| Hotline: 0983.970.780

Hàng chục hộ nghèo lại thêm túng quẫn vì nhận bò hỗ trợ bị lở mồm long móng

Thứ Sáu 03/11/2017 , 08:37 (GMT+7)

Đàn bò được hỗ trợ khi bà con dắt về nhà hầu hết miệng bị lở loét, chảy dãi, yếu ớt, bỏ ăn, chân trầy xước, nhiều con còn lây bệnh sang cả đàn bò người dân đang nuôi...

Thay vì trao chiếc cần có thể “câu cá”, Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh cùng UBND một số xã lại phớt lờ các quy định về kiểm dịch, đã trao chiếc cần... gãy cho bà con. Chiếc “cần” ở đây là 30 con bò giống bị bệnh lở mồm long móng (LMLM).
 

Bò hỗ trợ làm khổ bò dân

Hàng chục hộ nghèo thuộc các xã Phú Phong, Hương Xuân và Gia Phố (Hương Khê) bức xúc phản ánh, vừa qua họ được chính quyền hỗ trợ mỗi hộ một con bê (bò) cái lai Zêbu để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

17-39-15_1
Một con bò dự án bị bệnh LMLM

Tuy nhiên, thay vì hỗ trợ bò khỏe mạnh, chính quyền lại hỗ trợ bò bị LMLM. Đàn bò được hỗ trợ khi bà con dắt về nhà hầu hết miệng bị lở loét, chảy dãi, yếu ớt, bỏ ăn, chân trầy xước, nhiều con còn lây bệnh sang cả đàn bò người dân đang nuôi.

Anh Nguyễn Hữu Q. ở xã Gia Phố cho biết, thời điểm anh nhận bò đã thấy chân bò bị xây xát nhưng lúc đó anh chỉ nghĩ chắc do bò bị nhốt trên xe di chuyển đường dài nên dẫm phải nhau gây xây xước. Đến khi dắt bò về đến nhà thì bò gần như kiệt sức, không đi nổi. Sau khi mời thú y đến kiểm tra thì xác định bò bị LMLM.

“Chúng tôi chưa kịp vui mừng khi được hỗ trợ “đầu cơ nghiệp” thì lại phải đổ tiền ra chữa bệnh cho bò. Không hiểu các cấp chính quyền kiểm dịch thế nào mà lại đưa bò bệnh về cho dân nuôi thế này”, anh Q. bức xúc.

Con gái bà Phan Thị Lê ở xã Phú Phong cũng thuộc diện hộ nghèo, sau khi đưa ra bình xét tại thôn xóm, xã lập danh sách đưa vào diện được hỗ trợ một con bò giống. Ngày 25/10, con rể bà Lê dắt bò về thì thấy bò đi lại rất khó khăn. Khi kiểm tra, phát hiện chân bò bị lở loét cả 4 móng, bò chỉ nằm, thậm chí bỏ cả ăn suốt 3 ngày liền.

“Gia đình tôi trước nay cũng nuôi bò nên có chút kinh nghiệm. Sau khi thấy biểu hiện của bò hỗ trợ như vậy tôi nghi ngờ bò đã bị dịch LMLM nên vội báo cho xã. Khi các cơ quan chuyên môn về kiểm tra thì đúng như dự đoán, bò đã dính bệnh”, bà Lê nói.

Trước đó, ngày 30/6/2017, UBND huyện Hương Khê ban hành quyết định về việc phân bổ kinh phí “Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất chương trình 30a năm 2016”. Theo đó, có 6 xã (mỗi xã 10 hộ thuộc diện khó khăn) được hỗ trợ bò giống (trị giá 10 triệu đồng/con) là Phúc Trạch, Hương Trạch, Phú Phong, Hương Xuân, Gia Phố, Hương Trà.

Trung tâm đã kiểm tra xác minh, phát hiện một số bò dự án cấp cho người dân bị bệnh LMLM. Cụ thể, ngày 26/10 có 14/30 con bò dự án bị bệnh, đến ngày 29/10 thì toàn bộ 30 con bị bệnh và còn lây lan sang 3 con bò và 1 con lợn nái đang mang thai của người dân tại địa phương.

Đến ngày 25/10, 30 hộ dân 3 xã Phú Phong, Hương Xuân và Gia Phố được nhận 30 con bò. Toàn bộ số bò trên do Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Hương Khê đưa về và phối hợp với các xã bàn giao cho dân.
 

Cấp dưới tự ý mua bò (!?)

Ông Nguyễn Minh Long, GĐ trung tâm cho biết: Việc bò dự án đưa về cho người dân đã bị bệnh là hết sức nghiêm trọng. Cụ thể, theo hồ sơ số bò trên đã được tiêm phòng vacxin LMLM nhị type (O, A) và đủ thời gian miễn dịch nhưng lại bị bệnh đồng loạt. Trung tâm đã yêu cầu đơn vị cung ứng giống chịu kinh phí điều trị bệnh cho số bò nói trên, kể cả những con bị lây bệnh.

Ông Long cho hay, việc cấp bò giống bị bệnh cho dân là do cấp dưới vượt quyền tự quyết định mua bò ngoại tỉnh mà không báo cáo với GĐ trung tâm. Ông đã cảnh báo trước cuộc giao ban toàn UBND huyện nếu mua con giống thì nên mua trên địa bàn, nếu mua ở ngoại tỉnh thì luôn luôn chú ý đến công tác phòng chống dịch.

Tuy nhiên, khi thực hiện, chủ tịch UBND các xã được nhận bò hỗ trợ đã đấu nối với hai cán bộ của trung tâm là ông Trần Hoài Sơn (PGĐ) và ông Đặng Hữu Thức (kế toán) tự ý quyết định mọi việc. Bản thân ông không được cấp dưới báo cáo, bàn bạc (!).

17-39-15_2
Nhiều hộ dân gặp... vạ vì bò hỗ trợ đem bệnh LMLM truyền sang bò nhà

“Sau khi tổ chức cuộc họp khẩn để phân định trách nhiệm của phía cung ứng, các xã và các cán bộ của trung tâm, tôi đã nói với lãnh đạo địa phương và đơn vị cung ứng rằng 2 cán bộ cấp dưới của tôi đã lạm quyền tự quyết định mọi việc”, ông Long nói.

Còn ông Trần Hoài Sơn, người trực tiếp mua bò giống từ Trạm Giống chăn nuôi Bắc Nghệ An thừa nhận, ông chỉ nói cán bộ kế toán báo cáo với GĐ trung tâm khi bò đã được trao cho người dân. “Sáng 25/10 khi bò đưa về, tôi giao cho đồng chí Thức báo cáo với anh Long nhưng sáng đó anh Long đi họp tại UBND huyện nên không gặp được. Chiều cùng ngày, tôi giao cho đồng chí Thức đưa các hồ sơ cho anh Long”, ông Sơn giải thích.

Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh, ông Trần Hùng cho hay: Kiểm tra các hồ sơ, thủ tục liên quan cho thấy, bò bị bệnh trước khi nhập về giao cho dân. Các thủ thục nhập giống chưa chặt chẽ, cụ thể là số mũi vacxin tiêm phòng, thời gian tiêm phòng chưa đảm bảo; đối với con giống nhập về chăn nuôi phải có xét nghiệm một số mẫu bệnh nguy hiểm nhưng trung tâm không làm; quá trình nhập giống bò không báo cáo cơ quan chuyên môn để kiểm tra hồ sơ thủ tục, chất lượng giống, kiểm dịch và hướng dẫn nuôi cách ly trước khi nhập đàn theo quy định.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.