gì với đất nữa. Có lạ không? Không lạ! Có buồn không? Rất buồn!

Nhiều nông dân vẫn cấy lúa thủ công.

Nông thôn đang xảy ra ba hiện tượng hàng ngày có liên quan đến đất đai: Hiện tượng thứ nhất là nông dân mất đất bởi việc mở rộng các khu công nghiệp, đô thị. Việc qui hoạch đất đai hay giá đền bù giải phóng mặt bằng nói là theo pháp luật nhưng ở nhiều nơi là do ông Chủ tịch tỉnh hay thành phố quyết định, đương nhiên là phải thông qua Hội đồng nhân dân nữa. Có nơi thu hồi không được thì cưỡng chế.  

Về làng, điển hình là ngày tết, chỉ mồng hai thôi đã thấy lạnh lẽo rồi. Trước đây, tết từ ngày ông Công ông Táo cho đến rằm tháng Giêng, người lớn tất bật, vui vẻ, thanh niên, trẻ con háo hức. Người ta đánh cờ người, đấu vật, xúm quanh chiếu chèo, kéo co…
Rất nhiều trò chơi xưa nay đã biến đi đâu hết. Thanh niên quê giờ có tâm lý không muốn làm ruộng vì không thấy ai làm giàu từ ruộng được, đặc biệt là nơi chỉ cấy lúa. Bởi thế phải ly hương tuy vẫn giữ ruộng bởi hai lý do: Nhỡ sau này nhà nước quy hoạch lấy vào đất của mình sẽ được cục tiền; Nhỡ sau này con cháu lên thành phố bị thất nghiệp, về làng còn chỗ nương thân.

Hiện tượng thứ hai là nông dân chán đất, không thiết tha gì với đồng ruộng nữa mà loạt bài “Hai sắc thái của ruộng hoang” do Báo NNVN đang phản ánh. Người nông dân không thiết gì đất bởi đất không nuôi nổi người, đất chưa mang lại cho họ sự yên lành và giàu có. 

Nông dân hoặc chán hoặc đầu độc, bóc lột đất tối đa bằng sử dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học quá mức miễn để lấy được giá trị thặng dư cao hơn, không cần biết đến tương lai. Nếu đất kiệt quệ rồi thì bán, bán không ai mua thì cho thuê, không ai thuê nữa thì bỏ hoang...

Hiện tượng thứ ba là nông dân chán quê. Làng quê giờ đây tuy tiện nghi đầy đủ hơn, nhà cao cửa rộng nhiều hơn, nhiều người khá giả hơn nhưng dường như không còn yên ấm như xưa vì cây xanh thưa thớt, vắng bóng lũy tre làng, nhà cửa hình ống rồi “củ hành củ tỏi”, lai căng, trọc phú. Nếu về làng không vào dịp hội hè hay tết nhất thì chỉ gặp toàn người già với trẻ con, những ai có sức khỏe bỏ lên thành phố, khu công nghiệp… để kiếm sống.

Ngày xưa, theo như những gì được mô tả trong cuốn sách “Người nông dân Bắc Kỳ” của Gourou, một ngôi làng vùng đồng bằng sông Hồng điển hình bao giờ cũng được bao bọc bởi lũy tre, có cổng làng, có đình chùa miếu mạo, có giếng làng, có cây đa, sang nữa thì thêm bến nước... 

Hồn vía của làng ẩn sau lũy tre, dưới mái đình, trên cánh đồng làng. Làng của ta bây giờ tre không còn nữa vì sợ chạm vào dây điện nên chặt đi. Những cây cổ thụ không còn nữa vì sợ bão đập ngả vào dây điện. Nhà kiểu quê xưa ngày một ít đi mà thay bằng nhà kiểu phố, hình ống, ngất ngưởng 2-3 tầng. 

Tiện nghi ở nông thôn tốt hơn, tối có đèn sáng, có nước sạch, đường làng không còn lầy lội, hơn hẳn ngày xưa nhưng đời sống pha tạp kiểu phố phường, kiểu tây tầu, có cái gì đó sâu thẳm trong tâm hồn người làng đã bị xói mòn, mai một.


Từ lâu rồi đã hình thành "thị trường" đất đai ở nông thôn, quê tôi người ta đang bán 35 - 40 triệu đồng/sào tùy vị trí. Một trong các lý do người nông dân không thiết tha với đồng ruộng có lẽ cũng vì họ chưa có thực quyền. Thân phận mảnh đất là do nhà đầu tư định đoạt.

Sắp tới, dù muốn hay không, chúng ta cũng phải làm rõ vấn đề này. Khi nhà nước cần đất có thể đền bù theo giá thị trường. Người nông dân cũng phải được tham gia vào quá trình quy hoạch đất đai. Như hiện nay quy hoạch thế nào hầu như là do địa phương, nhà đầu tư quyết cả.

Ngoài ra tôi còn nghe bà con nhiều làng quê phàn nàn, là ở thành phố khi có bất cứ chuyện gì như ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải, điện đường trường trạm đều là nhà nước làm hết, làm tận ngõ, vào tận nhà. Nhưng ở nông thôn lại khác. Động tí gì đến môi trường, đến điện đóm, đến đường thôn ngõ xóm, họ cũng phải lo đóng góp, phải lo thực hiện “xã hội hóa”.

Gọi là xã hội hóa nhưng thực tế là kêu gọi nông dân đóng góp bằng thu nhập ít ỏi của họ. Trong khi vẫn con người ấy nếu ra thành phố thì họ không phải đóng góp gì cả, đã có nhà nước lo.

Khi nông dân cảm thấy không có thực quyền, cảm thấy bất an, vì có thể vào một ngày đẹp trời mảnh đất ấy không phải đất của họ nữa. Có lẽ vì thế nên họ không chăm chút đất, nên bóc lột đất đai chăng? Bây giờ nếu trả lại cho họ tất cả các giá trị thực ấy, tôi tin là người nông dân sẽ yêu quý đất.

Một ý tôi muốn nhấn mạnh nữa là đất công. Ngày xưa các cụ ở ta có công điền, công thổ. Làng nào, tổng nào, xã nào bao giờ cũng có đất công điền (ruộng công), công thổ (đất ở công) với một tỷ lệ khoảng 20-30%. Ngay nước Mỹ phát triển như thế vẫn giữ đất công khoảng 40%. Nhưng chúng ta bây giờ diện tích đất công theo thống kê chỉ còn khoảng 5%.

Tháng trước, tôi có đi tỉnh Điện Biên, thấy đồng bào định cư ở đây theo chương trình di dân lòng hồ thủy điện phá rừng làm nương rẫy dữ quá. Hỏi ra mới biết, có cam kết với đồng bào rằng đến nơi ở mới có điều kiện sinh sống và canh tác tốt hơn nơi ở cũ, mỗi gia đình được 400m2 làm nhà ở và 2ha đất canh tác. 

Nhưng huyện xoay xở mãi cũng không đủ 400m2 đất thổ cư cho một đầu hộ, không đủ 2ha đất luân canh rừng - rẫy và canh tác nông nghiệp vì không còn đất công nữa. Ở vùng xa xôi mà còn như vậy, thì các tỉnh đồng bằng và ven đô chắc là đất công, ruộng công còn hiếm hơn nữa… Nếu sau này cần đất để làm các công trình công cộng thì lấy đâu ra?


Theo tôi điều kiện của ta gần gũi với Hàn Quốc, Nhật Bản, những cư dân dùng đũa, có lẽ cũng nên học hỏi họ ít nhiều trong phát triển nông thôn. Ở Nhật có chương trình phát triển nông nghiệp dài hạn. Quá trình đi lên trở thành một nền nông nghiệp hàng đầu thế giới của họ được bắt đầu từ những thay đổi ở tầm chính sách vĩ mô sau chiến tranh thế giới lần thứ II.

Trong thập niên 70, nhiều tỉnh của Nhật Bản đã hình thành và phát triển phong trào “Mỗi làng một sản phẩm”, điều đó không những đã góp phần quan trọng vào việc phát triển nông nghiệp, thay đổi bộ mặt nông thôn mà còn góp phần phần phát triển chung cho kinh tế-xã hội trong nhiều thập niên của cả nước Nhật. 

Bước đầu tiên là thực hiện cải cách đất nông nghiệp để cho nhà nông tự chủ (16 năm). Cơ giới hóa bằng việc đưa máy móc vào canh tác để nhà nông có nhiều thời gian tham gia nghề phụ, chế biến nông sản hay thành công nhân công nghiệp. Thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ sản phẩm nông nghiệp giá trị gia tăng thấp sang sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao (trong 30 năm).

Một trang trại trồng hoa ở huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc.

Từ những năm 1990, Nhật Bản luôn áp dụng “nguyên lý thị trường” trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo sự hài hòa giữa đời sống nông thôn và thành thị. Từ năm 2000, quốc gia này thực hiện chính sách nông nghiệp “Takebe” hướng tới mục tiêu cung cấp lương thực ổn định. Ban hành luật pháp về an toàn thực phẩm, luật pháp về giáo dục chế độ ăn uống, bảo đảm hài hòa giữa thành thị và nông thôn, môi trường nông thôn gần gũi với tự nhiên. Việc tái cơ cấu do doanh nghiệp nông nghiệp dẫn dắt ngày càng hoạt động hiệu quả...

Giờ rất lạ, cái gì là truyền thống lại không được coi trọng mà cứ giống mới, nhập ngoại là thích, chạy theo năng suất. Nông dân ta tự bơi, tự lo mọi thứ. Hệ thống khuyến nông mới chỉ làm mỗi việc trồng cây gì, nuôi con gì kiểu trình diễn thôi chứ không kết nối được nông dân với thị trường. Người nông dân làm hôm nay không biết ngày mai sản phẩm của họ đóng gói thế nào, bán cho ai, ở đâu, giá cả ra làm sao…

Quan tâm hỗ trợ việc tạo giá trị gia tăng cho nông dân thay vì chỉ gia tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp công nghiệp và thương mại. Người Nhật không có “cánh đồng mẫu lớn” qui mô hàng trăm, hàng ngàn ha mà nông dân vẫn cặm cụi trên mảnh đất không lớn của họ, lo duy trì và nâng cao chất lượng, sản lượng nông sản trong các Noukyou (Nông hiệp) một hình thức liên kết các hộ liền bờ liền thửa kiểu HTX. 

Nông hiệp lo tổ chức sản xuất, kết nối với doanh nghiệp, lo đầu vào, đầu ra để người nông dân có thu nhập cao nhất. Chính quyền lo chính sách để người nông dân được hưởng lợi nhiều nhất, không can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các nông hiệp hay của hộ nông dân.

Hiện nay, chỉ có khoảng 3% dân số Nhật Bản làm nông nghiệp nhưng lại cung cấp lương thực, thực phẩm chất lượng cao dư thừa cho dân số hơn 127 triệu người cùng xuất khẩu. Ngoài phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, hiện nay chính phủ Nhật còn hỗ trợ phát triển “du lịch nông nghiệp”, mục tiêu xây dựng 500 vùng nông thôn thực hiện chương trình “home stay”, người du lịch đến ở cùng nông dân vào năm 2020. Số khách du lịch gần đây đã tăng lên nhanh chóng khoảng trên 20 triệu người trong năm 2016 và dự kiến đạt 40 triệu lượt người năm 2021.

Trong chính sách nông nghiệp, quy định về các khoản trợ cấp, trợ giá của chính phủ thể hiện ở rất nhiều văn bản, các quỹ hỗ trợ được mở rộng dần tới một số lượng lớn các mặt hàng nông sản. Hay nói cách khác, các khoản hỗ trợ đóng vai trò đáng kể vào sự hình thành vốn nông nghiệp, đặc biệt là đầu tư vào cơ hạ tầng, đất đai, môi trường. Trong đó bao gồm 3 chính sách chính thông suốt quá trình phát triển gồm: 1. Chính sách hỗ trợ nông nghiệp; 2. Chính sách cải cách pháp lý trong nông nghiệp, 3. Chính sách cải cách hành chính trong nông nghiệp.

Điều rõ nhất của quốc gia này là đã khôn khéo đầu tư cho nông nghiệp ngay từ đầu trong công cuộc phát triển đất nước, không “hi sinh” nông nghiệp, nông thôn cho công nghiệp hóa, đô thị hóa. Trí thức hóa nông thôn để làm ra những sản phẩm có giá trị cao. Họ khẳng định bằng thực tiễn nông thôn là nơi đáng sống.

Những cư dân đô thị, nhất là tầng lớp trí thức đều có xu hướng muốn quay về nông thôn để sinh sống và làm việc. Ngay cả trong lòng cố đô Kyoto, có một đêm tháng năm đang nằm tôi bỗng ngửi thấy hương thơm ngào ngạt giống hệt mùa lúa ở quê mình nên dậy đi tìm và thấy ruộng lúa…

Người Nhật rất trân trọng những sản phẩm địa phương, bản địa như bò Kobe, bò Miyazaki, giống lúa, giống cam, giống nho… đều là của Nhật. Họ bằng mọi cách để nâng cao chất lượng của chúng lên, cải tiến hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Ngay từ đầu họ đã gắn nông dân với thị trường nội địa và toàn cầu rồi, làm hôm nay biết ngày mai sản phẩm được đối xử thế nào.

 

Học viện Nông nghiệp Việt Nam - Dương Đình Tường (ghi)

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội là điểm tựa vững chắc của nhân dân

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Australia có thể giúp đỡ Việt Nam trong chương trình 1 triệu ha lúa

Chiều 20/12, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski và cảm ơn Đại sứ với những đóng góp của ông trong nhiệm kỳ vừa qua.

Nguyên nhân vụ cháy nhà trọ làm 2 người chết

TP.HCM Ngôi nhà 4 tầng, rộng khoảng 60m2, được ngăn thành hơn chục phòng nhỏ cho thuê, tầng trệt để xe máy, thời điểm xảy ra cháy, khu trọ đang có 23 người ở các phòng.