Cây rụng lá, bay luôn hàng tỷ đồng
Có mặt tại vườn sầu riêng của gia đình ông Bùi Văn Quyển, làng Tum, xã Ia Ly, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến hàng ngàn cây sầu riêng đang giai đoạn đơm bông kết trái đồng loạt bị rụng lá. Cả tháng nay, gia đình ông Quyển phải vất vả ngược xuôi để tìm cách giải độc cho vườn sầu riêng hơn 20 ha của gia đình.
Sự việc đáng tiếc xảy ra vào cuối năm 2020, khi đó ông Quyển thuê một người bạn ở Đăk Lăk sang làm kỹ thuật bông trái cho vườn sầu riêng của gia đình. Sau khi nhận thấy vườn sầu riêng bị côn trùng nhện đỏ tấn công, người bạn này đã yêu cầu ông sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhãn hiệu Nilmite của Công ty Cổ phần Đầu tư Hợp Trí (Đăk Lăk).
Sau đợt 1 dùng thuốc bảo vệ thực vật Nilmite, đến khoảng 10 ngày sau gia đình ông Quyển tiếp tục phun thuốc đợt 2. Lúc này, vườn cây sâu riêng bắt đầu có hiện tượng cháy lá rồi rụng hàng loạt. Lo sợ cây sầu riêng bị mất dinh dưỡng, gia đình ông Quyển buộc phải phá hết bông với hy vọng cứu vãn cho mùa vụ sau.
“Vườn sầu riêng của gia đình hiện có khoảng 2.600 cây đang trong giai đoạn thu bói cho năng suất khoảng 60-70 tấn. Với giá thị trường ở thời điểm hiện tại 70.000 đồng/kg ước thiệt hại của gia đình vào khoảng 3 tỷ đồng. Chưa kể, thời gian vừa qua, gia đình đã phải bỏ ra hơn 40 triệu đồng để mua phân bón cùng các dưỡng chất nhằm giải độc cho vườn cây”, ông Quyển chua xót cho biết.
Theo ông Quyển, phía Công ty Hợp Trí cũng thừa nhận là thuốc của họ cung cấp. Tuy nhiên, họ lại không thừa nhận thuốc này làm rụng lá sầu riêng. Sau đó, phía công ty có hỗ trợ 32 can phân hữu cơ để bón gốc, giải độc cho vườn cây.
Cũng với tình trạng vườn sầu riêng (2ha) bị rụng lá do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật Nilmite, gia đình ông Bùi Văn Tuyển (làng Tum, xã Ia Ly, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) những ngày qua đang dồn hết công sức, tiền bạc để giải độc cho vườn cây.
Sau nhiều lần phun chất dinh dưỡng và phân bón hữu cơ, một số cây sầu riêng của gia đình đã đâm chồi lá non, tuy nhiên, những lá chết cháy vẫn còn rất nhiều.
Trước những thiệt hại trên, gia đình ông Tuyển đã làm đơn khiếu nạn lên UBND xã Ialy và làm việc với Công ty Hợp Trí để được hỗ trợ. Về phía công ty cũng đã hỗ trợ phân bón nhưng số lượng rất ít so với nhu cầu của cả vườn cây.
“Công ty có gửi lên một số ít chất dinh dưỡng phun lên lá và hai can phân bón hữu cơ để tưới gốc cây. Nhiêu đó không ăn thua so với nhu cầu rất lớn để giải độc cho vườn cây”, ông Tuyển nói và cho biết, riêng việc xử lý giải độc cho vườn cây hết khoảng vài chục triệu, còn thiệt hại về doanh thu thì chưa thể tính được.
Được biết, riêng khu vực xã Ia Ly có ít nhất 4 gia đình trồng sầu riêng cũng bị tình trạng rụng lá tương tự khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhãn hiệu Nilmite.
Sản phẩm chưa đăng ký dùng trên cây sầu riêng
Trước những nghi vấn do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ông Phan Quốc Hùng, Trưởng bộ phận nghiên cứu sản phẩm, Công ty Cổ phần Đầu tư Hợp Trí cho biết: Đến thời điểm này chúng tôi vẫn chưa rõ nguyên nhân vì sao vườn sầu riêng của các hộ dân lại bị rụng lá. Chúng tôi cũng đã đến trực tiếp tìm hiểu và cho phun thuốc Nilmite trên cây sầu riêng khác không bị rụng lá, phát triển bình thường.
Theo lý giải của ông Hùng, do các hộ gia đình đều thuê chung một người kỹ thuật làm bông trái, nên khi xảy ra vụ việc công ty không biết người này dùng phương pháp gì nên chưa thể kết luận được nguyên nhân vườn sầu riêng bị rụng lá.
Tuy nhiên, phía công ty đã hỗ trợ các chất dinh dưỡng cần thiết để kích thích mọc chồi lá non và bón phân hữu cơ để phục hồi bộ rễ. “Sau đợt hỗ trợ đó không thấy phía các hộ dân phản hồi nên chúng tôi nghĩ rằng cây đã phát triển bình thường trở lại”, ông Hùng cho biết.
Liên quan việc người dân phản ánh, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Ialy cho biết, ngay khi người dân kiến nghị, UBND xã đã thành lập tổ công tác xác minh vụ việc. Qua kiểm tra thực tế tại các vườn cây sầu riêng của các hộ dân với tổng diện tích khoảng 26,5ha, tổ công tác xác nhận, nhiều cây sầu riêng bị rụng lá non, lá già bị cháy. So sánh với vườn sầu riêng của gia đình bên cạnh không sử dụng thuốc Nilmite thì không có dấu hiệu bị rụng lá.
Trước sự việc này, UBND xã đã làm báo cáo gửi về huyện Sa Thầy để xác minh, kiểm tra, xem xét giải quyết. Theo ông Tuấn Anh, chỉ có Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Kon Tum mới đủ chuyên môn để đánh giá chất lượng loại thuốc Nilmite này.
“Trước đây cũng có nhiều công ty, đơn vị buôn bán vật tư nông nghiệp đến địa bàn xã quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên, các sản phẩm này chưa được huyện thông qua nên xã đã yêu cầu dừng lại. Do các hộ dân liên hệ trực tiếp với đại lý vật tư nông nghiệp bên Đăk Lăk nên chúng tôi không thể kiểm soát được”, ông Tuấn Anh chia sẻ, đồng thời khuyến cáo người dân không nên mua các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật trôi nổi trên thị trường để tránh những điều đáng tiếc xảy ra.
Sản phẩm Nilmite 550SC của Hợp Trí không đăng ký sử dụng trên cây sầu riêng
Trao đổi Báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 24/2, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, qua rà soát chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật đã cấp cho Công ty Cổ phần Đầu tư Hợp Trí, sản phẩm Nilmite 550SC, hoạt chất Fenbutatin oxide Active ingredient, hàm lượng hoạt chất 550g/l đã được đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Tuy nhiên, đối tượng đăng ký là phòng trừ của sản phẩm Nilmite 550SC là nhện gié, nhện đỏ trên 3 loại cây trồng, gồm: lúa, cam và hoa hồng, sản phẩm chưa đăng ký lưu hành phòng trừ nhện trên cây sầu riêng. Do đó, việc tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm Nilmite 550SC của Hợp Trí phòng trừ sâu bệnh hại trên cây sầu riêng là không đúng theo quy định hiện hành.
Nguyên Huân